Từ thực tế quản lý chuyên môn nặng về hành chính…
Tại các Sở GD&ĐT, phòng Giáo dục Trung học có chức năng chủ yếu là quản lí hoạt động chuyên môn tại các trường THCS, THPT với đội ngũ gồm các chuyên viên phụ trách bộ môn cùng một số giáo viên cốt cán tại các trường THCS, THPT trong tỉnh. Tuy nhiên, theo thầy Nguyễn Quốc Túy, việc quản lí chuyên môn nặng về sự vụ hành chính như hiện nay tại các phòng Giáo dục Trung học bộc lộ không ít bất cập.
Đơn cử, việc cung cấp và thu nhận thông tin từ các giáo viên bộ môn tại các trường, các tổ chuyên môn còn chậm, thiếu tính kịp thời, thiếu đồng bộ giữa các đơn vị. Các ý kiến chỉ đạo quản lí chủ yếu thực hiện bằng đường công văn (điện tử hoặc văn bản giấy), dẫn đến đôi khi bị chậm trễ hoặc thất lạc do lỗi của hệ thống. Điều này ảnh hưởng đến việc xử lí một số tình huống cần sự nhanh chóng, kịp thời.
Hệ thống các tài liệu, văn bản chuyên môn chưa được tập hợp một cách có hệ thống. Hiện nay hệ thống tài liệu phục vụ hoạt động chuyên môn của giáo viên có rất nhiều trên mạng internet hoặc do cơ quan chủ quản cung cấp. Tuy nhiên, phần lớn chúng phân tán rải rác ở nhiều địa chỉ, nhiều trang mạng, việc tìm tòi, sưu tầm phân loại các tài liệu này khá vất vả, tốn thời gian. Chưa kể, chia sẻ tài liệu còn khó khăn do hệ thống internet, địa chỉ email chưa được ổn định và đồng bộ.
Còn phải nói đến việc gắn kết giáo viên cùng bộ môn trong một tỉnh là khó khăn do nhiều giáo viên THCS, THPT ở rải rác nhiều địa bàn khác nhau ít có cơ hội gặp gỡ, thảo luận, trao đổi chuyên môn hoặc nắm bắt thông tin của nhau.
“Hằng năm, Sở GD&ĐT Lâm Đồng có tập trung tập huấn giáo viên. Tuy nhiên, những lần tập huấn như vậy là không nhiều và chỉ một bộ phận giáo viên cốt cán được tham gia. Trong khi các giáo viên trẻ, những người rất cần cơ hội trau dồi chuyên môn thì ít được tham gia. Ngoài ra các giáo viên cùng bộ môn cũng ít có cơ hội quan tâm lẫn nhau, chia sẻ với nhau về mặt tình cảm, tinh thần…
Các biện pháp quản lí hành chính thông thường chỉ được triển khai trực tiếp đến cán bộ quản lí, giáo viên mà chưa tương tác trực tiếp được với học sinh, phụ huynh và các lực lượng liên quan đến giáo dục khác” - thầy Nguyễn Quốc Túy chia sẻ thêm.
Trường THCS Hiệp Thạnh - Đức Trọng phát quà và phần thưởng của Diễn đàn Vật Lý giáo dục Lâm Đồng cho các học sinh giỏi Vật lí của trường năm học 2015-2016 |
… đến cộng đồng giáo viên Vật lý gắn kết như gia đình
Với vai trò là chuyên viên phụ trách bộ môn Vật lí, trong một đợt tập huấn hè 2010 cho các giáo viên cốt cán THCS, THPT, thầy Nguyễn Quốc Túy đã đưa ý tưởng thành lập một trang web của bộ môn Vật lí Lâm Đồng với mục đích quản lí, hỗ trợ chuyên môn cho các giáo viên.
Ý tưởng này được phần lớn các giáo viên ủng hộ và đóng góp nhiều ý kiến giá trị, nhiều giải pháp thiết thực cho việc ra đời trang web.
Được sự hỗ trợ, động viên từ giáo viên, thầy Nguyễn Quốc Túy đã thành lập được một tổ “lâm thời” các giáo viên cốt cán THCS, THPT có kinh nghiệm, nhiệt tình và có “tay nghề” về tin học để chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho sự ra đời của trang web vật lí Lâm Đồng như kinh phí, thuê host, mua tên miền, thiết kế trang web…
Khai giảng năm học mới 2010 - 2011, trang web Vật lí giáo dục Lâm Đồng dưới hình thức một diễn đàn chính thức đi vào hoạt động với địa chỉ vatlylamdong.com.
Các tổ chuyên môn Vật lí THCS, THPT đều được thông báo về sự ra đời của trang diễn đàn và phương cách tham gia vào thành viên diễn đàn cùng những quy định về hoạt động của diễn đàn.
Dưới sự điều hành của chuyên viên bô môn, các bộ phận chính quản lí hoạt động của diễn đàn được thành lập gồm các giáo viên cốt cán nhiệt tình, giàu kinh nghiệm. Ngoài ra một số giáo viên cốt cán được phân công đầu mối phụ trách các chuyên mục, xây dựng kế hoạch hoạt động chuyên mục cho từng năm học đồng thời tổng kết hoạt động vào cuối năm học hay tại Hội nghị diễn đàn.
Chia sẻ về quản lí hoạt động chuyên môn trên diễn đàn, thầy Nguyễn Quốc Túy cho biết: Ngoài cập nhật thông tin, sự kiện giáo dục, các văn bản chỉ đạo, diễn đàn cung cấp rất nhiều tài nguyên vật lí và các tài nguyên dạy học khác như giáo án, đề thi tham khảo, các sáng kiến, giải pháp; tài liệu tập huấn bồi dưỡng; phần mềm tiện ích, bài giảng e-learning, ebook…
Bên cạnh đó, trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, giải đáp thắc mắc là một nội dung sinh hoạt quan trọng của diễn đàn với những vấn đề chuyên môn phong phú, từ giảng dạy, thi cử; từ kinh nghiệm về đổi mới phương pháp giảng dạy đến những vấn đề vật lí... Tại đây, học sinh cũng có thể nêu các thắc mắc, các bài toán khó nhờ các thầy cô giải đáp.
Đặc biệt, những hoạt động offline của diễn đàn được diễn ra thường xuyên, nhiều ý nghĩa. Như Hội nghị Diễn đàn được tổ chức mỗi năm một lần luân phiên do tổ Vật lí ở các huyện đăng cai, là dịp để giáo viên Vật lí trong tỉnh gặp gỡ, giao lưu, trao đổi chuyên môn cũng như thăm hỏi, động viên nhau trong cuộc sống; phát thưởng cho học sinh giỏi Vật lí tỉnh; tất cả các giáo viên Vật lí ốm đau, khó khăn, các giáo viên nghỉ hưu đều được diễn đàn quan tâm động viên…
Thầy Nguyễn Quốc Túy cho biết, qua 7 năm hoạt động, Diễn đàn Vật lý giáo dục Lâm Đồng đã đạt được những kết quả khả quan, vượt khỏi những hình dung ban đầu của những người sáng lập.
Theo đó, hàng nghìn thông tin trong nước, trong tỉnh và trên thế giới có liên quan đến giáo dục, vật lí; hàng trăm văn bản chỉ đạo chuyên môn, nghiệp vụ; hàng trăm bài chia sẻ chuyên môn… đã được chia sẻ trên diễn đàn. Chuyên mục “Kỳ thi THPT quốc gia” đóng góp đắc lực cho giáo viên dạy khối lớp 12 trong trao đổi, chia sẻ tài liệu ôn tập thi THPT quốc gia cho học sinh.
Quan trọng hơn là sự tập trung và gắn kết các thành viên quan tâm đến giáo dục nói chung và giảng dạy Vật lí nói riêng không chỉ trong phạm vi tỉnh Lâm Đồng. Đặc biệt là mối liên hệ chặt chẽ, kịp thời giữa cán bộ phụ trách bộ môn của Sở GD&ĐT với các tổ Vật lí, các giáo viên bộ môn trong tỉnh.
“Những chia sẻ trên diễn đàn còn giúp các giáo viên xích lại gần nhau hơn, tạo ra một cộng đồng giáo viên vật lý Lâm Đồng luôn có sự thống nhất, quan tâm giúp đỡ lẫn nhau trong cả chuyên môn và cuộc sống.
Việc tương tác giữa giáo viên và học sinh trên diễn đàn cũng khá sôi nổi, hiệu quả. Nhiều học sinh trong, ngoài tỉnh đã mạnh dạn nêu vấn đề, bài tập khó và được các thầy cô giải đáp tận tình.
Nhiều giáo viên, nhất là giáo viên mới vào nghề tìm được chỗ dựa chuyên môn đáng tin cậy trên diễn đàn, từ đó họ trang bị được cho mình thêm được những kiến thức cần thiết để tự tin đứng trên bục giảng” - thầy Nguyễn Quốc Túy chia sẻ.