Công nghệ nuôi nghêu của tiến sĩ công an

GD&TĐ - GS.TS Vương Khả Cúc đã bỏ công sức, tiền bạc, thời gian… để nghiên cứu thành công quy trình nuôi loài nhuyễn thể này giúp bà con nông dân.

Hàng trăm hộ dân nuôi nghêu thắng lợi nhờ áp dụng đề tài nghiên cứu khoa học của GS Vương Khả Cúc.
Hàng trăm hộ dân nuôi nghêu thắng lợi nhờ áp dụng đề tài nghiên cứu khoa học của GS Vương Khả Cúc.

Ý tưởng từ tình thương

GS.TSKH Vương Khả Cúc trò chuyện với phóng viên.

GS.TSKH Vương Khả Cúc trò chuyện với phóng viên.

Giáo sư Vương Khả Cúc cho biết, sau khi nghiên cứu thành công mô hình nuôi nghêu giúp bà con vùng Giao Thủy (Nam Định), ông đang về Nghệ An để giúp đỡ người dân nghiên cứu sản xuất nước tinh khiết được lấy từ vùng khe Kẹp thuộc xã Khánh Sơn (Nam Đàn). Ông bảo, nếu thành công, nước tinh khiết khe Kẹp cũng sẽ giúp người dân trong vùng có thêm nguồn thu nhập.

Là giáo sư, tiến sĩ khoa học hàng đầu của ngành Công an nhưng GS.TS Vương Khả Cúc lúc nào cũng đau đáu với bà con nông dân. Ngoài hàng chục công trình nghiên cứu khoa học thành công trước đây thì mới rồi ông đã tiếp tục cho “ra đời” và đưa vào ứng dụng thành công “Công trình nuôi nghêu vàng thử nghiệm” để giúp bà con nông dân tránh được hiện tượng nghêu chưa đến kỳ thu hoạch thì đã chết trắng đồng.

Vất vả lắm mới tìm được GS.TS khoa học Vương Khả Cúc khi ông còn đánh trần làm việc với bà con nông dân trên cánh đồng nuôi nghêu ở xã Bành Long (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định).

Trong căn chòi lá, GS.TS khoa học Vương Khả Cúc tâm sự, ông vốn là người miền Trung. Bôn ba hàng chục năm trời học tập và nghiên cứu khoa học ở nước ngoài nhưng lúc nào ông cũng đau đáu với quê hương, đất nước, nhất là với bà con nông dân.

Dù đã có tuổi và sự nghiệp thành công nhưng ông lúc nào cũng luôn tâm niệm “nếu ngày mai Thượng đế bắt tôi về thế giới bên kia, thì hôm nay xin cho phép tôi vẫn được làm việc”. Bởi tâm niệm đó, ông đã nghiên cứu thành công nhiều đề tài khoa học phục vụ cho thực tiễn cuộc sống và dường như không lúc nào nghỉ ngơi.

GS.TS khoa học Vương Khả Cúc chia sẻ, sở dĩ nhiều ngày nay ông “vật lộn” với cánh đồng nghêu là bởi một lần về quê vợ ở huyện Giao Thủy (Nam Định) dự đám giỗ, giáo sư ngồi cùng mâm với một người em tên là Nguyễn Văn Vinh.

Trong cuộc trò chuyện anh Vinh cho biết, lâu rồi bỏ hết mọi công việc để ra đồng tập trung nuôi vạng (tên gọi khác của nghêu). Sau đó anh Vinh đưa giáo sư đi thăm một vòng ở những nơi có nuôi nghêu trong vùng.

Trong chuyến đi thực tế này, thấy bà con nông dân nuôi nghêu rất vất vả và đau xót là ở bãi nào cũng có hiện tượng nghêu chưa đến kỳ thu hoạch thì đã bị chết. Sự cố đó khiến không ít gia đình lâm vào cảnh trắng tay. Có những gia đình nuôi đến lần thứ 5 mà vẫn không thành công được một lần, vì nuôi nghêu không đúng quy cách.

Được biết, trước đây có một số chuyên gia Đài Loan về Nam Định chuyển giao công nghệ cho bà con nuôi nghêu. Tuy nhiên, để hợp tác hầu hết bà con phải tự bỏ tiền, kinh phí và công sức ra, sau đó thu hoạch xong chia đôi lợi nhuận.

Vì thế không mấy ai còn có lời lãi. Sau khi các chuyên gia Đài Loan rút về, người dân nơi đây cũng chỉ học lỏm được chút ít kinh nghiệm, nhưng rồi ngao chết vẫn cứ chết.

Sau lần đi thực tế đó, GS.TS Vương Khả Cúc lại càng đau đáu hơn, ông thấy thương người nông dân ngày đêm khó nhọc mà không thực sự hiệu quả. Ông quyết định vay ngân hàng một khoản kha khá làm kinh phí thuê lại 6 đầm bãi với diện tích hơn 0,5 ha để nghiên cứu và nuôi thử nghiệm vạng vàng (nghêu vàng).

Không còn cảnh “rơi nước mắt vì nghêu”

Hệ thống ao, đầm nuôi nghêu thử nghiệm thành công của GS.TSKH Vương Khả Cúc.

Hệ thống ao, đầm nuôi nghêu thử nghiệm thành công của GS.TSKH Vương Khả Cúc.

Ấu trùng sau khi được nghêu mẹ đẻ ra.

Ấu trùng sau khi được nghêu mẹ đẻ ra.

Giáo sư Vương Khả Cúc chia sẻ, khoảng đầu năm 2016, ông bắt tay vào nghiên cứu, đọc tài liệu trên mạng, sách báo và tìm hiểu thực tế thì thấy có nhiều yếu tố để con nghêu sinh trưởng và phát triển.

Nào là môi trường, độ mặn nước, khí hậu, thức ăn cho ấu trùng… Trong quá trình nghiên cứu và nuôi thử nghiệm ông thấy nghêu phát triển được chia thành 4 giai đoạn, nhưng giai đoạn nghêu đẻ là khó nuôi nhất.

Khoảng thời gian bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 5 là lúc nghêu có trứng. Sở dĩ biết được ngày nào nghêu đẻ chỉ cần mổ bụng ra thấy có trứng là biết được.

Thời gian từ khi nghêu là ấu trùng đến khi thu hoạch phải mất khoảng từ 2 năm rưỡi đến 3 năm. Quá trình nuôi ấu trùng là phải cho thức ăn đều đặn, chủ yếu ăn tảo và vi lượng.

Mỗi ao đầm nuôi nghêu của Giáo sư Vương Khả Cúc có diện tích khoảng 500m2 và nuôi được 1 tấn nghêu mẹ. Theo Giáo sư Cúc, lượng nghêu mẹ trên sẽ cho ra đời khoảng 1 tỷ nghêu con và sau 20 ngày là có thể xuất giống. Tính đến thời điểm này Giáo sư Cúc đã nuôi nghêu thành công mùa thứ 3.

Qua 3 mùa nuôi thử nghiệm thành công, Giáo sư Vương Khả Cúc đưa ra quy cách nuôi nghêu đảm bảo hiệu quả, kinh tế. Giáo sư khẳng định, nếu cứ làm theo chỉ dẫn của ông thì sẽ không còn cảnh “rơi nước mắt nhìn nghêu chết trắng đồng”.

Theo đó, quá trình nuôi phải biết cách xử lý môi trường đầm nuôi và quan trọng nhất là giai đoạn nghêu sinh sản. Khi nghêu mới đẻ, nhớt trong ao rất bẩn và đây là nguyên do khiến nghêu theo nhau chết hàng loạt.

Vì thế phải chuyển hóa toàn bộ nhớt bẩn này thành thức ăn cho tảo và tảo lại là nguồn thức ăn cho nghêu. Sự quay vòng này sẽ giữ cho ao nuôi luôn sạch sẽ, đảm bảo môi trường nuôi lý tưởng.

Vụ này nghêu trứng để đẻ trên thị trường có giá bán 34 nghìn đồng/kg, trong khi nghêu thịt chỉ bán với giá 18 nghìn đồng. Do nhu cầu của người dân mua nghêu giống con quá lớn nên 5 đầm ao của Giáo sư Cúc không cung cấp đủ cho bà con trong vùng nên một số hộ nuôi nghêu phải đặt mua tận Đài Loan, Thái Lan hoặc ở một số tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Trước khi chia tay, GS.TS khoa học Vương Khả Cúc không khỏi mong muốn mô hình nuôi nghêu thành công này của ông sớm được nhân rộng trong cả nước, nhất là đối với bà con miền Trung, nơi ông đã sinh ra và lớn lên.

Muốn chuyển giao được công nghệ nuôi nghêu của ông thì trước hết phải đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật, nguồn kinh phí, diện tích mặt bằng.

Hiện nay một số nhà đầu tư nước ngoài đã và đang vào Việt Nam xây dựng hệ thống dây chuyền máy móc chế biến nghêu thịt thành các mặt hàng thực phẩm xuất khẩu. Vì thế Giáo sư Vương Khả Cúc muốn chuyển giao công nghệ này đến với bà con nông dân càng sớm càng tốt để giúp họ tránh được tình trạng nuôi nghêu bị chết giữa chừng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ