Công nghệ giúp vực dậy du lịch

GD&TĐ - Những năm gần đây, công nghệ đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực du lịch và lữ hành.

Việc đưa công nghệ vào du lịch đã trực tiếp giúp giảm chi phí, cải thiện dịch vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động và trải nghiệm của khách hàng.

Truyền cảm hứng cho du khách

Đại dịch Covid-19 càng thúc đẩy quá trình áp dụng công nghệ đối với ngành công nghiệp không khói. Theo kết quả khảo sát mới đây do Tổ chức Nghiên cứu toàn cầu Censuswide thực hiện, hơn 4 trong số 5 khách du lịch cho rằng, công nghệ sẽ làm tăng sự tự tin của họ khi đi du lịch trong 12 tháng tới.

Nhiều du khách cho biết, ứng dụng dành cho thiết bị di động cung cấp các cảnh báo và cập nhật trong các chuyến đi, đặc biệt liên quan đến dịch bệnh và các hướng dẫn mới nhất của chính phủ, sẽ rất cần thiết trong thời điểm hiện nay.

Nắm bắt được xu thế đó, ở Việt Nam hiện có rất nhiều khách sạn công nghệ xuất hiện, giúp du khách có được những trải nghiệm thú vị trong thời kỳ bình thường mới.

Đơn cử như chuỗi hệ thống khách sạn Wink Hotels trên toàn quốc đã áp dụng quy trình check-in, check-out và thanh toán trực tuyến, nhằm giảm thiểu tối đa việc sử dụng giấy và tiếp xúc trực tiếp. Không những vậy, công nghệ tiên tiến còn được tận dụng thông qua việc sử dụng khóa điện tử trên ứng dụng điện thoại cá nhân để làm thủ tục nhận phòng.

Việc áp dụng công nghệ hiện đại, tương tác thông minh cũng đã được đẩy mạnh ở các bảo tàng. Bảo tàng Lịch sử TPHCM (Quận 1) đã tiến hành thử nghiệm “kho mở trực tuyến”, giới thiệu một số hiện vật chọn lọc trong bộ sưu tập của Victor Thomas Holbé.

Hoạt động này nhằm khai thác những bộ sưu tập cổ vật có giá trị đang lưu giữ tại kho của bảo tàng vì thiếu điều kiện chưa thể đem ra trưng bày phục vụ công chúng, đồng thời tạo thêm nội dung đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn cổ vật và tham quan bảo tàng của công chúng dù chỉ bằng hình thức online.

Thay vì đến bảo tàng, khách tham quan có thể truy cập vào địa chỉ của “Kho mở trực tuyến” để xem các hình ảnh cổ vật được giới thiệu kèm thông tin thuyết minh cụ thể về lai lịch bộ sưu tập, chủ sở hữu ban đầu kèm các nội dung về giá trị, tầm quan trọng và ý nghĩa của các hiện vật...

Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TPHCM, cho biết, việc tổ chức “Kho mở trực tuyến” phục vụ công chúng là bước thử nghiệm ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, khai thác thông tin trong kho cơ sở như một yêu cầu tất yếu khách quan của các bảo tàng hiện nay. Thông qua hình thức này, bảo tàng muốn lắng nghe ý kiến từ phía công chúng để có hướng tổ chức tốt hơn việc khai thác các bộ sưu tập.

Trong khi đó, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (Quận 3, TPHCM) khiến du khách đi từ tò mò đến thích thú khi tái hiện không gian giam giữ những người Việt Nam yêu nước trong thời kỳ chiến tranh bằng container đặt ngoài trời.

Hình ảnh, hiện vật về 5 nhà tù lớn ở miền Nam Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, được thể hiện thông qua các màn hình cảm ứng hiện đại để du khách có thể truy cập và tìm hiểu sâu hơn thông tin trưng bày.

Lướt màn hình để đọc các thông tin thật chi tiết, chị Vũ Thu Trang, 26 tuổi, ở quận Bình Thạnh, chia sẻ: “Màn hình cảm ứng rất nhạy, thông tin cụ thể làm mình có cảm nhận như một kho tư liệu thu nhỏ. Tôi nghĩ, nếu các bạn sinh viên ngành bảo tàng, hay học sinh tham quan và làm bài thu hoạch ngoại khóa sẽ rất tiện, vì chỉ cần lướt qua màn hình sẽ cung cấp rất nhiều tư liệu lịch sử”.

Hội An hợp tác với Bizverse trong việc quảng bá du lịch trên nền tảng Metaverse. Ảnh: Nam Sơn
Hội An hợp tác với Bizverse trong việc quảng bá du lịch trên nền tảng Metaverse. Ảnh: Nam Sơn

Dấu ấn đến từ các địa phương trọng điểm du lịch

Hiện nay, các địa phương trọng điểm du lịch cũng tập trung phát triển các phần mềm du lịch thông minh hỗ trợ du khách. Mới đây, Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thanh – Truyền hình (VHTT&TTTH) TP Hội An, tỉnh Quảng Nam đã chính thức ký kết hợp tác với Bizverse về quảng bá du lịch trên nền tảng Metaverse.

Cụ thể, các di tích, điểm tham quan, làng nghề truyền thống… ở Hội An sẽ được số hóa bằng hình ảnh 3D, xây dựng không gian 360 Space, thuyết minh của hướng dẫn viên giọng địa phương bằng công nghệ AI tại các điểm… xuất hiện trên bản đồ 3D của Bizverse World.

Theo bà Trương Thị Ngọc Cẩm, Giám đốc Trung tâm VHTT&TTTH TP Hội An, Metaverse là nền tảng công nghệ đang nhận được sự quan tâm của giới chuyên môn toàn cầu. Metaverse sẽ giới thiệu TP Hội An với bạn bè thế giới sâu rộng hơn, giúp du khách có thể tham khảo lựa chọn để có trải nghiệm du lịch, qua đó thu hút thêm du khách trong nước và quốc tế đến với TP Hội An.

Và không chỉ ở Quảng Nam, rất nhiều tỉnh, thành trên toàn quốc cũng đã đẩy mạnh việc sử dụng các phần mềm du lịch thông minh hỗ trợ khách du lịch.

Ở Hà Nội, phần mềm tiện ích thông minh hỗ trợ du khách được áp dụng trong hệ thống thuyết minh tự động tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám và phần mềm hướng dẫn tham quan Hoàng thành Thăng Long và một số tiện ích về bản đồ, tìm đường, trạm bus, travel guide…

TPHCM có phần mềm du lịch thông minh “Vibrant Ho Chi Minh City”, phần mềm tiện ích “Sai Gon Bus”, “Ho Chi Minh City Travel Guide”, “Ho Chi Minh City Guide and Map”…

Đà Nẵng đã triển khai ứng dụng “Danang FantastiCity”, các hệ thống phần mềm, tiện ích hỗ trợ du khách như “Da Nang Tourism”, “inDaNang”, “Go! Đà Nẵng”, “Da Nang Bus”, Chatbot Danang FantastiCity….

Ngành du lịch Thừa Thiên – Huế nhận được nhiều sự hỗ trợ của các đối tác trong quảng bá du lịch bằng công nghệ số. Lăng Tự Đức nằm trong 30 di tích, từ 13 quốc gia được Google số hóa 3D.

Có thể thấy, trong xu thế chung, ngành du lịch đang chủ động tham gia, phát huy lợi ích của công nghệ số, tiến tới hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh gắn kết các chủ thể từ khách du lịch, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý Nhà nước.

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và thúc đẩy chuyển đổi số sẽ giúp ngành du lịch khai thác hiệu quả hơn các giá trị gia tăng từ môi trường số, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ