Công tác chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT đang đúng kế hoạch

GD&TĐ - Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 diễn ra đúng kế hoạch. Dự kiến, ngày 18/7 sẽ công bố kết quả thi.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng báo cáo công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại giao báo báo chí tuần 3, tháng 6.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng báo cáo công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại giao báo báo chí tuần 3, tháng 6.

Sáng 20/6, tại giao báo báo chí tuần 3, tháng 6 do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đã báo cáo công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Chủ động, kỹ lưỡng, chu đáo và toàn diện

Các Hội đồng thi tổ chức coi thi trong các ngày 27, 28, 29 và 30/6; chấm thi từ ngày 1/7; công bố kết quả thi vào ngày 18/7; hoàn thành xét công nhận tốt nghiệp THPT chậm nhất ngày 20/7.

Báo cáo tại buổi giao ban, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho hay, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được tổ chức cơ bản giữ ổn định như năm 2022.

Bộ GD&ĐT chỉ đạo chung, các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì toàn bộ công tác tổ chức thi tại địa phương.

Thứ trưởng cho biết, qua làm việc trực tiếp với 14 địa phương và báo cáo của 63 tỉnh/thành phố gửi về Ban Chỉ đạo cấp quốc gia cho thấy, các địa phương đã chủ động trong triển khai công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023.

Các tỉnh/thành phố đã ban hành Chỉ thị về tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện đều được thành lập từ sớm và ban hành kế hoạch công tác, phân công, phân nhiệm rõ ràng trong Ban Chỉ đạo.

Ngoài triển khai theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Quy chế, hướng dẫn chung của Bộ GD&ĐT, các địa phương tuỳ theo điều kiện cụ thể còn có những chỉ đạo, hướng dẫn riêng để chuẩn bị tốt nhất các điều kiện tổ chức Kỳ thi.

Các địa phương đều xây dựng kịch bản, phương án dự phòng các tình huống về thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, giao thông, phòng cháy chữa cháy, cung ứng điện… để kịp thời ứng phó, xử lý trong những ngày diễn ra Kỳ thi.

Đặc biệt các địa phương đều quan tâm chỉ đạo việc hỗ trợ cho thí sinh có điều kiện hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo không để bất kỳ thí sinh nào vì khó khăn kinh tế hay đi lại mà không thể tham gia Kỳ thi.

“Cho tới thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT đang diễn ra bình thường và theo đúng kế hoạch” – Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định.

Ban chỉ đạo đã đánh giá là công tác chuẩn bị chủ động, kỹ lưỡng, chu đáo và toàn diện, hướng tới kỳ thi an toàn, nghiêm túc đúng quy chế và hết sức khách quan.

Quang cảnh buổi giao ban.

Quang cảnh buổi giao ban.

Quán triệt phương châm '4 đúng, 3 không'

Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các Sở GD&ĐT tổ chức cho thí sinh thử đăng ký dự thi trực tuyến từ ngày 26/4 đến ngày 30/4; chính thức đăng ký dự thi trực tuyến và đăng ký dự thi trực tiếp từ ngày 4/5/2022 đến 17giờ ngày 13/5/2023. Tính đến thời điểm này ngày 15/6, cả nước có hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi. Tổng số điểm thi là 2.273 và hơn 44.600 phòng thi.

Thứ trưởng nhấn mạnh, Bộ GD&ĐT quán triệt trong toàn ngành tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT với phương châm “4 đúng, 3 không”.

"4 đúng" gồm": Thứ nhất, đúng Quy chế hướng dẫn và hướng dẫn thi. Đây là yêu cầu bắt buộc.

Thứ hai, đúng và đủ quy trình. Thứ ba, đúng vị trí chức năng nhiệm vụ. Thứ tư, phải đúng thời điểm để xử lý các tình huống bất thường.

Còn “3 không” gồm: không lơ là chủ quan; không được tự ý xử lý các tình huống bất thường và không được căng thẳng và áp lực thái quá.

Bộ GD&ĐT, Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT đề nghị các cơ quan báo chí truyền thông trung ương, địa phương tiếp tục và tăng cường đưa tin, tuyên truyền về Kỳ thi tốt nghiệp THPT;

Tăng cường giải đáp thắc mắc cho phụ huynh và người dân về các nội dung có liên quan tới kỳ thi, đặc biệt là các ứng dụng trong chuyển đổi số và sử dụng cơ sở dữ liệu dân cư phục vụ kỳ thi.

Đồng thời, làm rõ và phân cấp nhiệm vụ, trách nhiệm trong Quy chế thi và các văn bản hướng dẫn giữa Bộ và địa phương về Kỳ thi. Trong đó, cấp Bộ tập trung ban hành đầy đủ các văn bản pháp quy, các hướng dẫn cho Kỳ thi; ra đề thi, tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát tất cả các khâu của Kỳ thi, tập trung công tác ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả cho Kỳ thi tạo sự thuận lợi, nhanh, tiện ích cho tất cả thí sinh và nhà trường; cấp tỉnh/thành phố chịu trách nhiệm toàn bộ về chỉ đạo tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại địa phương mình.

Các cơ quan báo chí truyền thông cũng không quá nhấn mạnh về khó khăn của kỳ thi vì điều này sẽ ảnh hưởng tới tâm lý thi cử của thí sinh và tạo nên sự căng thẳng không cần thiết đối với xã hội.

Trong trường hợp có thông tin bất thường liên quan đến kỳ thi, đề nghị các cơ quan báo chí cho kiểm tra thông tin và trao đổi với Ban Chỉ đạo thi qua đường dây nóng bắt đầu hoạt động từ ngày 25/6/2023 trước khi đưa tin.

Thời gian qua, Ban chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT và các đơn vị liên quan, Ban chỉ đạo các địa phương đã chủ động, tích cực trong công tác truyền thông về kỳ thi ở cấp Bộ và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tham gia các diễn đàn, trả lời phỏng vấn báo chí, cung cấp thông tin về Kỳ thi, những lưu ý cần thiết để giáo viên và học sinh yên tâm, sẵn sàng cho Kỳ thi. Các cơ quan báo chí đã tích cực hỗ trợ, phối hợp trong công tác truyền thông về Kỳ thi tới học sinh, giáo viên, phụ huynh và toàn xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...