Cốt lõi của mọi di sản

GD&TĐ - Di sản văn hóa cần phải được gắn kết với cộng đồng, là cốt lõi của bản sắc dân tộc và cơ sở sáng tạo những hệ giá trị mới.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Sáng 12/1, Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch tổng kết thực hiện Luật Di sản văn hóa – Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: Đề xuất xem xét sửa đổi Luật Di sản văn hóa là yêu cầu tất yếu, là vấn đề lớn và hệ trọng. 

Di sản văn hóa cần phải được gắn kết với cộng đồng, là cốt lõi của bản sắc dân tộc và cơ sở sáng tạo những hệ giá trị mới. Cần nâng cao nhận thức và thể chế hóa, bám sát các quan điểm chỉ đạo cũng như tiếp cận ở góc độ bảo vệ và phát huy giá trị, để hệ giá trị di tích - di sản thực hiện vai trò quảng bá, khẳng định hồn cốt dân tộc.

Bên cạnh đó, cần tạo ra mối quan hệ tương thích, đồng bộ giữa Luật Di sản văn hóa và các bộ luật khác để tạo động lực cho sự phát triển.

Phải nói rằng, việc sửa đổi luật trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng là điều cần thiết. Luật Di sản văn hóa được Quốc hội ban hành năm 2001, được sửa đổi, bổ sung năm 2009. Sau 20 năm, hệ thống quy phạm pháp luật về di sản văn hóa đang bộc lộ hạn chế trong từng lĩnh vực cụ thể.

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận – hạn chế lớn nhất trong việc thực thi Luật Di sản văn hóa chính là ở vấn đề con người.

Câu chuyện hủy hoại di tích quốc gia đình chùa Vàng (Hà Nội) là một ví dụ cụ thể, gần gũi nhất. Chính những người trong Tiểu ban Quản lý di tích lại là những người xâm phạm vào khu vực II của di tích quốc gia chùa Vàng.

Chấp pháp theo luật, đó là nguyên tắc không cần bàn cãi. Nhưng câu chuyện di tích đình chùa Vàng lại cho nhiều người thấy “làm trái pháp luật chưa chắc đã sai”. Vì nếu xâm hại di tích là sai, thì những người phá tường, chặt cây ở chùa Vàng sao chưa bị xử lý(!?).

Còn nhớ năm 2020, dư luận bức xúc trước hành động “cấy” một công trình sai phạm có tên Panorama trên đèo Mã Pì Lèng. Sự việc ồn ào, Bộ VH-TT&DL phải yêu cầu tỉnh Hà Giang xử lý và tham vấn ý kiến chuyên gia để khắc phục hậu quả.

Tháng 6/2021, tỉnh Lào Cai ban hành quyết định công nhận thôn Choản Thèn, xã Y Tý (Bát Xát) là điểm du lịch. Sau quyết định đó thì một dự án rất lạ lùng được “đẻ” ra. Để thi công chòi ngắm cảnh ở Choản Thèn, người ta “nhốt” 2 cây cổ thụ khu vực công viên bằng hệ thống bê tông cốt thép.

Sự việc khiến Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch phải đề nghị Lào Cai khẩn trương kiểm tra, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương có biện pháp khắc phục.

Với các dự án, xây dựng thế này thì luôn phải đặt câu hỏi ai tư vấn? Có quy hoạch hay không? Luật quy định thế nào, và trách nhiệm thuộc về ai?

Chừng nào việc thực hiện Luật Di sản văn hóa chưa nghiêm minh, thì chừng đó còn tiềm ẩn vấn nạn xâm hại, phá hủy di tích. Con người là hạt nhân cốt lõi của mọi di sản, con người tạo ra di sản nhưng cũng là thủ phạm chính hủy hoại di sản.

Thế nên, nhân việc Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch đề xuất sửa đổi Luật Di sản văn hóa thì cũng nên chú trọng đến yếu tố con người. Không thể để những kẻ đang tâm phá hoại di sản dửng dưng ngoài vòng pháp luật, vì như vậy sẽ tạo tiền lệ rất xấu khiến việc bảo tồn di sản mãi nằm trong vòng luẩn quẩn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.