Bồi dưỡng giáo viên dạy lớp 3-7-10: Luôn trong tâm thế chủ động

GD&TĐ - Năm 2022, ngành Giáo dục các địa phương đẩy mạnh bồi dưỡng giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới lớp 3, lớp 7 và lớp 10.

Chương trình GDPT mới triển khai ở lớp 3, lớp 7 và lớp 10 năm học 2022 - 2023, rất cần sự chủ động của nhà trường, giáo viên.
Chương trình GDPT mới triển khai ở lớp 3, lớp 7 và lớp 10 năm học 2022 - 2023, rất cần sự chủ động của nhà trường, giáo viên.

Sự chủ động của mỗi nhà trường, giáo viên luôn được chú trọng để bảo đảm tiến độ.

Không để bị động

Ngoài các đợt tập huấn của trường đại học sư phạm, nhiều giáo viên cũng chú trọng tự bồi dưỡng để nâng cao kỹ năng sư phạm, đáp ứng yêu cầu đặt ra của chương trình mới. Bên cạnh đó, ngành Giáo dục địa phương chủ động lên kế hoạch để bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên đảm bảo tiến độ, không để ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Theo ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, năm 2021  thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, các hoạt động bồi dưỡng giáo viên không triển khai đúng kế hoạch đề ra. Ngành chỉ thực hiện được đào tạo trực tuyến các mô-đun do Bộ GD&ĐT triển khai trên hệ thống LMS. Đối với công tác tổ chức triển khai bồi dưỡng đại trà, sở tổ chức cho các cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán thành phố hỗ trợ đồng nghiệp trên hệ thống LMS.

Ưu tiên phân công giáo viên công tác ở quận, huyện nào sẽ hỗ trợ đồng nghiệp bồi dưỡng đại trà ở địa phương đó. Đối với các môn có ít giáo viên cốt cán thì phân công giáo viên hỗ trợ thêm các quận, huyện khác. Năm 2021, thành phố đã tổ chức bồi dưỡng đại trà cho giáo viên hoàn thành Mô-đun 4. Đối với Mô-đun 5 và 9 do Bộ tổ chức bồi dưỡng trong tháng 12/2021 nên chưa triển khai bồi dưỡng đại trà trong năm 2021.

Theo ông Nguyễn Phúc Tăng, năm 2022, ngành Giáo dục thành phố sẽ tập trung bồi dưỡng, cử cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán tham gia bồi dưỡng theo kế hoạch của Bộ. Tiếp tục triển khai bồi dưỡng đại trà cho giáo viên các mô-đun 5 và 9. Rà soát và bồi dưỡng giáo viên chưa tham gia bồi dưỡng sẽ bồi dưỡng từ mô-đun 1 - 9.

Đối với công tác bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình mới, phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức bồi dưỡng sử dụng sách giáo khoa cho giáo viên dạy lớp 3, 7, 10; Bồi dưỡng 75 giáo viên dạy môn Tin học và Công nghệ cấp tiểu học (bắt đầu từ lớp 3); Bồi dưỡng giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên cho giáo viên THCS (3 lớp/225 giáo viên); Bồi dưỡng giáo viên dạy môn Lịch sử và Địa lý cho giáo viên THCS (2 lớp/150 giáo viên).

Trao đổi công tác bồi dưỡng giáo viên năm 2022, bà Nguyễn Kiều Phương, Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Thủy (TP Cần Thơ), cho biết: Địa phương tiếp tục thực hiện theo kế hoạch của sở GD&ĐT, đặc biệt là kế hoạch bồi dưỡng giáo viên giai đoạn 2020 - 2025. Trong đó, với cán bộ quản lý, giáo viên dạy lớp 3, lớp 7 và lớp 10, quận cử 100 người tham gia đầy đủ các đợt tập huấn. Theo bà Phương, quận đã chỉ đạo các trường học trên địa bàn tổ chức rà soát, thống kê danh sách cán bộ, giáo viên tham gia giảng dạy lớp 3 và lớp 7 theo chương trình mới để gửi về phòng và đã tổng hợp báo cáo về sở GD&ĐT.

Giáo viên tỉnh Tiền Giang tham gia bồi dưỡng trực tuyến.
Giáo viên tỉnh Tiền Giang tham gia bồi dưỡng trực tuyến.

Tâm thế sẵn sàng, không lúng túng

Theo cô Nguyễn Thị Lệ, Khối trưởng Khối 3, Trường Tiểu học Ngô Quyền, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ), nhà trường và mỗi cán bộ, giáo viên chuẩn bị tốt nhất các điều kiện để triển khai chương trình mới với lớp 3. Việc cán bộ quản lý, giáo viên nghiên cứu kỹ để nắm thật chắc, hiểu thật sâu về chương trình và rõ được những khác biệt của chương trình mới với chương trình hiện hành là vô cùng quan trọng để thầy cô luôn trong tâm thế sẵn sàng, không lúng túng, bị động. Trong triển khai chương trình mới, chú trọng đến dạy học môn Khoa học tự nhiên; nội dung giáo dục địa phương; tăng cường bồi dưỡng giáo viên; chuẩn bị đội ngũ giáo viên Ngoại ngữ, Tin học…

Tại tỉnh Đồng Tháp, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thông tin, đã chỉ đạo sở GD&ĐT, UBND huyện, thành phố chọn lựa nhà giáo, cán bộ quản lý đạt trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục 2019, còn đủ năm công tác ít nhất 1 chu kỳ thay sách tham gia thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Triển khai nghiêm túc việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp, năm 2022 sẽ tổ chức bồi dưỡng đại trà cho cán bộ quản lý, giáo viên các mô-đun tiếp theo theo kế hoạch của Bộ. Tổ chức hội thảo giới thiệu sách và tập huấn sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10 sau khi được UBND tỉnh phê duyệt danh mục, đảm bảo 100% cán bộ quản lý, giáo viên được tập huấn, bồi dưỡng và hoàn thành chương trình bồi dưỡng theo hướng dẫn của Bộ khi bắt đầu triển khai chương trình mới.

100% cán bộ quản lý, giáo viên tham gia bồi dưỡng đạt kết quả hoàn thành. Cán bộ quản lý, giáo viên phổ thông tham gia khóa bồi dưỡng với tinh thần tích cực, chủ động nghiên cứu, trao đổi với đồng nghiệp về các nội dung còn vướng mắc trong quá trình bồi dưỡng. Tất cả cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán tích cực hỗ trợ đồng nghiệp trong hoạt động bồi dưỡng.

Sở GD&ĐT Sóc Trăng cũng khẩn trương triển khai kế hoạch bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên năm 2022. Theo đó, năm học 2022 - 2023 cấp tiểu học (lớp 3), cán bộ quản lý cần bồi dưỡng là 5.113 người, giáo viên cần bồi dưỡng là 1.350 người; nhân viên cần bồi dưỡng là 214 người. Cấp THCS (lớp 7), giáo viên cần bồi dưỡng là 1.137 người, nhân viên cần bồi dưỡng là 111 người. THPT (lớp 10), cán bộ quản lý cần bồi dưỡng là 114 người, số giáo viên cần bồi dưỡng là 701 người, nhân viên cần bồi dưỡng là 37 người.

Các cơ sở giáo dục xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch truyền thông cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh nâng cao nhận thức về mục tiêu, yêu cầu, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình và điều kiện thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa; phân biệt rõ đổi mới chương trình, sách giáo khoa lần này và các lần trước đó; biểu dương kịp thời gương người tốt, việc tốt trong hoạt động đổi mới chương trình, sách giáo khoa...

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 là nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, trong đó điểm cốt lõi là phương pháp dạy và học. Tiếp tục bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên giảng dạy Chương trình GDPT 2018. Ngoài bồi dưỡng, tập huấn về nội dung, chương trình sách giáo khoa, ngành còn quan tâm đến việc bồi dưỡng phương pháp dạy học, trong đó có phương pháp dạy học trực tuyến nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới và diễn biến dịch bệnh. - Ông Phạm Hoàng Gan, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ