Công nghệ cao không gắn liền với nhà kính

GD&TĐ -Thủ phủ rau, hoa của cả nước nhờ công nghệ nhà kính, nhưng Đà Lạt đang phải trả giá bởi những tác hại khủng khiếp đến môi trường.

Nhà kính phủ trắng Đà Lạt đang gây tác hại rất lớn đến môi trường.
Nhà kính phủ trắng Đà Lạt đang gây tác hại rất lớn đến môi trường.

Nhà kính đang làm biến dạng Đà Lạt

Cơn mưa lớn chiều 1/9 đã khiến Đà Lạt xuất hiện nhiều điểm ngập. Điểm ngập gây chú ý nhất là đường Phan Đình Phùng (đoạn suối Cam Ly đi ngang qua, phường 2, Đà Lạt). Nước từ suối tràn lên khiến một đoạn đường khoảng 100 mét ngập nặng.

Đây là điểm ngập mới xuất hiện. Ngoài khu vực trên, nhiều nơi khác tại thành phố Đà Lạt cũng bị ngập, như: Đường Cách Mạng Tháng Tám, Trạng Trình, Trương Văn Hoàn, Ngô Văn Sở, Tô Ngọc Vân...

Nguyên nhân của ngập lụt, đương nhiên là do mưa lớn. Nhưng tình trạng ngập ở nơi phố núi Đà Lạt là hi hữu. Theo giới khoa học, Đà Lạt đang phải trả giá cho việc phát triển nhà kính quá mức, khiến mưa xuống không có chỗ thấm, gây ngập lụt, tăng hiệu ứng nhà kính.

Canh tác bằng nhà kính khá phổ biến ở Đà Lạt. Theo các số liệu mới nhất từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng, tổng diện tích sản xuất rau hoa của Đà Lạt khoảng 18.000 ha nhưng có khoảng 10.000 ha nhà kính. Diện tích nhà lưới nhà kính chủ yếu nằm ở những vùng nông nghiệp lớn dọc suối Cam Ly như Thái Phiên, Chi Lăng, Mê Linh.

Điều đáng nói, những vùng đất có nhà kính hệ số thấm nước bằng 0. Có nghĩa mưa đổ xuống thì rơi trên những tấm nilon và đổ ào ào ra suối trong thời gian ngắn khiến nước dâng cao đột ngột tạo lũ. Do vậy dù mưa không to vẫn gây ngập.

Theo TS Lâm Ngọc Tuấn, nguyên Trưởng khoa Môi trường, Đại học Đà Lạt, cho biết, phát triển nhà kính quá mức khiến kết cấu vùng đồi núi bị phá vỡ, dòng chảy, cách thẩm thấu nước đều bị thay đổi theo hướng tiêu cực và hậu quả gánh chịu không chỉ ở nơi có rừng, có nhà kính, mà còn cả ở những nơi cách đó hàng chục, hàng trăm cây số.

Hệ quả không chỉ có lũ. Nước không thấm vào đất khiến suy kiệt nước ngầm ở những vùng đất có nhà kính. Chất lượng đất nông nghiệp cũng sẽ suy giảm rất nhanh.

Đừng đánh đồng công nghệ cao với nhà kính

TS Vũ Ngọc Long, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, cho hay, những cảnh báo của ông và nhiều nhà khoa học được đưa ra từ khi Đà Lạt chỉ mới khoảng 1.000 ha, đến nay nơi này đã có khoảng 5.000 ha nhà kính (chưa kể diện tích nhà kính xây dựng không báo cáo, lấn rừng).

Huyện Lạc Dương cao hơn Đà Lạt, được mệnh danh là “máy lạnh” của Đà Lạt, cũng đang có xu hướng nối gót khi đã xuất hiện khoảng 1.000 ha nhà kính. Vùng nhà kính gần như bao trọn chân núi thiêng Lang Biang.

“Lũ lụt là chuyện rất nhỏ nhưng dễ thấy, còn những nguy cơ tiềm tàng khác lớn hơn nhiều, đã xảy ra nhưng chúng ta không thấy”, TS Long nhận định.

Nhà kính trong nông nghiệp sẽ có ba tác động ảnh hưởng gây hại chính cho môi trường: Làm tăng nhiệt độ môi trường xung quanh, làm ảnh hưởng đến chất lượng đất và gây ô nhiễm nguồn nước. Đó là lý do Đà Lạt nóng dần lên, nhiệt độ nhích dần theo năm tháng. Nóng vì nhà kính xây dựng san sát nhau thành những thung lũng nhà kính, không còn khoảng trống cho sự bay hơi và thoát nhiệt.

Khi nhiệt độ môi trường bên ngoài nóng lên người ta phải làm mát bên trong. Hàng chục ngàn ha nhà kính có yêu cầu làm mát thì lúc đó hơi nóng từ trong nhà kính sẽ lan tỏa ra xung quanh, theo những hành lang thung lũng bao trùm lên Đà Lạt, hâm nóng bầu khí quyển. Và như thế nhiệt độ khu vực trung tâm và vùng lân cận Đà Lạt, nơi nhiều nhà kính sẽ tăng lên.

TS Vũ Ngọc Long cảnh báo Đà Lạt đang bị ô nhiễm nguồn nước, đất bị thoái hóa, bệnh dịch phát triển. Nguyên nhân chính xuất phát từ việc lạm dụng nhà kính và lối canh tác chuyên canh. Để khắc phục, nông dân buộc phải sử dụng thuốc hóa học. Vùng nông nghiệp Đà Lạt lâm vào vòng luẩn quẩn, hậu quả càng lúc càng nặng.

Chuyên gia cho rằng, khái niệm công nghệ cao đã bị đánh đồng với nhà kính và những công nghệ đi kèm nhà kính (vật liệu mới) trong khi công nghệ cao còn những yếu tố như giống, công nghệ sinh học, ứng dụng công nghệ tự động...

Ở Tây Bắc, ruộng bậc thang của người Mông đã được công nhận là di sản văn hóa và được gìn giữ tạo nên sự đặc sản trong sản phẩm du lịch nơi đây. Ruộng bậc thang rau hoa của Đà Lạt cũng xứng đáng như thế, tiếc thay nó đã bị phủ nhà kính trước khi được thế giới công nhận.

Ngay lập tức xóa bỏ nhà kính là bất khả thi. Do vậy cần xây dựng lộ trình hạn chế phát triển nhà kính, tăng cường canh tác tự nhiên, phát triển công nghệ sinh học, cây giống... và triển khai dần để người dân làm quen.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.