Công tác đào tạo chưa đáp ứng nhân lực ngành vi mạch

GD&TĐ - Ngành công nghiệp vi mạch đang dần trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn, nhu cầu nhân sự ngành này rất lớn nhưng công tác đào tạo chưa theo kịp.

Phòng thí nghiệm nghiên cứu và phát triển vi điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: HCMUT
Phòng thí nghiệm nghiên cứu và phát triển vi điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: HCMUT

Nhu cầu lớn

Sau đại dịch Covid-19, nền công nghiệp vi mạch bán dẫn thế giới đang trải qua giai đoạn tái cấu trúc chuỗi cung ứng để mở rộng mạng lưới các nhà cung cấp trên toàn cầu, nhằm tránh phụ thuộc vào một thị trường hay khu vực. Các tập đoàn thiết kế vi mạch trên thế giới đang chuyển hướng hoạt động, tăng cường đầu tư và tìm kiếm nguồn nhân lực tiềm năng tại Việt Nam. Thông tin trên được đưa ra tại tọa đàm “Xây dựng chương trình đào tạo, nghiên cứu tiên tiến ngành thiết kế vi mạch tại ĐHQG TPHCM”, được ĐHQG TPHCM vừa tổ chức.

Cụ thể, năm 2021, làn sóng tìm kiếm nhân sự ngành vi mạch trở nên rõ rệt, Một số tập đoàn lớn đến Việt Nam, nhất là TPHCM tìm người giỏi trong lĩnh vực này để phát triển nhà máy và quy mô đội ngũ thiết kế ngành công nghiệp vi mạch. Nhân lực các công ty cần không chỉ là kỹ sư thiết kế “back-end” mà còn cả thiết kế kiến trúc, “front-end”.

GS Lee Hyuk-Jae, Trưởng khoa Điện và Kỹ thuật máy tính, ĐHQG Seoul (Hàn Quốc) cho biết, từ năm 2019, Chính phủ Hàn Quốc đã có chiến lược hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp vi mạch. Trong 10 năm, nước này cần 10 nghìn kỹ sư cao cấp nhưng năng lực đào tạo hiện chỉ đáp ứng một nửa. Trong khoảng 10 năm tiếp, họ cần 127 nghìn kỹ sư nhưng đào tạo chỉ cung ứng khoảng 50 nghìn...

PGS.TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, ĐHQG TPHCM, cho biết chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn trên thế giới được chia thành 4 khâu, gồm thiết kế, sản xuất, đóng gói - kiểm tra và chế tạo thiết bị. Hiện, Việt Nam chưa thể tham gia vào khâu chế tạo chíp và chế tạo thiết bị. Trong khi đó, một vài công ty đóng gói, kiểm tra chip đã xuất hiện ở Việt Nam nhưng đều thuộc nước ngoài. Việt Nam chỉ có thể tham gia vào khâu thiết kế chip trong chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn toàn cầu. Đây cũng là khâu tạo ra nhiều giá trị gia tăng cao cho vi mạch.

“Nền kinh tế một quốc gia phụ thuộc nhiều vào công nghiệp điện tử và vi mạch. Do đó, Việt Nam phải phát triển bằng chính nội lực trong nước để tăng giá trị gia tăng của các sản phẩm điện tử trong nước. Muốn phát triển thì bài toán đầu tiên phải là đào tạo nhân lực và có chiến lược cụ thể ở tầm quốc gia”, ông Phong nhận định.

Nhu cầu nhân lực ngành vi mạch rất lớn nhưng Việt Nam vẫn còn khoảng trống trong việc đào tạo nhân lực phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp. Minh chứng cho nhận định này, TS Huỳnh Phú Minh Cường, Phó Trưởng Khoa Điện - Điện tử, Trường ĐH Bách khoa, ĐHQG TPHCM cho biết, ước tính ngành vi mạch trong nước cần 1 nghìn kỹ sư mỗi năm.

Tuy nhiên, Việt Nam hiện không có nhiều nhân lực chuyên về sản xuất, thiết kế vi mạch, cũng như chưa có sản phẩm mẫu, sản phẩm thương mại hóa. Chuyên gia này mong muốn sẽ có nhiều tổ chức, doanh nghiệp chia sẻ bản quyền thiết kế, thiết bị phục vụ nghiên cứu vi mạch. Các tổ chức này cũng đóng vai trò định hướng các nhóm nghiên cứu, khởi nghiệp.

Việt Nam đang có nhu cầu lớn kỹ sư vi mạch. Ảnh: HCMUT

Việt Nam đang có nhu cầu lớn kỹ sư vi mạch. Ảnh: HCMUT

Tập trung đào tạo nhân lực

PGS.TS Trần Mạnh Hà, Phó Trưởng Ban đào tạo, Phó Giám đốc phụ trách Khu Công nghệ phần mềm, ĐHQG TPHCM cho biết, hiện ĐHQG TPHCM đang xây dựng chương trình đào tạo kỹ sư tiên tiến ngành công nghệ vi mạch. Dự kiến đến năm 2027, các đơn vị thành viên sẽ đào tạo khoảng 1 nghìn kỹ sư công nghệ vi mạch.

Khung chương trình đào tạo gồm các khóa chuyên sâu, cấp tốc và hợp tác với doanh nghiệp. Kỹ sư tốt nghiệp các chương trình này có thể nhận chứng chỉ quốc tế để đi làm hoặc học lên bậc sau đại học. Đồng thời, ĐHQG TPHCM đề xuất các hỗ trợ cụ thể từ Chính phủ cũng như địa phương, liên kết với các tổ chức quốc tế để thu hút và mời gọi các chuyên gia quốc tế về giảng dạy.

PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TPHCM, cho biết chương trình đào tạo tiên tiến về thiết kế vi mạch ở đại học này sẽ gắn liền với thực tiễn của các doanh nghiệp, kinh nghiệm từ các quốc gia có thế mạnh và kết nối với định hướng chung từ Chính phủ. Theo ông Quân, công tác đào tạo và nghiên cứu vi mạch sẽ triển khai song hành. Các phòng thí nghiệm hiện đại được xây dựng không chỉ phục vụ cho các chuyên gia, sinh viên trong hệ thống ĐHQG TPHCM mà còn mở rộng khả năng phục vụ cho các nhà khoa học, sinh viên quan tâm đến vi mạch, bán dẫn ở khu vực phía Nam.

Song không phải trường đại học nào cũng có đủ tiềm năng đào tạo nguồn nhân lực ngành vi mạch. Số liệu mà các chuyên gia đưa ra cho thấy, trong số hơn 300 trường đại học, cao đẳng hiện nay, chỉ một số ít trường có chương trình đào tạo hoặc chuyển đổi từ những nhóm ngành nghề liên quan đến thiết kế vi mạch. Tuy nhiên, các chương trình đào tạo ngành vi mạch lại thiếu phòng thí nghiệm, thực hành. Nhiều trường không đủ năng lực đầu tư trang thiết bị, việc liên kết hợp tác với các doanh nghiệp trong lĩnh vực này lại càng hiếm.

TS Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, để phát triển nguồn nhân lực ngành vi mạch, cần phải có chiến lược dài hạn kèm với chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho công nghệ vi mạch. Trước mắt, cần tập trung vào nhóm các đại học tiên phong như ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TPHCM, Đại học Bách khoa Hà Nội để đào tạo nhân sự ngành này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ