Thành Tam Vạn, Điện Biên: Cát tặc đánh sạt di tích quốc gia

GD&TĐ - Thành Tam Vạn (còn có tên là thành Sam Mứn) do các chúa Lự xây dựng vào khoảng thế kỷ XI, trên địa bàn xã Pom Lót, huyện Điện Biên, được cấp Bằng xếp hạng Di tích quốc gia vào năm 2009. Gần đây, hoạt động khai thác cát trên địa bàn được cho là tác nhân gây nên tình trạng sụt lún tại khu di tích này.  

Ông Nguyễn Viết Thoả bức xúc trước di tích quốc gia bị xâm hại nghiêm trọng, với khoảng 100m chân thành bị sói lở
Ông Nguyễn Viết Thoả bức xúc trước di tích quốc gia bị xâm hại nghiêm trọng, với khoảng 100m chân thành bị sói lở

Mỏ cát sát tường thành

Ông Nguyễn Viết Thỏa, đội 4 xã Pom Lót, huyện Điện Biên từ Thái Bình lên Điện Biên sinh sống từ năm 1966. Biết đến thành Sam Mứn cùng những giá trị lịch sử quan trọng từ thời điểm đó qua lời truyền miệng của người dân trong vùng, bản thân ông cũng như nhiều người khác luôn trân trọng và gìn giữ.

13 năm sinh sống cạnh tường thành, ông Thỏa nắm khá rõ quá trình xâm hại đến di tích quốc gia này như thế nào. “Người ta “hút” cát ở đây đã lâu rồi. Ban đầu thì “hút” ở một vị trí nhỏ thôi, nhưng sau khi “hút” sâu thành cái ao thì các nhà xung quanh lần lượt bán đất ruộng, ao nhà mình vì trước sau nó cũng sẽ sạt lở đến đất nhà mình thôi”, ông Thỏa nói.

Cứ thế, từ một bãi bồi ven sông được người dân trồng ngô, màu dần dần biến thành ao, rồi thành hồ. Phía đầu thành Tam Vạn (Khu Bãi sậy) hình thành một cái hồ lớn. Đã 3 tháng nay, tình trạng sạt lở đất liên tiếp xảy ra; Khoảng 30m tường thành đã bị sụt lún, sạt lở.

Phía chân thành trước đây có một rãnh thoát nước chạy song song, giờ đã xuất hiện nhiều vết sạt lở lớn kéo dài khoảng 100m. Trước thực tế trên, ông Thỏa đã nhiều lần định viết đơn trình lên các cấp có thẩm quyền, mong sớm có giải pháp khắc phục.

Từng thấy đoàn công tác của xã đến “xem xét”, “xác minh”, nên ông cũng yên tâm và giữ lại đơn kiến nghị. Thế nhưng về sau ông cũng chẳng thấy chính quyền hay cơ quan chức năng có “ý kiến” gì nên bản thân cũng không khỏi bất bình.

Sáng 1/10, trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Đào Ngọc Lượng, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Điện Biên cho biết: “Tất cả các công trình xây dựng, sản xuất gần khu di tích, có nguy cơ ảnh hưởng đến cảnh quan di tích cũng đã không thể chấp nhận được chứ chưa nói gì đến chuyện xâm hại đến di tích.

Trong trường hợp công trình, dự án đang trong quá trình hoạt động mà gây ảnh hưởng đến di tích thì cơ quan quản lý phải báo cáo lên cấp trên. Tuy nhiên, cho đến nay thì chúng tôi cũng chưa thấy Phòng Văn hóa & Thông tin huyện, UBND huyện Điện Biên có ý kiến gì về việc này. Tôi cho rằng có thể hoạt động khai thác ở điểm mỏ nêu trên là “cát tặc” bởi chẳng ai lại đi cấp phép khai thác cát tại vị trí này cả”.

Hiện trường khai thác cát ngay sát khu di tích
Hiện trường khai thác cát ngay sát khu di tích 

Chỉ khai thác cách di tích 20 - 30m?

Theo điều tra của Báo GD&TĐ, trước đây điểm mỏ khai thác cát nơi xảy ra “sự cố” gây sạt lở thành Tam Vạn là điểm mỏ gần thành nhất. Điểm mỏ này do Doanh nghiệp Nam Sơn quản lý và khai thác theo Giấy phép khai thác số 04/GP-UBND ngày 9/3/2015 của UBND tỉnh Điện Biên.

Tuy nhiên, ngày 9/5/2018 Doanh nghiệp Nam Sơn đã có giấy ủy quyền cho ông Vũ Minh Sơn hoạt động khai thác khoáng sản tại khu vực được cấp phép, giao lại Giấy phép khai thác khoáng sản gốc cho ông Sơn giữ và sử dụng.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Vũ Minh Sơn thừa nhận đơn vị mình đã từng bị cơ quan chức năng lập biên bản xử phạt về hành vi khai thác không đúng tọa độ. Ông Sơn cũng thừa nhận vị trí mà đơn vị khai thác (gây ảnh hưởng đến thành Tam Vạn) là không đúng theo giấy phép bởi bản thân ông mua lại khu đất này từ các hộ dân.

Ông Sơn cũng cho rằng, bản thân đã nhận thức được tầm quan trọng của di tích thành Tam Vạn và cũng chỉ tổ chức khai thác cát từ vị trí cách đó chừng 20 - 30m(?). Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên thì hiện trường bãi khai thác nằm ngay vị trí đầu thành.

Đồng tình với quan điểm này, ông Lò Văn Hạnh, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Điện Biên khẳng định: “Qua kiểm tra, xác minh thực tế, hồi đầu năm nay chúng tôi đã tiến hành lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Sơn về việc khai thác không đúng vị trí cho phép. Chúng tôi cũng đã yêu cầu đơn vị khắc phục hậu quả. Còn về việc gây hư hại đối với thành Tam Vạn thì chúng tôi sẽ cho cán bộ đi xác minh làm rõ”.

Thành Sam Mứn do các chúa Lự xây dựng vào khoảng thế kỷ XI, được dùng làm căn cứ chống lại lãnh chúa phương Bắc. Thành là thủ phủ của 19 đời chúa Lự cai quản đất Mường Thanh. Khi người Thái đến định cư ở Mường Thanh, văn hóa Thái bắt đầu có ảnh hưởng tới văn hóa của người Lự. Các chúa Thái cũng dần dần nắm được quyền cai trị thay cho các chúa Lự. Tuy nhiên, thành Sam Mứn vẫn là căn cứ chính của người Lự cai trị ở vùng Tây Bắc.

Tên gọi thành Tam Vạn (tiếng Thái nghĩa là Sam Mứn) xuất phát từ thực tế trong một khu vực rộng 10 cây số vuông, có 3 vạn người Lự, người Thái, người Xá chung sống. Tiếng người nói, tiếng gà gáy, tiếng voi rống và tiếng bình bong của “Ba vạn cối tròn, sáu vạn cối dài” giã gạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến (Bình Phước) tham gia chương trình hướng nghiệp do Trường Đại học Gia Định tổ chức. Ảnh: M.Ngọc

Rút gọn phương thức tuyển sinh

GD&TĐ - Nhiều trường ĐH dự kiến rút gọn số lượng phương thức tuyển sinh, chú trọng đánh giá năng lực đầu vào trong mùa tuyển sinh 2025 sắp tới.