Công nghệ đồng hành cùng nhà giáo: Không dừng việc học

GD&TĐ - Trong điều kiện dịch bệnh, các thầy cô giáo đang nỗ lực, cố gắng để chuẩn bị điều kiện tốt nhất. Tinh thần “tạm dừng đến trường, không dừng học” tiếp tục được duy trì với kế hoạch bài bản, chu đáo hơn.

Cô Nguyễn Thị Vân dạy trực tuyến cho học sinh Trường Mầm non Newsun (Hà Nội).
Cô Nguyễn Thị Vân dạy trực tuyến cho học sinh Trường Mầm non Newsun (Hà Nội).

Giáo viên, nhà trường chủ động

Dạy học trực tuyến là phương án quan trọng giúp việc học được tiếp tục khi học sinh không thể đến trường vì dịch bệnh. Cô Trần Thị Thảo, Tổ trưởng chuyên môn, giáo viên Ngữ văn Trường THCS-THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội), chia sẻ: Việc chuyển dịch học trực tiếp sang trực tuyến đã đặt ra yêu cầu giáo viên chuyển đổi hình thức tổ chức dạy học để phù hợp với điều kiện mới. Hơn thế, năm học 2021 - 2022 thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 6. Giáo viên cùng lúc vừa chuyển dịch hình thức dạy học, vừa tham gia tập huấn, nghiên cứu Chương trình, sách giáo khoa mới, làm chủ kiến thức và xây dựng kế hoạch dạy học cho học sinh khối 6.

Kịp thời đáp ứng yêu cầu dạy và học trong tình hình mới, cô Thảo và đồng nghiệp được tham gia nhiều buổi tập huấn, đào tạo về việc sử dụng các phần mềm, ứng dụng dạy học như Ms Teams, Zoom, Google Meet… Nhưng để có thể sử dụng thành thạo, linh hoạt các ứng dụng trong các giờ dạy, thầy cô còn chủ động tự tìm hiểu qua Internet, chia sẻ cùng đồng nghiệp và hỗ trợ lẫn nhau khi gặp các vấn đề về công nghệ. Hệ thống bài giảng truyền thống chuyển hoàn toàn sang điện tử, kết hợp các tiện ích tương tác trên Padlet, Quizizz, Kahoot, Google forms… tạo hứng thú cho học sinh.

Năm học 2021 - 2022, Trường THPT Tân Lạc, Hòa Bình có 729 học sinh. Đóng ở  khu vực miền núi, điều kiện khó khăn, nhưng nhà trường quyết tâm xây dựng nhiều phương án để bảo đảm 100% học sinh có cơ hội học tập trong trường hợp phải tạm dừng đến trường vì dịch bệnh.

Trước khi dạy học, cô giáo gửi trước video của bài học và phối hợp với phụ huynh chuẩn bị trước tâm thế học tập cho trẻ. Khi trẻ có được sự hứng khởi thì buổi học sẽ thành công và các con cũng luôn vui vẻ, hạnh phúc hơn sau mỗi tiết học.

Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thu Hiền cho biết: Nhà trường đã xây dựng kế hoạch dạy học trong đó thể hiện phương án khi an toàn và có dịch. Triển khai học trực tuyến, với học sinh có đủ phương tiện sẽ thực hiện dạy qua phần mềm Zoom. Học sinh có phương tiện nhưng không được sử dụng thường xuyên do hoàn cảnh gia đình, giáo viên sẽ quay video bài giảng có kèm câu hỏi kiểm tra đánh giá gửi cho học sinh qua email, Facebook, Zalo. Trường hợp học sinh không có phương tiện học online, thầy cô giới thiệu kênh truyền hình cho trò tự học, đồng thời tổ chức dạy bù khi trở lại trường.

“Cùng với đó, nhà trường đẩy mạnh công tác bồi dưỡng nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giảng dạy; tăng cường cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy học trực tuyến như mua phần mềm, nâng cấp máy tính... Đồng thời, đổi mới công tác quản lý trong điều kiện mới. Trường THPT Tân Lạc đã mua phần mềm cho giáo viên và cử đội hỗ trợ cho những giáo viên chưa thạo CNTT. Thầy cô rất nhiệt tình trong hoạt động này.

Cô giáo dạy Địa lý Nguyễn Thị Nguyệt chủ động đón đầu công nghệ, hướng dẫn giáo viên trong trường kỹ thuật tạo bài kiểm tra qua Google form. Việc này kiểm soát được mức độ tiếp nhận kiến thức của học sinh sau mỗi bài giảng. Ngoài ra, cô còn hướng dẫn giáo viên tạo video bài giảng gửi cho học sinh. Giáo viên trong trường hầu hết trẻ nên việc tiếp cận công nghệ rất chủ động, cùng với tinh thần hỗ trợ nhau nên khá an tâm” - cô Nguyễn Thu Hiền cho hay.

Với trẻ mầm non, việc dạy học trực tuyến còn nhiều khó khăn và hạn chế. Tuy nhiên, trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, cô Nguyễn Thị Vân, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Newsun (Hoài Đức, Hà Nội) cho rằng: Dạy học trực tuyến là giải pháp quan trọng để học sinh tạm dừng đến trường, không dừng học. Nhà trường đã chủ động xây dựng các phương án, ứng dụng giải pháp công nghệ, đổi mới về chương trình, phương pháp giảng dạy và phối hợp với phụ huynh để duy trì hoạt động giáo dục trong năm học mới.

Nhà trường và giáo viên chia sẻ, động viên phụ huynh khắc phục khó khăn, tạo điều kiện về công nghệ và dành thời gian vào buổi tối để hỗ trợ các con học tập, tương tác cùng với giáo viên. Nội dung dạy học cũng phải được xây dựng sáng tạo, vừa bảo đảm kiến thức cơ bản theo từng độ tuổi, vừa phải phù hợp và tạo được hứng thú cho trẻ. Phương pháp và công nghệ dạy trực tuyến cũng phải đa dạng, tạo được sự tương tác để các em thích thú học hơn. Trước khi dạy học, cô giáo gửi trước video của bài học và phối hợp với phụ huynh chuẩn bị trước tâm thế học tập cho trẻ. Khi trẻ có được sự hứng khởi thì buổi học sẽ thành công và các con cũng luôn vui vẻ, hạnh phúc hơn sau mỗi tiết học.

Cô Hà Thị Loan, GV Trường THPT Lục Nam, Bắc Giang dạy học trực tuyến.
Cô Hà Thị Loan, GV Trường THPT Lục Nam, Bắc Giang dạy học trực tuyến.

Sẵn sàng kịch bản

Để chủ động, linh hoạt trong việc thực hiện chương trình, kế hoạch dạy học, Sở GD&ĐT Cà Mau đã xây dựng phương án tổ chức dạy và học năm học 2021 - 2022. Cho biết thông tin này, TS Lê Hoàng Dự, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau, chia sẻ: Trong điều kiện bình thường, Cà Mau sẽ thực hiện 100% dạy và học trực tiếp trên lớp. Khuyến khích tổ chức dạy và học trực tuyến nội dung ngoài chương trình chính khóa nhằm bổ trợ, phụ đạo học sinh yếu; nâng cao kiến thức cho học sinh trung bình, khá; bồi dưỡng học sinh giỏi.

Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, có ca lây nhiễm trong cộng đồng, nhưng vẫn có thể cho phép học sinh đến trường học, sẽ tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến. Với dạy học trực tiếp, tổ chức dạy chéo buổi, giãn cách học sinh, chia nhỏ quy mô, số lượng phù hợp với từng cấp học, khối lớp và cơ sở vật chất hiện có của nhà trường. Cấp tiểu học thực hiện dạy và học trực tiếp trên lớp. Cấp THCS và THPT thực hiện tối thiểu 30% dạy và học trực tuyến, còn lại tổ chức dạy và học trực tiếp trên lớp. Nội dung dạy và học trực tuyến: Biên soạn bài dạy/chuyên đề nhằm giúp học sinh ôn luyện và củng cố kiến thức đã học; đồng thời, biên soạn bài dạy/chuyên đề tích hợp với nội dung bài mới theo chương trình môn học.

Khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thực hiện giãn cách xã hội, học sinh phải nghỉ học một thời gian nhất định, sở GD&ĐT đưa ra 2 phương án.

“Kế hoạch này chỉ áp dụng tại cơ sở giáo dục phổ thông công lập, với giáo dục ngoài công lập, Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh và Trung tâm Giáo dục thường xuyên, tỉnh giao giám đốc sở GD&ĐT hướng dẫn phù hợp với các quy định hiện hành” - TS Lê Hoàng Dự cho biết.

Học sinh Trường Mầm non Newsun học trực tuyến.
Học sinh Trường Mầm non Newsun học trực tuyến.

Linh hoạt trong thu nhận học sinh, tổ chức lớp học

Tại Cần Thơ, TS Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Sở đã xây dựng kịch bản tổ chức dạy học của năm học mới gồm 5 phương án.

Trong mỗi phương án, có hướng dẫn chi tiết thực hiện các nội dung: Hình thức tổ chức dạy học (trực tiếp, trực tuyến hoặc kết hợp trực tiếp, trực tuyến); biện pháp thực hiện; nội dung dạy học; kiểm tra, đánh giá (thường xuyên, định kỳ). Bên cạnh đó, để thực hiện hiệu quả từng phương án, sở GD&ĐT hướng dẫn các đơn vị rà soát, chuẩn bị các điều kiện bảo đảm thực hiện, trong đó trọng tâm là các vấn đề: Cách thức tổ chức và quản lý lớp học; yêu cầu về quản lý, điều hành; công tác nhân sự; điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, phần mềm.

Theo TS Nguyễn Phúc Tăng, mỗi nhà trường xây dựng trường học trên không gian mạng (trường học ảo), tổ chức các lớp học ảo theo biên chế lớp thực tế. Xây dựng toàn bộ cơ cấu tổ chức, thành phần để thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường trên trường học ảo.

Cụ thể: Tổ chức biên chế lớp học theo mã định danh của học sinh, cấp tài khoản học tập cho từng học sinh. Mỗi lớp phân chia thành nhiều tổ/nhóm để quản lý. Những học sinh trong cùng một tổ/nhóm có cùng một số đặc trưng chung, ưu tiên gần nhà, có điều kiện để hỗ trợ lẫn nhau. Học sinh trường này có thể tham gia học chung với trường khác gần hoặc chung địa bàn cư trú. Mỗi trường phân công ít nhất một viên chức phụ trách CNTT để tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên sử dụng các ứng dụng, phần mềm dạy học, kiểm tra đánh giá trực tuyến.

Giáo viên tích cực tham gia và chịu trách nhiệm quản lý lớp học được phân công phụ trách (theo môn học hoặc chủ nhiệm), bảo đảm chất lượng và hiệu quả giáo dục, phối hợp với giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm và các đoàn thể khác trong nhà trường để quản lý học sinh. Tích cực tham gia học tập và sử dụng thành thạo ứng dụng, phần mềm dạy học của trường quy định; trang bị các thiết bị dạy học (máy tính, iPad…) phục vụ công tác giảng dạy và xem đây là phương tiện/công cụ hành nghề không thể thiếu của giáo viên…

Đối với Chương trình, SGK lớp 6, ngoài tài liệu được hướng dẫn, các nội dung tập huấn, chúng tôi chủ động tìm kiếm, tham gia các khóa đào tạo, buổi hội thảo và chia sẻ của thầy cô uy tín từ trường đại học sư phạm. Qua đó, chúng tôi hiểu sâu hơn về chương trình, nghiên cứu và làm việc với sách giáo khoa mới trở nên dễ dàng hơn; xây dựng được hệ thống giáo án, tài liệu dạy học phù hợp với mục tiêu chương trình và tình hình thực tế của nhà trường. Chúng tôi nhận ra rằng, trong hoàn cảnh hiện tại, các thầy cô cần tự đổi mới chính mình để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành nghề, xã hội và thực tế cuộc sống. - Cô Trần Thị Thảo

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều hòn đảo xa xỉ ở Tây Ban Nha thu hút người giàu có và nổi tiếng.

3 hòn đảo đỉnh cao xa hoa ở Tây Ban Nha

GD&TĐ -Nhiều hòn đảo tư nhân của Tây Ban Nha, một số thuộc sở hữu của các nhà tài phiệt Nga, được những người giàu có và nổi tiếng lui tới.

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.