Công nhân tại các khu công nghiệp "đói" văn hóa

Công nhân tại các khu công nghiệp "đói" văn hóa

Kỳ 3: Lỗ hổng cần tái thiết

(GD&TĐ) - Làm sao để hạn chế những “khoảng trống” mênh mông trong việc hình thành và xây dựng được một chỉnh thể văn hóa hoàn chỉnh tại các KCX, KCN đáp ứng nhu cầu giải trí tối thiểu của công nhân? Từ thực tế của những bất cập đang tồn tại, cùng nhiều lý do khách quan… việc xây dựng được một chỉnh thể văn hóa hoàn chỉnh không phải là chuyện một sớm, một chiều. 

Doanh nghiệp thiếu quan tâm, người lao động thiệt thòi 

Theo TS Lê Thanh Hà (Viện Công nhân và Công đoàn) thì thiết chế văn hoá tại các KCN bao gồm các yếu tố cơ bản như: Cơ sở vật chất, bộ máy tổ chức, nhân sự, quy chế hoạt động, nguồn kinh phí... phục vụ các hoạt động văn hóa. Việc một số địa phương (Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM) trong một thời gian ngắn nhanh chóng hình thành nên các cụm công nghiệp, khu chế xuất đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế địa phương, ít nhiều kéo theo những hạn chế trong việc đồng bộ hóa giữa hoạt động phát triển kinh tế với chăm lo đời sống văn hóa - tinh thần cho người lao động là điều khó tránh khỏi. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng chủ yếu nằm ở phía các doanh nghiệp khi họ mải mê sản xuất kinh doanh mà “bỏ quên” công tác chăm lo đời sống văn hóa cho người lao động.

“Lỗ hổng” trong việc xây dựng và kiện toàn các chỉnh thể văn hóa tại các KCN không chỉ mang đến nhiều hệ lụy cho các địa phương, quận - huyện có KCN trú đóng, mà còn khiến tình hình an ninh xã hội địa phương thiếu ổn định. Thực tế tại một số KCN ở TP HCM cho thấy, khi quá chú trọng phát triển kinh tế mà xem nhẹ yếu tố văn hóa, họ đã phải gánh chịu nhiều hệ lụy. Số vụ phạm pháp hình sự, tệ nạn xã hội, trộm cắp, mại dâm luôn diễn biến hết sức phức tạp. Trong đó, đáng chú ý nhất chính là tỉ lệ nữ công nhân làm mẹ đơn thân, nạo phá thai (hệ quả của sống thử) ngày càng nhiều.  Thực trạng trên có phần trách nhiệm của các doanh nghiệp khi mải chạy theo lợi nhuận, coi nhẹ việc chăm lo đời sống văn hóa - tinh thần cho công nhân.

Công nhân tại các khu công nghiệp "đói" văn hóa ảnh 1
Công nhân tại nơi làm việc

Mấy năm gần đây, với sự quan tâm chỉ đạo thực hiện của Chính phủ, các cấp các ngành, các KCN tại TPHCM đã chú ý nhiều hơn đến đời sống tinh thần cho công nhân. Các doanh nghiệp từng bước xây dựng các cơ sở sinh hoạt văn hóa, CLB công nhân, nhà văn hóa công nhân ở các khu lưu trú trong KCN. Tuy nhiên, nhiều KCN mới hình thành (Tây bắc Củ Chi, Hiệp Phước hay Vĩnh Lộc) vẫn chưa làm tốt việc xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, cơ chế chính sách, chăm lo đến nâng cao đời sống văn hóa - giải trí cho công nhân. Các công trình văn hóa thể thao, vui chơi giải trí nếu có cũng mang nặng tính dịch vụ, dành cho đối tượng thu nhập cao. Các hoạt động văn hóa thể thao do doanh nghiệp tổ chức phần lớn mang tính "mùa vụ", đơn điệu, khô cứng. Người công nhân hưởng thụ một cách thụ động chứ chưa được phát huy khả năng sáng tạo văn hóa trong không gian sống của mình, thậm chí một bộ phận còn xem nhẹ đời sống tinh thần do thu nhập thấp. Cuộc sống công nhân bên ngoài "hàng rào" doanh nghiệp cũng chưa được chăm lo, gặp rất nhiều thiếu thốn từ nơi ở, điều kiện sinh hoạt. Mặt khác, do sống khép kín trong phòng trọ, lệ thuộc những hình thức giải trí đơn thuần như dùng điện thoại nghe nhạc, nhắn tin... nhiều công nhân rơi vào tình trạng thiếu thông tin chính thống, nhận thức xã hội hạn chế.

Ông Trần Công Khanh, Chủ tịch Công đoàn Ban quản lý các KCX, KCN TP HCM cho biết: Hàng quý ban Công đoàn đều xây dựng các kế hoạch hoạt động vui chơi, giải trí và yêu cầu các công đoàn cơ sở phối hợp triển khai cho công nhân. Tuy nhiên, vì nhiều khó khăn khách quan, không ít các công đoàn cơ sở vẫn thực hiện kiểu qua loa, hình thức nên không thu hút được nhiều công nhân tham gia. Việc tạo ra các sân chơi, các hoạt động văn hóa, thể thao tập thể luôn thu hút được sự quan tâm rất lớn của công nhân. Nhưng thú thật, việc các công đoàn cơ sở nhiệt tình tham gia và triển khai các hoạt động (khoảng 50 - 60%) đã là quá mừng. Vì thế, để khắc phục những “lỗ hổng” trong việc xây dựng một chỉnh thể văn hóa hoàn chỉnh không cách nào khác phải có sự chung tay từ các doanh nghiệp. 

Đã thấy hướng đi

Theo TS Lê Thanh Hà, tình trạng thiết chế văn hóa KCN yếu, kém bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân như thiếu sự quan tâm của chính quyền, KCN, doanh nghiệp trong việc cấp đất, kinh phí đầu tư cho việc xây dựng nơi sinh hoạt văn hóa công cộng, phương tiện nghe nhìn, cùng hệ thống thư viện, nhà văn hóa, câu lạc bộ, trường học dành cho công nhân và con em công nhân. Trong đó, sự thiếu sâu sát của công đoàn KCN, công đoàn cơ sở, cơ quan văn hóa ở các địa phương có đông công nhân trong việc tạo cơ chế, nâng cao năng lực cán bộ thực hiện chính sách đối với công nhân, lao động…  cũng là nguyên nhân chính dẫn đến “khoảng trống” của thiết chế văn hóa tại các KCN như hiện nay. 

Muốn khắc phục tình trạng thiếu và yếu của hệ thống các thiết chế văn hóa, xã hội phục vụ cho nhu cầu văn hóa tinh thần của đội ngũ công nhân ở các KCN, trước hết lãnh đạo các cấp cần quan tâm đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống trường học, bệnh viện, trạm y tế, thư viện, rạp hát, rạp chiếu phim, khu vui chơi giải trí, thể thao dành cho công nhân sau giờ lao động tại khu nhà ở công nhân hoặc các khu vực có đông công nhân sinh sống. Đồng thời, phải tạo được một cơ chế thuận lợi, khuyến khích nhiều thành phần kinh tế, xã hội cùng tham gia trong việc tạo sân chơi, nơi giải trí lành mạnh cho công nhân. Có như thế, phần nào chúng ta mới dần dần lấp được “khoảng trống” mà chỉnh thể văn hóa tại các KCN đang thiếu.

Báo cáo từ 29 Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố thì mới chỉ có 28% DN tổ chức giao lưu, liên hoan, hội diễn văn nghệ; 31% DN luyện tập thi đấu thể thao; 22% DN duy trì hoạt động các câu lạc bộ sở thích và một nửa số DN tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tham quan du lịch. Những số liệu ấy cho thấy đời sống tinh thần của công nhân còn khá nghèo nàn và đơn điệu, mà nguyên nhân chính là sự thiếu vắng thiết chế văn hóa.

Theo các chuyên gia tâm lý, hoạt động văn hóa ngoài việc góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, giúp mỗi công nhân tạo lập lối sống văn hóa, yêu lao động, có chí tiến thủ vươn lên thì đời sống vật chất và tinh thần có quan hệ tương tác với nhau rất chặt chẽ. Thực tế, khi đồng lương và việc làm chưa ổn định, sau giờ tan ca mệt mỏi và sức lực bị vắt kiệt, vui chơi giải trí, cảm thụ cái đẹp là điều hết sức xa lạ. Công nhân có đời sống vật chất khá thì đời sống tinh thần được nâng lên và ngược lại, khi được thỏa mãn nhu cầu văn hóa - tinh thần sẽ gắn bó chặt chẽ với doanh nghiệp, năng suất lao động cao hơn, đình công, bãi công giảm. Hiểu được tầm quan trọng của công tác giải trí văn hóa mang lại cho công nhân sau giờ làm việc, cũng như những hệ lụy to lớn từ sự thiếu hụt các thiết chế văn hóa tại các KCN. Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân các KCN giai đoạn 2012 - 2015, định hướng đến năm 2020". Với mục tiêu phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân các KCN theo quy hoạch, đồng bộ, vững chắc, hiệu quả nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của công nhân. Theo mục tiêu của đề án, phấn đấu 100% số tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư hoàn thành việc phê duyệt quy hoạch và dành quỹ đất xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân các KCN. 70% số nhà văn hóa, thể thao lao động được củng cố để phục vụ NLĐ. 30% số tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư có các cơ sở xã hội hóa văn hóa, thể thao phục vụ công nhân ở các KCN, 20% số công nhân được tham gia hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở.

Đây có thể xem là một “sợi chỉ đỏ” để các Ban quản lý KCX, KCN sớm đưa vào lộ trình phát triển các vấn đề quy hoạch, nhằm có một chỉnh thể văn hóa hoàn chỉnh, cũng như tính pháp lý để yêu cầu doanh nghiệp cùng chung tay xây dựng một chỉnh thể văn hóa đa dạng, giàu tính tương tác để thu hút công nhân. Tuy nhiên, theo nhiều lãnh đạo quản lý các KCN, trong cơ chế thị trường hiện nay, thiết chế văn hóa rất cần những biện pháp mới thích hợp, để công nhân thật sự chủ động sáng tạo, hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần trong "sân chơi" của chính mình. Có như vậy thì nguồn lực đầu tư mới được phát huy tối đa, không trở nên lãng phí. Do đó, cùng với chăm lo đời sống vật chất; củng cố, phát triển hệ thống thiết chế cho công nhân phải luôn được quan tâm, chú trọng và là việc làm thường xuyên, liên tục; thể hiện sự phát triển hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; góp phần mở mang dân trí, giáo dục đạo đức, thẩm mỹ, phát triển nhân cách cho đội ngũ công nhân trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước.

Vì thế, để những “lỗ hổng” mênh mông trong thiết chế văn hóa hiện nay tại các KCX, KCN được lấp dần khi chủ trương lớn của Chính phủ đi vào thực tế,  lãnh đạo các cấp cần quan tâm đầu tư xây dựng, hoàn thiện khu vui chơi giải trí, thể thao dành cho công nhân tại khu nhà ở công nhân, khu vực có đông công nhân thuê trọ. Nhà nước cần nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa nhằm bảo đảm phúc lợi xã hội cho người lao động. Được như thế, chúng ta sẽ dần hình thành được một chỉnh thể văn hóa hoàn chỉnh tại các KCN trên cả nước. 

AnhTú

TIN LIÊN QUAN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.