Đồng hồ Bưu điện Hà Nội – những điều ít biết
Cột đồng hồ Bưu điện Hà Nội được xây dựng cùng tòa nhà 75 Đinh Tiên Hoàng (nay là trụ sở của VNPT Hà Nội) từ năm 1976 nhưng đến năm 1978 mới chính thức đi vào hoạt động. Hơn 40 năm đứng bên bờ hồ Hoàn Kiếm, cột đồng hồ bưu điện vô hình trung đã trở thành một biểu tượng của Thủ đô Hà Nội. Cô Kim Quý (nhà ở phố Nguyễn Siêu, quận Hoàn Kiếm) cho biết: “Sáng nào đi tập thể dục quanh hồ Hoàn Kiếm tôi cũng đều ngước lên nhìn đồng hồ như một thói quen”.
Cô Kim Quý chia sẻ thêm, thời kỳ Hà Nội còn khó khăn, người dân ít ai có đồng hồ đeo tay, điện thoại di động lại càng chưa có, người dân không có đồng hồ phải đạp xe đến những điểm này để xem giờ. Không chỉ có những người lớn tuổi, cột đồng hồ còn có ấn tượng với cả những người trẻ tuổi. Anh Đặng Hồng Quý (làm việc tại Hồ Xuân Hương, quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: “Buổi trưa tôi thường về nhà, đầu giờ chiều tôi lại đến cơ quan và trên đường qua hồ Hoàn Kiếm bao giờ tôi cũng xem đồng hồ để căn giờ”.
Hệ thống phát thanh của cột đồng hồ chưa bao giờ hoạt động |
Cột đồng hồ được đặt trên nóc toà nhà VNPT Hà Nội gồm có 4 mặt giống hệt nhau quay về 4 hướng (Đông – Tây – Nam – Bắc), mỗi mặt rộng 4,5m vuông. Mặt 1 được quy định hướng về phía Hồ Gươm, mặt 2 hướng về UBND thành phố, mặt 3 hướng về phía sông Hồng và mặt 4 hướng về khu vực phía Nam thành phố. Thời kỳ trước, nếu để sai lệch thời gian không chỉ làm ảnh hưởng đến nhịp sống của người dân, thậm chí người trực còn bị cắt thưởng vào cuối tháng. Được biết, đây là một trong số ít chiếc đồng hồ vừa chạy bằng cơ còn hoạt động trên thế giới.
Một biểu tượng… xuống cấp
Theo phản ánh của người dân sống quanh khu vực Hồ Gươm, thời gian gần đây thỉnh thoảng thấy mặt đồng hồ phía Nam bị chậm hơn so với 3 mặt còn lại. Để tìm hiểu về tình trạng trên, PV Báo Giáo dục và Thời đại đã liên hệ với đơn vị quản lý và vận hành cột đồng hồ là VNPT Hà Nội.
Anh Nguyễn Trung Kiên – Phó Chánh Văn phòng VNPT Hà Nội xác nhận có tình trạng trên và cho biết: “Từ hàng chục năm nay, đơn vị đã bố trí riêng một bộ phận để theo dõi, vận hành chiếc đồng hồ này. Tuy nhiên do thời gian sử dụng đã lâu, linh kiện đồng hồ trên thị trường không còn sản xuất mới nên không có để thay thế”. Anh Kiên chia sẻ thêm, ngoài việc bảo trì, bảo dưỡng hàng ngày, cán bộ kỹ thuật còn phải tự mày mò tự chế hoặc tìm kiếm linh kiện thay thế mỗi khi có hư hỏng; độ chính xác của đồng hồ qua đó cũng giảm theo thời gian.
Anh Nguyễn Như Triệu – phụ trách bộ phận kỹ thuật, bảo dưỡng đồng hồ cũng cho biết: “Mỗi khi đồng hồ chạy nhanh, chậm đều phải can thiệp để điều chỉnh bằng nhân công. Việc hiệu chỉnh tốc độ cho đồng hồ chạy đúng được thực hiện một cách thủ công nhưng vẫn phải đảm bảo tuân thủ quy định vận hành của hệ thống điều khiển đồng hồ, mỗi lần hiệu chỉnh đều cần phải có thời gian mới có thể lấy lại được đúng giờ”.
Thói quen của người Hà Nội dần biến mất
Hàng ngày, đơn vị quản lý phải lên 2 lần để điều chỉnh tốc độ của đồng hồ |
Trước đây, khi đồng hồ còn hoạt động bình thường, người dân xung quanh Hồ Gươm còn được nghe tiếng chuông báo. Tuy nhiên, đã rất lâu nay thói quen đó của người dân Thủ đô đã biến mất. Chỉ tay về hệ thống loa dưới chân cột đồng hồ, anh Triệu cho biết: “Dàn loa chính của cột đồng hồ thực tế chưa bao giờ hoạt động bởi âm thanh phát ra không phù hợp”. Theo anh Triệu, tiếng chuông phát ra từ cột đồng hồ thời kỳ trước là do đấu ra hệ thống loa phát thanh phụ được chế tạo thêm. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại thì hệ thống loa đó cũng đã không hoạt động nữa.
Là một phần của quần thể kiến trúc khu vực Hồ Gươm, tháp đồng hồ được thành phố Hà Nội quan tâm. Dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, thành phố đã tổ chức rất nhiều cuộc hội thảo lấy ý kiến các nhà chuyên môn, các nhà Hà Nội học về việc sửa chữa, tôn tạo hoặc thay thế mới đồng hồ. Đã có nhiều ý kiến của các nhà khoa học, nhiều đơn vị tham gia khảo sát để đề xuất phương án nhưng đều không nhận được sự đồng thuận.
Đến thời điểm hiện tại, VNPT Hà Nội đã báo cáo thành phố Hà Nội và đề nghị hỗ trợ kinh phí duy tu, tôn tạo cho tháp đồng hồ. Đồng thời VNPT Hà Nội cũng đã mời một số đơn vị có ngành nghề về chế tạo, xây lắp đồng hồ ngoài trời khảo sát, tư vấn nhưng đến nay cũng chưa có đơn vị nào đề xuất được phương án sửa chữa.