Liên tục trong nhiều năm qua, điểm xét tuyển vào ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô luôn ở mức cao nhất trong các ngành tuyển sinh của trường nghề.
Đạt 7,8 điểm mới mong trúng tuyển
Năm 2023, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng (TPHCM) công bố mức điểm trúng tuyển theo hình thức xét tuyển học bạ vào ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô là 31,5. Trường xét tuyển học bạ với tổ hợp Toán - Lý - Hóa; Toán - Lý - Anh văn hoặc Toán - Văn - Anh văn (trong đó môn Toán nhân 2). Đây là mức điểm chuẩn cao nhất vào trường và đã liên tục tăng trong 3 năm qua.
Nếu như năm 2021, điểm chuẩn của ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô chỉ là 30,5 điểm thì năm 2022 đã tăng lên 31 điểm và năm 2023 là 31,5 điểm. Mức điểm này tương đương với 23,63 quy đổi trên thang điểm 30, trung bình mỗi môn là 7,8 điểm. Số điểm này có thể nói là tương đương hoặc thậm chí là cao hơn so với điểm trúng tuyển vào một số trường đại học thuộc nhóm trung bình ở TPHCM.
Cũng liên quan đến vấn đề tạo nguồn đào tạo nhân lực cho ngành ô tô, ngành Bảo trì, sửa chữa ô tô (Công nghệ ô tô) của Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng cũng có mức điểm trúng tuyển xếp thứ nhì với 29 điểm.
TS Lê Đình Kha - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng - cho biết, trong những năm gần đây, ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô thu hút rất nhiều sinh viên theo học. Mỗi năm trường cung cấp khoảng 650 sinh viên tốt nghiệp ngành học này cho thị trường nhân lực. Nhiều sinh viên sau khi ra trường đi làm được khoảng 3 năm đã giữ vị trí quản lý, có người đã mở được doanh nghiệp, chủ gara…
Ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô cũng là ngành đầy sức hút tại các trường cao đẳng khác như Cao đẳng Viễn Đông, Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn, Cao đẳng Đại Việt... Chẳng hạn, tại Trường Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn, tuy ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô mới được thành lập vào năm 2020 nhưng đến năm học 2021 - 2022 đã trở thành ngành có đông sinh viên theo học nhất trường.
Anh Huỳnh Văn Mỹ, sau 3 năm tốt nghiệp ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô đã mở gara sửa chữa các dòng xe ô tô nhập khẩu. Ảnh: NVCC. |
Trường nghề ưu tiên đầu tư phòng thực hành
Một trong những lý giải cho sức hút của ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô là hiện nay các trường đã dành sự ưu tiên đầu tư phòng thực hành cho sinh viên. Đơn cử như Trường Cao đẳng Viễn Đông (TPHCM) đầu tư nhiều tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị, dụng cụ, mô hình thực hành ô tô.
Tại trường, sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô được tiếp cận với các thiết bị động cơ sống của hầu hết các dòng xe thông dụng như Camry, Nissan, Kia, Fortuner, Toyota…; các mô hình như động cơ phun xăng điện tử; động cơ diesel; phanh ABS; bơm cao áp; hộp số tự động; phanh khí nén..
TS Lê Đình Kha cho biết, tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, ngoài kiến thức chuyên môn, sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô còn được tham gia nhiều sân chơi học thuật như Minicar racing, các buổi hội thảo chuyên đề, giao lưu kết nối doanh nghiệp... Các hoạt động này nhằm giúp sinh viên áp dụng kiến thức lý thuyết vào thực tế, rèn luyện kỹ năng mềm, làm quen với môi trường doanh nghiệp…
Anh Huỳnh Văn Mỹ, 30 tuổi, đồng sáng lập gara Hoàng Mỹ Workshop (TPHCM) và sau đó là gara ARC Workshop (Đồng Tháp), từng học ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng chia sẻ kinh nghiệm: Để tìm kiếm việc làm thuận lợi, sinh viên theo học ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô cần phải tích lũy thật nhiều thời gian thực hành trước khi ra trường. Ngoài ra, sinh viên cần phải nắm chắc các kiến thức nền về mô hình, động cơ, hộp số, kỹ thuật điện ô tô, khung gầm... cũng như nên chú trọng kỹ năng giao tiếp, tác phong người thợ.
Ngành “nóng” trong bức tranh nhu cầu nhân lực
Theo thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động TPHCM, trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy và xe có động cơ khác cần đến 33.164 chỗ làm việc, tương đương 21,59% tổng nhu cầu nhân lực. Đồng thời, nhu cầu nhân lực đối với trình độ cao đẳng lên đến hơn 35.000 chỗ làm việc, vượt qua nhu cầu tuyển dụng nhân lực trình độ đại học.
Ngoài ra, theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 6/2023, doanh số bán hàng của toàn thị trường Việt Nam đạt 23.800 xe, tăng 15% so với tháng 5/2023.
TS Lê Đình Kha lý giải: “Trong những năm gần đây ngành công nghiệp ô tô phát triển rất nhanh về số lượng và chất lượng. Nhiều hãng ô tô lớn trên thế giới đã đầu tư nghiên cứu - phát triển các công nghệ mới trên ô tô, đặc biệt là trên ô tô hybrid, ô tô điện. Đồng thời, rất nhiều mẫu xe mới được đưa ra thị trường… do đó đã tạo ra nhiều công việc mới trong lĩnh vực này. Thêm nữa, đời sống vật chất của người dân được nâng cao, nhiều gia đình đã có ô tô, vì vậy nhu cầu nhân lực trong thị trường này là rất lớn, dễ có việc làm ngay khi ra trường”.
ThS Trần Thanh Hải - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông - cũng cho rằng: Ô tô đang dần trở thành phương tiện thông dụng với người dân Việt Nam và nhiều hãng ô tô lớn đặt nhà máy lắp ráp, sản xuất ở nước ta. Vì vậy, nhân sự của ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô sẽ có thu nhập khá hơn các ngành khác, chưa kể có thể tự mình khởi nghiệp.
Anh Huỳnh Văn Mỹ cũng nhìn nhận, trong tương lai, nhu cầu sửa chữa xe ô tô rất cao nên thị trường nhân lực sẽ rất cần ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô và ngành Công nghệ thông tin. Đặc biệt, những loại xe sau này thiên hẳn về công nghệ nên đòi hỏi người thợ phải được đào tạo từ trong trường nghề.
“Người thợ sửa chữa ô tô nếu tự học nghề thì cũng mất khoảng từ 1 - 2 năm là có thể cứng tay nghề. Nhưng để phát triển cao hơn trong nghề nghiệp thì người thợ đó cần phải có kiến thức cơ bản, tư duy logic, tác phong người thợ, phương pháp tự học, kỹ năng làm việc nhóm... Những điều này chỉ được tích lũy khi theo học trường lớp bài bản”, anh Huỳnh Văn Mỹ cho biết.
Theo anh Huỳnh Văn Mỹ, nếu chịu khó làm việc, sau 3 - 5 năm, khi trở thành thợ đứng xưởng (thợ chính sửa chữa ô tô), mức lương có thể từ 15 - 20 triệu đồng/tháng.
Công nghệ kỹ thuật ô tô là ngành học tích hợp kiến thức từ nhiều lĩnh vực như cơ khí, tự động hóa, điện - điện tử và công nghệ chế tạo máy. Sinh viên được trang bị kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về cơ khí ô tô - máy động lực, hệ thống truyền động - truyền lực, cơ cấu khí, hệ thống điều khiển… để có khả năng áp dụng những nguyên lý kỹ thuật cơ bản, kỹ năng thực hành cao và các kỹ năng liên quan đến ô tô. Các môn học chuyên ngành đặc trưng của ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô là động cơ đốt trong; tính toán ô tô; hệ thống điện - điện tử ô tô; hệ thống điều khiển tự động ô tô; công nghệ chẩn đoán, sửa chữa và kiểm định ô tô; hệ thống an toàn và tiện nghi trên ô tô; quản lý dịch vụ ô tô…