Công ty CP cấp nước Điện Biên: Bán nước thô, thu tiền tỷ

GD&TĐ - Dự án đầu tư xây dựng công trình Cấp nước sạch trung tâm huyện Mường Nhé (giai đoạn II) đến nay vẫn chưa hoàn thành, song nhiều năm nay, Công ty CP Cấp nước Điện Biên vẫn bán nước thô, chưa qua xử lý cho các dân, thu hàng tỷ đồng mỗi năm.

Nhà máy nước chậm tiến độ 7 năm, đang thi công dang dở
Nhà máy nước chậm tiến độ 7 năm, đang thi công dang dở

Chưa hoàn thành đã đưa vào sử dụng?

Theo Quyết định số 973/QĐ-UBND ngày 6/8/2010 của UBND tỉnh Điện Biên, Dự án đầu tư xây dựng công trình Cấp nước sạch trung tâm huyện Mường Nhé (giai đoạn II) có khả năng cấp thêm 1.200m3 nước/ngày đêm; cả 2 giai đoạn sẽ cung cấp 1.500m3 nước sạch/ngày đêm cho Trung tâm huyện. Dự án sẽ sử dụng nguồn nước từ suối Nậm Là, xây dựng hệ thống dẫn nước thô về khu vực xử lý và cung cấp cho khu trung tâm. Theo phê duyệt, thời gian thực hiện dự án tối đa là 12 tháng, nghĩa là chậm nhất đến ngày 6/8/2011 phải hoàn thành.

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, đến nay dự án vẫn đang dang dở. Lý giải về sự chậm trễ này, ông Lê Hồng Thắng, Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình huyện Mường Nhé (đơn vị đại diện chủ đầu tư) cho rằng: “Đó là do năng lực nhà thầu yếu. Trong quá trình thi công, nhà thầu “lúng túng” trong việc triển khai xây dựng trạm điện để cấp cho nhà máy xử lý nước. Chúng tôi đã bàn giao tạm thời cho công ty để cung cấp nước phục vụ nhân dân cũng từ lâu rồi”. Khi được hỏi, khi nào Nhà máy Cấp nước huyện Mường Nhé mới chính thức được đưa vào sử dụng, ông Thắng cho biết: “Hiện tại nhà thầu xây lắp vẫn chưa mang phèn xút lên để vận hành thử nghiệm. Thời gian vận hành dự kiến khoảng một tháng trước khi cung cấp cho nhân dân”.

Công ty Cổ phần Cấp nước Điện Biên là đơn vị cung cấp nước sạch mạng cấp I, cấp II và toàn bộ mạng cấp III trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ; và 9 huyện, thị khác của tỉnh Điện Biên, trong đó, có huyện Mường Nhé.

Mặc dù dự án chưa hoàn thành nhưng người dân Mường Nhé cho biết lâu nay họ vẫn phải mua nước do Công ty Cổ phần Cấp nước Điện Biên (Công ty Cấp nước Điện Biên) cung cấp. Trên địa bàn huyện Mường Nhé, công ty đang cung cấp “nước sạch” cho 742 hộ gia đình và cơ quan đoàn thể. Lượng nước cung cấp mỗi năm khoảng 233.000m3. Chỉ tính riêng năm 2017, công ty này thu về gần 1,3 tỷ đồng từ bán nước thô tự chảy.

Trả lời cho câu hỏi, vì sao công trình chưa hoàn thành đã được đưa vào sử dụng, một cán bộ của Ban quản lý dự án các công trình huyện Mường Nhé cho rằng: Trước đó, Công ty Cấp nước Điện Biên đã đầu tư hệ thống dẫn nước từ các nhánh chính đến các khu dân cư. Còn nhà máy nước (đang thi công dang dở) thuộc dự án của huyện, việc thu tiền nước của dân không liên quan đến Ban quản lý dự án.

Nước thô giá cao

Theo phản ánh của người dân thị trấn Mường Nhé, lâu nay họ phải mua nước thô do Công ty Cổ phần Cấp nước Điện Biên cung cấp. Mặc dù chất lượng nước không đảm bảo nhưng giá nước tương đối cao. Bà con cho rằng việc Công ty Cấp nước Điện Biên chỉ xả nước thô cho dân làm nước sinh hoạt thì chỉ nên thu tiền sử dụng nước với mức “hỗ trợ”. Chẳng hạn như thu khoảng 30 - 50% mức giá để phục vụ cho việc duy tu, sửa chữa đường ống và chi phí cho nhân công vận hành đường nước thay vì thu đủ 5.500 đồng/m3 như lâu nay.

Hình ảnh người dân Mường Nhé phải dùng nước bẩn trong những tháng mùa mưa
  • Hình ảnh người dân Mường Nhé phải dùng nước bẩn trong những tháng mùa mưa

Bên cạnh đó, bà con cũng lo ngại khi sử dụng nguồn nước chưa qua xử lý sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, phát sinh mầm dịch bệnh. Điều khiến bà con bất bình hơn là vào những tháng mùa mưa, nước thường xuyên bị vẩn đục và chuyển màu đỏ. Có những thời điểm mưa nhiều, công ty cấp nước đã “cắt” nước tới 2 ngày “chờ” nước trong mới xả tiếp khiến cuộc sống nhân dân bị đảo lộn.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Phạm Trọng Nguyện, Phó Giám đốc Công ty CP Cấp nước Điện Biên thừa nhận việc công ty bán nước không đủ tiêu chuẩn cho người dân là đúng. Theo ông Nguyện, nguồn nước cấp cho bà con sử dụng trên địa bàn huyện Mường Nhé chỉ nước từ các suối. Công ty đã đầu tư làm đường ống dẫn nước về bể lắng, rồi lắp đặt hệ thống đường ống cấp 1, cấp 2 đưa nước về cho các hộ và thu tiền với mức giá lên tới 5.500 đồng/m3.

Ông Phạm Trọng Nguyện cho rằng, dựa trên cơ sở chi phí đầu vào cùng chi phí khác để ra giá nước bán cho dân. Công ty xây dựng giá theo quy định tính đúng, tính đủ: Tiền đầu tư, tiền lương và chi phí khác… rồi trình liên ngành thẩm định và trình HĐND và UBND để quyết định mức giá.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ