Ghi nhận của phóng viên, dọc quanh các bãi triều nuôi ngao tại xã Mai Phụ xác ngao chết phủ trắng bãi. Hàng chục người dân đang phải đôn đốc huy động nhân công để đi gom ngao chết, đồng thời vệ sinh môi trường bãi nuôi với hy vọng giữ được lượng ngao ít ỏi còn sót lại.
Theo người dân nơi đây thì chưa năm nào ngao chết nhiều và kéo dài như năm nay. Sau Tết ngao bắt đầu chết hàng loạt, nơi thấp nhât tỷ lệ thiệt hại từ 30 - 50%, nơi cao thiệt hại đến 80%.
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn thôn Mai Lâm có 45 hộ nuôi ngao với diện tích trên 95 ha, ước tính sản lượng ngao chết lên đến gần 500 tấn, thiệt hại hàng lên đến hàng tỉ đồng.
Ngao chết trắng bãi nuôi không chỉ làm mất hàng trăm triệu đồng chi phí đầu tư của mỗi hộ nuôi ngao, mà còn khiến các hộ phải bỏ thêm hàng chục triệu để thuê người nhặt vỏ ngao mang đi đổ. Trung bình mỗi ngày, các chủ đầm phải thuê 3 - 4 lao động với số tiền 200 nghìn đồng/ngày/người để vớt ngao chết.
Nhìn những bãi ngao chết nổi trắng đồng, anh Hùng - Chủ nuôi gần 10 ha ngao - buồn rầu tâm sự: “Năm nay chúng tôi không thể ngờ rằng ngao lại chết nhiều như thế, những năm trước ngao chết nhưng với số lượng ít, không chỉ mất ngao, chúng tôi phải mất cả tiền nhân công để thuê người vớt ngao chết đem đi đổ. Năm nay coi như người nuôi chúng tôi mất trắng”.
Theo người dân nơi đây thì việc ngao chết hàng loạt là do cống bara Đò Điệm xả nước kéo theo lượng bèo lớn về gây ô nhiễm môi trường nuôi cộng với ảnh hưởng của thời tiết, đặc biệt là những đợt rét và sương muối sau Tết Nguyên đán là nguyên nhân dẫn đến ngao chết trắng.
Trong những năm qua, nuôi ngao trở thành hướng đi giúp người dân Mai Lâm thoát khỏi đói nghèo, giúp nhiều gia đình ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, thời gian gần đây ngao bỗng nhiên chết trắng, khiến người dân rơi vào cảnh trắng tay.
Người dân nơi đây đang mong muốn các cấp chính quyền huyện, tĩnh có những chính sách hỗ trợ kịp thời tạo điều kiện để nông dân khắc phục hậu quả, chuẩn bị điều kiện cho vụ nuôi mới.