Pho tượng một chân trong ngôi đền cổ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nổi tiếng là ngôi đền thiêng ở cửa biển TP Sầm Sơn, đền Độc Cước thờ pho tượng một chân đầy bí ẩn.

Đền Độc Cước ngự trên hòn Cổ Giải, thuộc dải núi Trường Lệ (TP Sầm Sơn, Thanh Hóa). Ảnh: TG
Đền Độc Cước ngự trên hòn Cổ Giải, thuộc dải núi Trường Lệ (TP Sầm Sơn, Thanh Hóa). Ảnh: TG

Tương truyền, vị thần Độc Cước đã tự xẻ thân mình làm đôi để đánh đuổi đám quỷ biển, bảo vệ dân làng.

Giai thoại về vị thần một chân

Đền Độc Cước ngự trên hòn Cổ Giải (nghĩa là cổ con rùa biển) thuộc dải núi Trường Lệ (TP Sầm Sơn, Thanh Hóa). Ngôi đền thiêng này từ lâu đã trở thành điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của thành phố biển Sầm Sơn. Không ít du khách về Sầm Sơn tắm mát đều ghé thăm dâng hương và tìm hiểu về sự tích của ngôi đền thiêng này.

Trên tấm bảng giới thiệu ghi rõ, đền Độc Cước được xây dựng từ thời nhà Trần. Ngôi đền thờ vị thần một chân (bán thân bổ dọc) có tên là “Độc Cước chân nhân” hay “Sơn Tiêu Độc Cước”. Đây cũng là vị thần gắn liền với giai thoại đã tự xẻ đôi thân mình để vừa đánh đuổi quỷ ngoài khơi, vừa đánh giặc trong đất liền cứu giúp dân làng.

Theo truyền thuyết dân gian, Sầm Sơn xưa kia vốn dĩ là vùng đất yên bình. Một ngày nọ, đám quỷ biển bỗng xuất hiện, chúng cướp phá, đánh giết dân làng. Cậu bé Độc Cước lúc này lớn nhanh như thổi, thành một chàng trai cao lớn, sức khỏe phi thường đã dũng cảm xông pha ra biển đánh đuổi đám quỷ.

Tuy nhiên, khi Độc Cước vào bờ thì đám quỷ lại quấy phá trên biển khiến ai nấy đều kinh hãi. Để bảo vệ dân làng, chàng trai Độc Cước đã tự xé thân mình làm đôi, một nửa theo dân chài ra khơi đánh cá, nửa người còn lại lưu lại trên hòn Cổ Giải để chống loài quỷ biển. Bàn chân của chàng đã in sâu vào núi đá Cổ Giải truyền lại đến muôn đời.

Tin rằng đó là vị thần xuống giúp dân giải trừ tai ương, người dân làng biển Sầm Sơn lúc bấy giờ đã lập đền thờ ngay tại nơi có vết chân vị thần để lại, đặt tên đền là Độc Cước. Đồng thời suy tôn ngài là vị thần bảo trợ cho người dân làng biển.

Hiện nay, ngôi đền còn lưu giữ 8 đạo sắc phong do các triều đình phong kiến ban tặng. Trong đó, sắc phong Cảnh Hưng năm thứ 44, ngày 26/7 có ghi: “Độc Cước là vị thánh linh thiêng vào bậc nhất trong hàng Thánh mà không vị nào bằng. Ngài đem sự tài giỏi, linh thiêng ấy để gìn giữ bờ cõi cho đất nước, bảo vệ dân làng và muôn vật. Đối với kẻ ác thì trừng trị thẳng tay, thật là một vị thánh đầy đủ nhân hậu”.

Năm 1962, đền Độc Cước đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ VH,TT&DL) xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, cùng với hòn Trống Mái, đền Tô Hiến Thành và đền Cô Tiên.

Hàng năm, cứ đến ngày 16/2 âm lịch, ngư dân Sầm Sơn lại tổ chức lễ hội Cầu Phúc, mong cho đất nước được thanh bình, người dân làng biển được mùa bội thu, cuộc sống ấm no, đủ đầy. Ngoài ra, vào dịp 12/5 âm lịch hàng năm, tại đền Độc Cước còn diễn ra Lễ hội Bánh chưng - Bánh giầy, thu hút đông đảo người dân và du khách về dự.

Đền Độc Cước có kiến trúc độc đáo và là điểm du lịch tâm linh hấp dẫn du khách của thành phố biển Sầm Sơn.

Đền Độc Cước có kiến trúc độc đáo và là điểm du lịch tâm linh hấp dẫn du khách của thành phố biển Sầm Sơn.

Kiến trúc độc đáo

Tương truyền, đền Độc Cước ban đầu được dựng lên khá đơn sơ với mái lợp bằng tranh tre. Đến thời vua Lê Thánh Tông, sau một trận bão lũ bỗng xuất hiện một cây gỗ chò rất to trôi dạt từ ngoài biển vào hòn Cổ Giải, thấy vậy dân làng bèn xẻ gỗ dựng đền.

Trải qua nhiều lần tu bổ vào thời Hậu Lê và Nguyễn, đến năm 2006, ngôi đền được trùng tu lại và được lưu giữ đến ngày nay. Đền Độc Cước được xây dựng với mặt quay về hướng Tây Nam. Theo quan niệm của người xưa, đây được xem là hướng vững chãi nhất, phù hợp với tính âm dương và chắn được gió bão từ biển khơi thổi vào.

Để lên đền, du khách sẽ đi qua 40 bậc đá. Ở phía bên trái của đền là tháp Nghinh Phong (còn gọi là tòa Phương đình), tương truyền đã được xây dựng cách đây hàng trăm năm. Tháp Nghinh Phong có kết cấu 2 tầng 8 mái, mang đậm kiến trúc thời Nguyễn, nhìn từ xa giống như một tòa sen đang dần mở cánh bên bờ biển xanh bao la.

Phía bên phải là phủ Mẫu, nơi thờ “Tam tòa Thánh Mẫu”. Nơi này mới được phục dựng từ những năm 1992. Bên cạnh phủ thờ Mẫu là cây bàng cổ thụ rợp bóng mát, theo người dân nơi đây đã có tuổi đời cả trăm năm.

Khu đền chính được xây theo kiểu chữ đinh bao gồm: Tiền đường, trung đường và hậu cung. Pho tượng mô phỏng vị thần Độc Cước được đặt ở trung đường, sát với hậu cung.

Ngôi đền thờ Đức thánh Độc Cước, vị thần một chân, bán thân bổ dọc đầy bí ẩn. Ảnh: TG

Ngôi đền thờ Đức thánh Độc Cước, vị thần một chân, bán thân bổ dọc đầy bí ẩn. Ảnh: TG

Tượng thần Độc Cước cao tầm 30-40 cm, mang hình dáng bán thân bổ dọc và chỉ có một tay, một chân. Tượng Đức thánh Độc Cước mặc áo võ tướng, thể hiện sự uy dũng của vị thần đã tự xẻ thân mình làm đôi để đánh đuổi quỷ dữ, bảo vệ dân làng.

Trông coi, hương khói tại đền suốt 30 năm qua, ông Văn Đình Ga cho biết, không riêng gì mùa lễ hội hay Tết đến Xuân về, mỗi ngày đền Độc Cước vẫn đều đặn có người dân và du khách tới dâng hương và tham quan. Vì vậy, khu di tích ngày nào cũng mở cửa đón du khách.

Phó Chủ tịch UBND TP Sầm Sơn Bùi Quốc Đạt cho biết, khu danh thắng đền Độc Cước, đền Cô Tiên, đền Tô Hiến Thành và hòn Trống Mái được công nhận Di tích quốc gia đặc biệt, cuối năm 2019.

“Đây là điểm du lịch tâm linh hấp dẫn du khách của thành phố và là một trong những điểm nhấn của du lịch biển Sầm Sơn. Dự kiến tháng 9 năm nay, thành phố sẽ cho sửa sang lại khu di tích, như xây lại phủ Mẫu tại đền Độc Cước; sửa sang lại lầu cô Chín, cô Bơ ở đền Cô Tiên và phủ Mẫu ở đền Tô Hiến Thành”, ông Đạt nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiêm kích F-35B.

Loạt sai sót và lỗi gây tai họa cho F-35

GD&TĐ - Một báo cáo của Lầu Năm Góc tiết lộ chương trình F-35 đã gặp nhiều vấn đề, khó khăn về độ tin cậy và kéo dài thời gian khắc phục với lỗi nghiêm trọng.