Để có thể “vào lớp” cùng con, trở thành “trợ thủ” đắc lực của GV trong việc giáo dục trẻ, phụ huynh cần có một vài kỹ năng.
Quan sát, hỗ trợ
Theo thông báo của cô giáo chủ nhiệm, từ ngày 16/8, học sinh lớp 3/2 Trường Tiểu học Ông Ích Khiêm (quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) bắt đầu học trực tuyến. Cô giáo sẽ cho các em ôn tập lại kiến thức lớp 3 trên ứng dụng Zoom, mỗi tuần 5 buổi.
Chị Phạm Thu Hà – phụ huynh em Lê Hà Bảo Ngọc, kể: “Con đang về quê nghỉ hè với ông bà nên trước giờ vào học 30 phút, tôi sẽ gọi điện báo để tránh trường hợp con quên lịch học hay trục trặc kỹ thuật. Có bất kỳ trở ngại nào, ba mẹ sẽ hướng dẫn cho con qua điện thoại và nhờ người thân ở quê trợ giúp thêm. Do con đã quen với việc học trực tuyến từ các đợt dịch trước nên cũng không có gì khó khăn. Trước giờ vào lớp, cô gửi đường link qua ứng dụng Zoom để học sinh vào lớp học”.
Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu), cho biết: Với học sinh khối lớp Một, trong tuần đầu tiên học online, giáo viên sẽ để phụ huynh vào lớp cùng con, hướng dẫn con cách tương tác trong giờ học, ví dụ như ấn nút xung phong phát biểu, bật micro khi cô giáo gọi tên để trả lời, tắt micro sau khi phát biểu xong… Sang tuần học thứ hai, khi học sinh đã quen nền nếp, phụ huynh chỉ phải hỗ trợ con khởi động thiết bị để vào lớp học trực tuyến.
Cô Nguyệt cho biết: Điều này sẽ tránh được tình trạng phụ huynh vì sốt ruột trước mức độ tiếp thu kiến thức mới của con mà dễ nóng giận, cáu gắt, ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Nếu trong quá trình học, học sinh có biểu hiện mệt mỏi, uể oải hay mất tập trung, giáo viên sẽ trao đổi với phụ huynh sau. Bài giảng bằng PowerPoint đã gửi trước cho phụ huynh qua group nên bố mẹ có thể hỗ trợ thêm cho con trong quá trình tự học sau đó.
Chị Đinh Thị Nga (trú phường Thuận Phước, quận Hải Châu) chia sẻ: Tìm được không gian phù hợp cho con học trực tuyến trong điều kiện cả gia đình đều làm việc tại nhà trong những ngày giãn cách xã hội rất khó khăn. Với 2 bạn chuẩn bị lên lớp 7, tuy không vào lớp cùng con nhưng ba hoặc mẹ phải cùng theo dõi. Ở độ tuổi này, ý thức tự giác cũng như mức độ tập trung chưa cao nên có thể con không chép bài, không làm bài tập hoặc làm đối phó, thậm chí còn tra bài làm trên mấy app giải bài tập rồi chép lại hoặc trả lời cho thầy cô. Các con cũng có thể vừa học vừa lên mạng chơi game, xem phim, nghe nhạc nên phải có phụ huynh cùng giám sát.
Khi tình hình dịch bệnh ở Đà Nẵng trở nên phức tạp, anh Nguyễn Văn Xuân (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) đã nghĩ đến việc phải sắm thêm một điện thoại thông minh để phòng trường hợp đầu năm học 2021 - 2022 con học trực tuyến. “Bình thường chỉ cần một máy tính bảng là đủ. Nhưng nếu vào năm học, cả 2 con đều học trực tuyến sẽ thiếu thiết bị để học. Đứa lớn nhà tôi học lớp 11, bài vở cũng nhiều. Đứa nhỏ lên lớp 2, chương trình mới, không thể đợi anh học bài xong rồi đến lượt em”.
Thay đổi quan niệm để điều chỉnh thái độ
TS Nguyễn Thị Hằng Phương – giảng viên Khoa Tâm lý – Giáo dục, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng, cho rằng: Để tiến hành dạy học online, các trường học nên có một buổi họp với phụ huynh ở quy mô từng lớp học để thống nhất những việc cần làm. Khi phụ huynh đã thông sẽ biết cách hỗ trợ con trong quá trình giáo viên dạy trực tuyến, nhất là với những lớp đầu cấp học, ở bậc học mà các em còn quá nhỏ.
Những bất lợi của dạy – học trực tuyến thì ai cũng nói, cũng biết. Thế nhưng cần nhìn nhận, đây là một xu hướng của giáo dục thế giới và là lựa chọn an toàn cho cả người dạy và người học trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay.
Để đồng hành cùng con và hỗ trợ giáo viên trong quá trình con học trực tuyến, TS Hằng Phương nêu quan điểm: Trước hết, phụ huynh không nên so sánh với “ngày xưa”. Đừng nên so sánh chuyện học của ngày xưa và bây giờ, vì đây là một trải nghiệm mới hoàn toàn mà cả phụ huynh, học sinh và giáo viên đang tập làm quen để thích ứng.
Vì vậy, phụ huynh cần phải động viên để con thích ứng với hình thức học tập mới. Cũng có những phụ huynh theo được bài học của con nhưng có người không nắm được nội dung con đang học. Điều này cũng không quan trọng lắm. Nếu theo được bài, phụ huynh có thể hỗ trợ con một phần chứ đừng tham gia sâu quá.
Một lưu ý nữa khi con học online, theo TS Hằng Phương, phụ huynh đừng chú trọng đến điểm số, bình tĩnh trước mức độ tiếp nhận kiến thức của con. “Có nhiều phụ huynh khi tham gia học cùng con, thấy các bạn cái gì cũng biết, cô hỏi gì cũng xung phong phát biểu trong khi con mình chưa kịp đặt tính.
Tâm lý nôn nóng, sự so sánh của phụ huynh sẽ dễ dẫn đến những hành động có tác dụng xấu lên quá trình học của trẻ. Phải cài đặt chế độ tin tưởng rằng con sẽ hoàn thành các nhiệm vụ học tập dưới sự trợ giúp của thầy cô giáo. Một điều thuận lợi là so với việc dạy – học trực tuyến ở nhiều quốc gia, thực tế dạy học trực tuyến ở Việt Nam, giáo viên rất chăm lo cho HS và có những hỗ trợ phù hợp theo xu hướng dạy học cá thể hóa” – TS Hằng Phương gợi ý.