Cộng điểm không tạo cú hích cho việc hướng nghiệp, phân luồng

GD&TĐ - Không quy định về cộng điểm học nghề trong xét tốt nghiệp THPT thu hút sự quan tâm trong xã hội.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đang được Bộ GD&ĐT lấy ý kiến có điểm mới đáng chú ý, đó là không còn quy định về cộng điểm học nghề trong xét tốt nghiệp THPT.

Một số ý kiến cho rằng, quy định mới này sẽ đi ngược với việc khuyến khích phân luồng, giáo dục nghề nghiệp; có nguy cơ làm giảm đi số lượng học sinh đăng ký học nghề, từ đó công tác phân luồng, giáo dục nghề nghiệp sẽ gặp khó khăn.

Không phủ nhận, ban đầu khi xây dựng chính sách sử dụng kết quả thi nghề để cộng điểm khuyến khích trong xét tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT hướng tới việc khuyến khích học sinh học nghề phổ thông, góp phần thực hiện tốt chủ trương giáo dục hướng nghiệp và phân luồng.

Thế nhưng quá trình triển khai cho thấy điểm cộng không tạo cú hích cho việc hướng nghiệp, phân luồng. Mục đích của học sinh, thậm chí cả nhà trường đối với việc cộng điểm học nghề trên thực tế đã chệch hướng so với mục tiêu mà Bộ GD&ĐT kỳ vọng.

Thời gian qua, học sinh học nghề phổ thông rất hiếm hướng đến mục tiêu phân luồng, hướng nghiệp, mà chủ yếu để được cộng điểm khi xét tốt nghiệp; tốt nghiệp rồi số đông thẳng đường lên đại học.

Cô Trương Thị Thủy - giáo viên Trung tâm Giáo dục kỹ thuật tổng hợp số 5 (Hà Nội), từng chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố “Dạy học nghề phổ thông theo tiếp cận sư phạm tương tác ở các trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp trên địa bàn TP Hà Nội”, cho biết để tìm hiểu về thực trạng dạy nghề phổ thông, nhóm đã thực hiện điều tra gần 700 giáo viên và học sinh tại 6 trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp ở Hà Nội. Qua khảo sát, có đến 83,9% học sinh cho rằng học nghề để được cộng điểm trong các kỳ thi tốt nghiệp.

Học sinh học nghề để được cộng điểm, nên nhà trường cũng tổ chức dạy nghề sao cho học sinh… dễ lấy điểm. Quy định của Bộ GD&ĐT có tới hơn chục loại nghề khác nhau để học sinh lựa chọn phù hợp với năng lực, sở thích, nhưng do điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ, nhu cầu của học sinh, các trường phổ thông thường giới hạn về số lượng nghề và… chọn giùm nghề cho các em.

Học sinh dù giỏi, khá hay trung bình; thích hay không thích, nam hay nữ, đều phải học một số nghề mà trường có. Điều này đi ngược với nguyên tắc học sinh được chọn lựa học nghề theo định hướng nghề nghiệp.

Những bất cập trong việc tổ chức giáo dục nghề, phân luồng hướng nghiệp ở trường phổ thông cho thấy đổi mới, nâng chất hoạt động này chính là tiền đề căn bản để làm nên hiệu quả, chứ không phải trông đợi phép màu từ điểm cộng học nghề.

Hiện, toàn bộ học sinh cấp THPT đã theo học Chương trình GDPT 2018 và theo tổ hợp môn định hướng nghề nghiệp. Trong chương trình mới, nội dung giáo dục hướng nghiệp được thực hiện thông qua tất cả môn học và hoạt động giáo dục, được kỳ vọng tạo bước chuyển về chất trong công tác hướng nghiệp, phân luồng.

Song song với việc thực hiện tốt Chương trình GDPT 2018, cần đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức trong toàn xã hội về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, phát triển đội ngũ tư vấn, hoàn thiện cơ chế, chính sách hậu phân luồng.

Làm tốt những điều này sẽ là tiền đề thúc đẩy việc phân luồng ngày càng hiệu quả, đồng thời tạo bước đột phá, chuyển biến mạnh mẽ trong đào tạo nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hướng đến hội nhập khu vực và quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.