'Cột mốc sống' bảo vệ chủ quyền, biên giới quốc gia

GD&TĐ - Mô hình “Tiết học biên giới” do Bộ đội Biên phòng triển khai đã giúp học sinh hiểu được giá trị thiêng liêng của chủ quyền lãnh thổ.

Cán bộ Đồn Biên phòng Lộc Thành thông tin về chủ quyền an ninh biên giới cho học sinh Trường Tiểu học & THCS Lộc Thành tại thực địa.
Cán bộ Đồn Biên phòng Lộc Thành thông tin về chủ quyền an ninh biên giới cho học sinh Trường Tiểu học & THCS Lộc Thành tại thực địa.

Từ đó bồi đắp, giáo dục lòng tự hào, tự tôn dân tộc; xây dựng ý thức tự giác, cùng chung tay bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới của Tổ quốc.

Thêm yêu Tổ quốc

Em Lê Giang Minh Ngọc (lớp 8A), Trường Tiểu học & THCS thị trấn Mường Lát hào hứng kể: “Chúng em được tham gia “Tiết học biên cương” vào buổi chào cờ đầu tuần. Bên cạnh kiến thức về Luật Biên giới quốc gia; công tác phòng, chống mua bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới…, chúng em được các chú bộ đội giới thiệu hình ảnh về cán bộ, chiến sĩ biên phòng cùng nhân dân đi tuần tra dọc biên giới. Chúng em cũng đi thăm cột mốc chủ quyền của Tổ quốc, được giáo dục, tuyên truyền để tránh các hành vi vi phạm quy chế khu vực biên giới”.

Mỗi quý một lần, Thiếu tá Nguyễn Hoàng Anh, Chính trị viên, Phó Đồn Biên phòng Lộc Thành (Bình Phước) lại có mặt tại Trường Tiểu học & THCS Lộc Thành, huyện Lộc Ninh (Bình Phước) để giảng dạy cho học sinh. Tại đây, các em được giới thiệu khái quát và cung cấp kiến thức cơ bản về nghị định, quy chế, quy định của pháp luật về biên giới quốc gia… bằng phần mềm PowerPoint mà Thiếu tá Hoàng Anh đã soạn trước đó.

Ngay sau khi học tập tại lớp, học sinh được cán bộ biên phòng đưa đến tham quan, trải nghiệm thực tế ở các cột mốc biên giới. Đây là phần hấp dẫn và lý thú nhất ở “Tiết học biên giới”. Dù quãng đường di chuyển xa nhưng bằng trực quan sinh động, các em được trực tiếp quan sát, chạm tay vào cột mốc, biết được vị trí đường biên giới trên thực địa; nghe các cán bộ, chiến sĩ biên phòng giới thiệu ý nghĩa của cột mốc biên giới nên rất hào hứng.

Trường Tiểu học & THCS Lộc Thành là một trong những đơn vị thường xuyên phối hợp với Đồn Biên phòng Lộc Thành tổ chức các “Tiết học biên giới” cho học sinh. Nhờ sự phối hợp cũng như tạo điều kiện của lực lượng biên phòng và nhà trường mà các tiết học luôn diễn ra suôn sẻ, mang lại hiệu quả cao. Thiếu tá Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ, mô hình “Tiết học biên giới” được tổ chức luân phiên giữa các lớp học và bậc học. Khi tham gia giảng dạy tiết học biên giới ở thực địa, cán bộ Đồn Biên phòng Lộc Thành sẽ giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Bộ đội Biên phòng cũng như ý nghĩa, lịch sử của những cột mốc biên giới, đường biên giới Việt Nam - Campuchia nói chung và đoạn biên giới do đơn vị quản lý nói riêng.

“Những năm qua, “Tiết học biên giới” đã trang bị cho học sinh những kiến thức cơ bản về các nghị định, quy chế, quy định của pháp luật về biên giới quốc gia. Từ đó góp phần hình thành những “cột mốc sống” trên tuyến biên giới để chung tay xây dựng và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Chúng tôi luôn xác định, mục tiêu của mô hình không chỉ dừng lại ở việc cung cấp, phổ biến kiến thức pháp luật về biên giới, mà sau khi tham gia lớp học, mỗi thầy cô, học sinh trở thành tuyên truyền viên tích cực”, Thiếu tá Hoàng Anh nhấn mạnh.

Thiếu tá Hoàng Anh giảng bài “Tiết học biên giới” cho học sinh Trường Tiểu học & THCS Lộc Thành.

Thiếu tá Hoàng Anh giảng bài “Tiết học biên giới” cho học sinh Trường Tiểu học & THCS Lộc Thành.

Hiểu rõ chủ quyền biên giới quốc gia

“Tiết học biên giới” là một trong những mô hình điển hình trong xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh của Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước, được thực hiện từ năm 2017 đến nay. Theo đó, mỗi đồn Biên phòng phụ trách các địa bàn biên giới sẽ phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và nhà trường tổ chức 3 - 4 tiết/quý. Giáo viên đứng lớp chính là cán bộ biên phòng. Nội dung những tiết học này là các thông tin được chắt lọc, dễ hiểu nhất, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, lứa tuổi học sinh.

Là một trong những đơn vị triển khai “Tiết học biên giới” sớm trong toàn tỉnh Bình Phước, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hoa Lư (Bình Phước) vẫn duy trì mô hình thường niên theo kế hoạch đã thống nhất với chính quyền địa phương và nhà trường trên địa bàn phụ trách, tạo cho học sinh sự phấn khởi, trang bị kiến thức một cách sinh động, dễ dàng tiếp thu bài học.

Học sinh Trường Tiểu học & THCS Lộc Hòa nghe cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hoa Lư giới thiệu về ý nghĩa, lịch sử và cấu tạo của cột mốc.

Học sinh Trường Tiểu học & THCS Lộc Hòa nghe cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hoa Lư giới thiệu về ý nghĩa, lịch sử và cấu tạo của cột mốc.

Trung tá Trần Xuân Cường, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, cho hay: “Những tiết học đặc biệt đã giúp học sinh hiểu rõ về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của nhân dân vùng biên, các quy định của pháp luật khi ra vào khu vực biên giới. Đặc biệt với kiến thức có được, học sinh sẽ nâng cao ý thức bảo vệ đường biên, cột mốc, tích cực tham gia phòng chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội... Cùng với đó trẻ cũng hiểu biết thêm về công việc của cán bộ, chiến sĩ biên phòng”.

Em Nguyễn Thị Quỳnh Vy, học sinh Trường Tiểu học & THCS Lộc Thành, cho biết: “Qua trải nghiệm “Tiết học biên giới” do các chú Bộ đội Biên phòng trực tiếp giảng dạy, chúng em không chỉ hiểu về đường biên giới, mà còn biết thêm các thông tin khác, đặc biệt là nhiệm vụ của lực lượng biên phòng. Với những thông tin được cung cấp, em và các bạn trong lớp hiểu được những hy sinh, vất vả của các chú đang ngày đêm canh giữ lãnh thổ, biên giới của Tổ quốc. Qua tiết học chúng em biết được không nên tùy tiện qua lại hai bên biên giới, không vi phạm pháp luật và hiểu việc bảo vệ cột mốc là nhiệm vụ của mọi người, kể cả học sinh, thầy cô giáo, các chú bộ đội và mọi người dân Việt Nam”.

Còn thầy Hoàng Văn Phong, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS Lộc Thành, cho hay, ngoài kiến thức mang lại cho học sinh, “Tiết học biên giới” cũng là cách để bồi dưỡng tình yêu quê hương cho các em ngay từ khi còn nhỏ. Từ đó góp phần hun đúc truyền thống, hình thành ý thức bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới cho mỗi học sinh nói riêng, người dân nói chung. “Thực tế cho thấy, với hình ảnh trực quan, sinh động, các em rất hào hứng khi tham gia tiết học. Em nào cũng muốn được tham gia, được học và trải nghiệm cùng với Bộ đội Biên phòng”, thầy Phong nhấn mạnh.

Một “Tiết học biên cương” tại Trường THCS Tén Tằn, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) do Đồn Biên phòng cửa khẩu Tén Tằn tổ chức.

Một “Tiết học biên cương” tại Trường THCS Tén Tằn, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) do Đồn Biên phòng cửa khẩu Tén Tằn tổ chức.

Xây dựng thế trận biên phòng toàn dân

Thời gian qua, chương trình ngoại khóa “Tiết học biên cương” do Đồn Biên phòng cửa khẩu Tén Tằn (Mường Lát, Thanh Hóa) tổ chức tại huyện Mường Lát đã, đang bổ sung kiến thức bổ ích cho học trò vùng cao.

Buổi học bắt đầu bằng lời giới thiệu trầm ấm của “thầy giáo mang quân hàm xanh” về 23,292km đường biên giới, 9 cột mốc bằng hình ảnh, hiện vật trực quan sinh động. Bên cạnh đó, các “thầy giáo quân hàm xanh” còn lồng ghép vào “Tiết học biên cương” kiến thức pháp luật nhằm phòng chống các tệ nạn xã hội, tội phạm trong trường học.

Thượng tá Thịnh Văn Kiên, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Tén Tằn, cho biết: Thực hiện chương trình phối hợp của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Bộ GD&ĐT về “Đẩy mạnh công tác xây dựng xã hội học tập” trên địa bàn biên giới, hải đảo giai đoạn 2018 - 2025, Đồn Biên phòng cửa khẩu Tén Tằn phối hợp với Phòng GD&ĐT huyện Mường Lát xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình “Tiết học biên cương””.

Chương trình được đơn vị xây dựng với các chuyên đề: Tuyên truyền Nghị định số 34/NĐ-CP, ngày 29/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cùng với đó, “Tiết học biên cương” còn nhằm phổ biến kiến thức về tác hại của ma túy; công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy; công tác quản lý, bảo vệ biên giới; quy chế, hiệp định biên giới; Luật Biên giới quốc gia; công tác phòng, chống mua bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới.

Thầy Nguyễn Văn Giang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS thị trấn Mường Lát, chia sẻ: “Tiết học biên cương” rất bổ ích và ý nghĩa không chỉ với học sinh mà tất cả mọi người. Mặc dù là chương trình ngoại khóa, nhưng các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tén Tằn đã có cách giáo dục về tình yêu quê hương, Tổ quốc rất thiêng liêng cho học sinh rất thiết thực”.

Bên cạnh đó, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng còn đưa học sinh, thầy cô giáo đi tham quan quy trình kiểm tra, kiểm soát tại cửa khẩu Tén Tằn; quy trình tuần tra đường biên, cột mốc và thăm các điểm chốt tuần tra ở khu vực biên giới.

Còn theo Thượng tá Thịnh Văn Kiên, thông qua “Tiết học biên cương”, người lính biên phòng đã và đang xây dựng vững chắc thế trận biên phòng toàn dân. Từ đó, giúp học sinh hình thành ý thức về chủ quyền biên giới quốc gia, để ai cũng có thể là chiến sĩ bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Tiếp nối thành công của chương trình ngoại khóa “Tiết học biên cương”, năm học này, Đồn Biên phòng cửa khẩu Tén Tằn đã ký kết thực hiện mô hình với phòng GD&ĐT huyện và Trường THPT Mường Lát.

Bà Nguyễn Thị Thúy, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng GD&ĐT huyện Mường Lát, thông tin: Năm học 2022 - 2023 các “Tiết học biên cương” được Đồn Biên phòng cửa khẩu Tén Tằn phối hợp với các trường học ở thị trấn Mường Lát thực hiện tiết/tuần, luân phiên tại 5 trường thuộc 3 cấp học trên địa bàn.

“Nội dung tiết học giới thiệu, tuyên truyền cho học sinh nắm bắt, hiểu biết tình hình tuyến biên giới Việt Nam – Lào; các văn bản pháp lý về biên giới quốc gia; công tác quản lý bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới của lực lượng Biên phòng… Đồng thời, kết hợp tuyên truyền pháp luật, xây dựng nếp sống văn hóa học đường. Tổ chức các hoạt động ngoại khóa, vui chơi, rèn luyện thân thể, kỹ năng sống cho học sinh, góp phần ngăn chặn, đầy lùi hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội...”, bà Thúy thông tin.

Cùng với việc tổ chức “Tiết học biên cương”, Đồn Biên phòng cửa khẩu Tén Tằn còn có nhiều mô hình hay, hiệu quả nhằm giúp đỡ nhân dân, học sinh trên địa bàn đơn vị đóng quân. Mô hình “Tay kéo Biên phòng” – cắt tóc miễn phí được duy trì đều đặn hàng tuần. Bởi lẽ, ở khu vực biên giới, đường đi lối lại khó khăn, xa xôi, học sinh còn nhiều khó khăn... Do đó, hình ảnh chiến sĩ biên phòng đến trường, vào bản cắt tóc miễn phí cho trẻ, người dân đã tạo nên nét đẹp văn hóa, thể hiện tình cảm, trách nhiệm của người chiến sĩ “quân hàm xanh” nơi tuyến đầu Tổ quốc.

““Tiết học biên giới” không chỉ nâng cao hiểu biết, củng cố thêm tình yêu quê hương, đất nước cho học sinh, mà còn giúp giáo viên hiểu thêm về quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng, cũng như những vất vả của lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới. Từ đó, chúng tôi thấy được trách nhiệm của mình trong việc tham gia vào nhiệm vụ bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ vững an ninh biên giới”, thầy Hoàng Văn Phong, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS Lộc Thành chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ