Thiếu trầm trọng nhân lực ngành tham vấn học đường

GD&TĐ - Hiện nay, nhiều vấn đề tiêu cực của đời sống xã hội đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thanh thiếu niên.

Ngành tham vấn học đường rất cần nhưng đang khan hiếm nguồn nhân lực.
Ngành tham vấn học đường rất cần nhưng đang khan hiếm nguồn nhân lực.

Điều này đặt ra vấn đề cần thiết có sự hỗ trợ của các nhà tham vấn học đường, phòng tâm lý tư vấn học đường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các trường học đào tạo ngành này tại Việt Nam luôn trong tình trạng khan hiếm nhân lực.

Khan hiếm nhân lực

Thống kê mỗi năm trên thế giới có khoảng 41.000 người tự tử, cứ 40 giây lại có một người chết do tự tử. Năm 2004, tự tử là nguyên nhân thứ 3 gây tử vong cho trẻ em và thanh thiếu niên, nhưng từ năm 2014 đến nay, tự tử đã là nguyên nhân thứ hai gây ra tình trạng trên, chỉ sau tai nạn giao thông.

Tại Việt Nam, thực trạng tự tử ngày càng trẻ hóa và có dấu hiệu gia tăng. Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc thì tỉ lệ mắc trầm cảm chung (nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tự tử) ở trẻ em là 2%, lứa tuổi vị thành niên cao hơn, dao động từ 5 - 8%. Cùng với những con số báo động về thực trạng sức khỏe tâm thần của học sinh nêu trên, những biến đổi xã hội và các sức ép của nền công nghiệp hiện đại, đô thị hóa ở Việt Nam… có thể có tác động khiến tỉ lệ này càng gia tăng.

Trong khi đó, nguồn lực về chăm sóc sức khỏe tâm thần ở Việt Nam lại rất hạn chế so với thế giới. Thiếu bác sĩ tâm thần, thiếu điều dưỡng chuyên khoa tâm thần, thiếu chuyên gia tâm lý lâm sàng... Một dự đoán mới đây của mạng xã hội việc làm Linkedln cho rằng, tư vấn tâm lý là một trong 5 ngành nghề sẽ khan hiếm nhân lực cho đến năm 2025.

Năm 2023, Bộ GD&ĐT xác định đẩy mạnh công tác xã hội, tư vấn tâm lý học đường cho học sinh, sinh viên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 31/CT-TTG về việc tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Một trong những yêu cầu cụ thể của Thủ tướng là phải bố trí giáo viên làm công tác tham vấn tâm lý trong trường phổ thông, kịp thời hỗ trợ học sinh giải quyết những khó khăn phát sinh trong học tập và cuộc sống.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy ở các trường học có phòng tư vấn tâm lý học đường nhưng gặp khó khăn do không có biên chế và rất khó tuyển dụng vị trí này.

Theo lãnh đạo nhiều trường phổ thông, hiện công tác tham vấn tâm lý học đường vẫn chưa được quan tâm đúng mức, nguồn nhân lực làm công tác này còn thiếu và khó thu hút vì chưa có chế độ phù hợp. Giáo viên tư vấn đa số là kiêm nhiệm, người làm công tác tư vấn nhưng không tạo cho các em sự tin tưởng để bộc bạch, tin yêu.

Còn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần quốc gia, các bệnh viện tâm thần cũng chưa đủ nguồn lực đáp ứng cho cộng đồng, trong khi chúng ta có nhiều kỳ thị đối với dịch vụ này khiến cho các em đang có tổn thương sức khỏe tinh thần không muốn tìm đến để được giúp đỡ.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Chuyên ngành tham vấn học đường học gì?

Chia sẻ về các chương trình đào tạo, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội - đơn vị đầu tiên xây dựng chương trình đào tạo cử nhân Tham vấn học đường tại Việt Nam) cho hay, trước thực trạng nêu trên, chương trình Tham vấn học đường của Trường Đại học Giáo dục được thiết kế nhằm bổ sung nguồn nhân lực có đủ năng lực, phẩm chất để làm việc tại các phòng tư vấn tâm lý thuộc hệ thống trường công. Song song đó cũng có thể làm việc trong các bệnh viện, các tổ chức phi chính phủ hay tự khởi nghiệp, lập ra các trung tâm chăm sóc tâm lý và̀ sức khỏe tâm thần.

Tuy nhiên, chương trình đào tạo tại Trường Đại học Giáo dục tập trung hơn vào việc hỗ trợ tâm lý, hành vi cảm xúc cho trẻ trong độ tuổi học đường. Trong chương trình đào tạo phân ra 3 hướng ngành mà đến năm thứ tư đại học, sinh viên sẽ được lựa chọn để theo đuổi chuyên sâu.

Đầu tiên là tư vấn về các vấn đề hành vi cảm xúc (tức là sức khỏe tâm thần). Tiếp đó là tư vấn về học tập, về các chiến lược, phương pháp học tập. Có những học sinh sẽ chỉ phù hợp với chiến lược, phương pháp học tập này, có em lại phù hợp với chiến lược, phương pháp học tập khác. “Chúng ta cần người định hướng để giúp phát triển tối đa năng lực học tập của các em”, PGS.TS Trần Thành Nam cho biết.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, cuối cùng là tư vấn hướng nghiệp, giúp học sinh hiểu mình, hiểu nghề, hiểu trường, từ đó lựa chọn nghề nghiệp một cách chính xác nhất.

Sinh viên khi tham gia ngành học này, ngoài việc được giáo dục giống như các môi trường đại học nói chung để trở thành những sinh viên tự tin, biết tự định hướng, quan tâm tới các vấn đề xã hội và có tinh thần cống hiến. Người học sẽ được rèn nghề từ năm nhất đến năm tư tại các cơ sở thực tập là trường học.

Về cơ bản, nội dung chuyên ngành gồm các khối kiến thức. Thứ nhất, hiểu về sự phát triển bình thường, tâm lý của con người. Thứ hai, biết được các vấn đề phát triển bất thường của con người, liên quan tới tâm bệnh học. Thứ ba, biết được các chiến lược học tập phù hợp trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, những phương pháp nào là tối ưu để tư vấn cho các bạn học sinh.

Sinh viên cũng được trang bị các kiến thức nền tảng liên quan đến lý thuyết và con đường để tư vấn hướng nghiệp, học về các hệ thống trắc nghiệm để đánh giá nhân cách, cảm xúc, trí tuệ, thiên hướng nghề nghiệp. Ngoài ra, phải học một số môn học liên quan đến kỹ năng tham vấn phù hợp với các đối tượng như phụ huynh, học sinh, giáo viên hoặc kết nối với cộng đồng.

Người học cũng phải có những kỹ năng khác như kỹ năng về tham vấn trị liệu, kết nối với cộng đồng để huy động các nguồn lực, kỹ năng quản lý ca, các khối kiến thức liên quan đến giảng dạy (các lớp về kỹ năng sống cho các chương trình phòng ngừa), kỹ năng giám sát ca (theo dõi, giám sát những trường hợp sau khi đã tham vấn, xử lý để đảm bảo sự an toàn, không xảy ra bất cứ nguy cơ nào).

PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh, trong xã hội hiện nay, có rất nhiều vụ việc có thể chúng ta đã biết, đã có những can thiệp ban đầu, nhưng vì không theo dõi, xử lý đến nơi đến chốn, cuối cùng đã dẫn đến những hậu quả không tốt. Do vậy, quy trình giám sát, quản lý ca sau khi can thiệp cũng là kỹ năng các bạn sẽ được rèn trong quá trình tham gia học tập.

PGS.TS Trần Thành Nam đưa ra lời khuyên, điều quan trọng nhất khi lựa chọn ngành tham vấn học đường là bản thân thí sinh phải có giá trị muốn chia sẻ, giúp đỡ và hỗ trợ người khác. Người học cũng cần là người có tính cách quảng giao, hướng ngoại. Và làm việc trong lĩnh vực này, trong kỷ nguyên số, chúng ta cũng cần khả năng tham vấn, tư vấn trực tuyến bên cạnh trực tiếp, tức phải có những kỹ năng về công nghệ. Bên cạnh đó, người học cần có một số phẩm chất khác như công bằng, chính trực, từ tâm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ