Ngày 10/10 vừa qua, nữ tỷ phú trong “làng” rau sạch hữu cơ Đặng Thị Cuối - Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao Cuối Quý (huyện Đan Phượng), được TP Hà Nội vinh danh là một trong 10 Công dân Thủ đô ưu tú.
Trước vinh dự lớn ấy doanh nhân Đặng Thị Cuối xúc động chia sẻ: “Sau bao nhiêu năm trồng rau hữu cơ, để có chỗ đứng trên thị trường và được người tiêu dùng tin tưởng, chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều. Nghề trồng rau hữu cơ không phải ai cũng thành công được, mà phải có đam mê thực sự”.
Như chuyện… cổ tích
Cầm trong tay tấm bằng được Chủ tịch UBND TP Hà Nội vinh danh là một trong 10 Công dân Thủ đô ưu tú, bà Cuối nói: “Chuyện của tôi nghe như cổ tích ấy. Những gì tôi có được ngày hôm nay vốn chỉ là giấc mơ của hơn 20 năm trước”.
Bà Cuối sinh năm 1971, gắn bó với nghề nông từ tấm bé, cấy lúa trồng rau quanh năm suốt tháng mà không đủ ăn. Không cam chịu hoàn cảnh, năm 2000, bà Cuối sang Đài Loan để tìm cơ hội kiếm tiền, trả những khoản nợ đang chất chồng.
Bà xin vào lao động trong một trang trại trồng rau hữu cơ và ngỡ ngàng khi thấy cách trồng rau của Đài Loan khác rất xa so với những gì bà vẫn làm trên đồng ruộng quê hương. Vừa làm thuê vừa học hỏi, bà dần đam mê với trồng rau hữu cơ và quyết định gắn bó lâu dài với ý định một ngày nào đó sẽ mang nghề về quê hương để làm giàu.
Hơn 16 năm đi làm thuê tại những trang trại trồng rau hữu cơ ở Đài Loan, mỗi ngày bà Cuối phải làm việc hơn 10 tiếng đồng hồ. Trồng rau như chăm “con mọn”, kỹ lưỡng từ khâu làm đất đến gieo trồng, tưới nước. Sau này, bà rủ cả chồng là ông Nguyễn Đăng Quý cùng sang để học nghề.
“Bên đó họ nghiêm túc trong tất cả các khâu, đầu tư bài bản từ nhà màng, nhà kính, chọn giống rau đến sơ chế, làm sạch cho vào bao bì chở đến các siêu thị. Năng suất cao gấp 2 - 3 lần đã đành nhưng độ sạch còn gấp hơn thế rất nhiều.
Nước trồng rau sạch được lọc qua máy rồi mới đưa vào hệ thống tưới tự động cho rau, còn sạch hơn cả nước uống. Trước mỗi mùa vụ, đất lại được diệt sạch mầm bệnh bằng lửa. Nếu rau có sâu thì công nhân phải bắt bằng tay chứ hiếm khi phải phun thuốc”, bà Cuối kể.
Sau khi đã tích lũy được những kiến thức, kinh nghiệm, tiền bạc, vợ chồng bà trở về quê hương với quyết tâm làm giàu bằng nghề trồng rau hữu cơ. Năm 2017, bà về Việt Nam, sau đó cùng chồng bắt đầu khởi nghiệp trồng rau sạch. Bà cho biết, ban đầu chồng của bà cũng băn khoăn vì chưa thấy ai làm việc này, tuy nhiên bà vẫn quyết tâm thực hiện.
“Nhiều người trong xã thấy thế, họ khuyên không nên mạo hiểm bởi nếu thất bại thì toàn bộ tài sản tích cóp được của hai vợ chồng sau 16 năm sẽ trở về số không. Chúng tôi cũng trăn trở lắm, nhưng với kinh nghiệm học được, chúng tôi rất tự tin và khao khát được đưa mô hình mới này về quê hương. Người ta đi xuất khẩu lao động nước ngoài mang tiền về nhưng tôi chỉ mang ốc vít, khung sắt, dây chằng mái, màn chống côn trùng với giống cây trồng”, bà Cuối nói.
Bà thuyết phục chồng đồng lòng và hai vợ chồng quyết định đầu tư 500 triệu đồng xây dựng một khu nhà màng, nhà lưới trên diện tích 1.360m2 của gia đình. Để sản xuất rau sạch, bảo đảm chất lượng, toàn bộ giống rau được nhập từ Đài Loan, Nhật Bản, còn đất thì được bón phân hoai mục.
“Rau lên xanh tốt, lứa đầu tiên được thu hoạch sau hơn 4 tháng, tôi mừng rơi nước mắt. Tôi nâng niu từng cây rau, trân trọng thành quả của mình, thế nhưng khi mang ra chợ bán, kết quả nhận được chỉ là sự thất vọng, bởi người dân thấy rau… quá đẹp, không dám mua vì sợ thuốc kích thích.
Tôi về bàn với chồng ngày hôm sau mang rau ra chợ tặng cho tất cả mọi người. Sau những lần như vậy, vài người, rồi nhiều người đến tận vườn để tìm mua, đến lứa rau sau thì tôi bán hết ngay tại ruộng”, bà Cuối nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp.
Khi hiệu quả rõ rệt hơn, bà Cuối mạnh dạn vay vốn ngân hàng, thuê thêm đất của các hộ dân để mở rộng diện tích sản xuất, đồng thời thành lập Hợp tác xã Rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý. Bà Cuối cho biết, việc áp dụng mô hình sản xuất rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao tuy đầu tư ban đầu khá lớn nhưng mang lại những lợi ích lâu dài. Phương pháp này còn giúp rau tránh được những tác hại của thời tiết và không sử dụng thuốc hóa học trong quá trình canh tác.
Tạo việc làm cho người địa phương
Bà Đặng Thị Cuối trên vườn rau của mình. |
Trang trại của gia đình bà có tổng diện tích 46.292m2, sản xuất rau trong điều kiện hoàn toàn tự nhiên, an toàn, áp dụng công nghệ sản xuất hữu cơ. Sản lượng hằng năm đạt từ 50 - 80 tấn rau, củ, quả các loại; doanh thu từ 800 triệu đến 1,2 tỷ đồng; lợi nhuận, thu nhập bình quân đạt 50 triệu đồng/người/năm.
Các sản phẩm rau hữu cơ của hợp tác xã được người tiêu dùng tin tưởng, tìm đến thu mua. Nhiều bếp ăn tập thể của các công ty, trường học trên địa bàn huyện cũng như thành phố đã đặt hàng và tiêu thụ ổn định qua hệ thống chuỗi cung ứng, qua hệ thống siêu thị…
Hợp tác xã Rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý còn tạo công việc cho 25 lao động thường xuyên có việc làm thu nhập ổn định từ 6 - 7 triệu đồng/ người/tháng và 40 - 60 lao động thời vụ có nguồn thu nhập từ 4 - 4,5 triệu đồng/người/tháng. Nhiều sản phẩm của hợp tác xã đã được thành phố cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP.
Ngoài ra, hợp tác xã đã chủ động lập thông tin nguồn gốc, sử dụng dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; được Bộ NN&PTNT khen thưởng là một trong số 125 mô hình sản xuất nông nghiệp toàn quốc năm 2017; lọt top 1 trong 30 dự án xuất sắc được chọn vào chung khảo cuộc thi “Ông là nông dân 4.0” do Báo Nông thôn ngày nay, Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN tổ chức.
Hiện tại, hầu hết sản phẩm của Hợp tác xã Rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý được các đơn vị đặt hàng ngay từ vườn với giá thành ổn định. Năm 2020, mỗi ngày hợp tác xã cung cấp cho 16 trường mẫu giáo trong huyện Đan Phượng, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm khoảng 2 - 4 tấn rau xanh các loại, thu về từ 50 đến 100 triệu đồng.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, bà Cuối còn tích cực phối hợp với Hội Nông dân hướng dẫn, phổ biến kiến thức kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho hàng trăm lao động gồm các hộ trong xã và ngoài địa phương. Trung bình mỗi ngày, trang trại của bà tiếp đón hàng chục lượt người đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm, thậm chí có ngày lên tới 200 người.
Bà Cuối còn tham gia các hoạt động, phong trào của Hội Nông dân, nhận và hỗ trợ giúp đỡ 8 hộ cận nghèo, hộ khó khăn về vốn, việc làm, cây giống với số tiền trên 200 triệu đồng/năm. Đến nay, một số hộ đã thoát cận nghèo và ổn định phát triển đời sống. Trong đợt dịch Covid-19 diễn ra, hợp tác xã của bà đã tham gia kết nối hỗ trợ nông sản và ủng hộ công tác phòng, chống dịch, tiêu thụ giúp hội viên 8 tấn đu đủ, 7 tấn rau, củ, quả, ủng hộ 2 tạ rau củ các loại cho bếp ăn hỗ trợ lực lượng trực chốt.
Hạnh phúc khi làm giàu trên quê hương
Thành tích cho những nỗ lực vượt khó. |
Dám nghĩ dám làm, không chỉ làm giàu cho bản thân, mà còn tích cực hỗ trợ bà con nông dân cùng vượt khó thoát nghèo, đức tính đáng quý đó của bà Đặng Thị Cuối thật đáng trân trọng.
Bà Cuối xúc động tâm sự: “Được vun đắp, xây dựng và phát triển trên chính quê hương, mảnh đất của mình chính là niềm vui và hạnh phúc nhất của người nông dân chúng tôi… Tôi sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm và có nhiều sản phẩm hơn nữa đạt chuẩn OCOP phục vụ được tốt hơn cho người tiêu dùng. Trồng rau cũng phải bằng cái tâm mới bền vững được!”.
Bí thư Đảng ủy xã Đan Phượng Nguyễn Thị Kim Cúc cho biết: “Không chỉ làm giàu cho gia đình, bà Cuối còn chuyển giao kỹ thuật, truyền đạt kinh nghiệm trồng rau sạch cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn. Hy vọng, thời gian tới, ở Đan Phượng sẽ xuất hiện nhiều mô hình trồng rau sạch tương tự, tạo thêm nguồn nông sản an toàn cho người tiêu dùng…”.
Ghi nhận về mô hình này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hà Nội Nguyễn Xuân Đại nhận xét: “Tại các hội chợ do chúng tôi tổ chức, sản phẩm của Hợp tác xã Rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý là một trong những gian hàng tiêu biểu, được khách hàng nhiệt tình đón nhận. Những loại rau như: Su hào hoa, súp lơ hoa, mướp tròn… không chỉ lạ mắt, mà còn có giá trị cao. Đây là mô hình mới để các hộ dân có nhu cầu trồng rau sạch trên địa bàn Hà Nội tham quan, học hỏi kinh nghiệm và triển khai…”.
Còn nhiều việc phải làm
Tâm sự với chúng tôi, bà Đặng Thị Cuối cho biết, khó khăn nhất với bà giờ là thiếu vốn mở rộng sản xuất. Toàn bộ cơ sở hạ tầng đầu tư tại trang trại hiện nay chủ yếu là vốn tự có, tự lực cánh sinh.
“Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trị giá hàng nghìn tỷ đồng đã được triển khai, nhưng chúng tôi không với tới được. Tôi đã đi hỏi nhiều nơi, họ nói phải có sổ đỏ mới vay được. Nhưng nhà tôi có một cái sổ đỏ thì đã thế chấp vay ngân hàng rồi. Đối với khoản vay này, ngân hàng cũng yêu cầu 6 tháng trả một lần. Phải trả hết cả gốc lẫn lãi người ta mới cho vay tiếp”, bà Cuối chia sẻ.
Hay như Nghị định 98/2018 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, bà Quý cho biết đã tìm hiểu kĩ. Bà hăm hở làm hồ sơ nhưng đến giờ vẫn chưa được vay đồng nào.
“Nhiều khi tôi rất muốn mở rộng diện tích sản xuất, làm nhà sơ chế, nơi rửa tay, chỗ nghỉ chân cho sinh viên, nông dân đến tham quan học tập mà bất lực vì không có tiền. Ví dụ như hiện nay, trang trại của tôi đang có mấy cháu sinh viên tỉnh xa đến học, tôi hỗ trợ các cháu ăn ngủ miễn phí và làm mô hình để các cháu học tập. Nhiều lớp với hàng chục sinh viên muốn đến học trồng rau hữu cơ, song tôi phải từ chối vì không đáp ứng được. Thậm chí, vợ chồng tôi phải nhường chỗ ngủ tại trang trại cho các cháu”, bà Cuối bộc bạch.