Cao nguyên đá Ðồng Văn đủ điều kiện xây dựng, phát triển CVÐC tầm cỡ khu vực và quốc tế |
Trước đó, ngày 3-10, tại Lesvos (Hy Lạp), hồ sơ CVÐC Cao nguyên đá Ðồng Văn đã được Hội đồng tư vấn Mạng lưới CVÐC toàn cầu (GGN) chính thức công nhận là thành viên của Mạng lưới GGN. Hồ sơ CVÐC Cao nguyên đá Ðồng Văn là một trong sáu hồ sơ được thông qua tại Hội nghị Mạng lưới CVÐC châu Âu, trở thành CVÐC đầu tiên của Việt Nam, Công viên thứ hai tại khu vực Ðông - Nam Á được tổ chức GGN công nhận.
Cao nguyên đá Ðồng Văn gồm bốn huyện Quản Bạ, Yên Minh, Ðồng Văn, Mèo Vạc, có độ cao trung bình 1.400-1.600 m. Thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này nhiều cảnh đẹp, hùng vĩ, nhiều danh lam, thắng cảnh đặc sắc, hệ sinh thái đa dạng, phong phú và đặc hữu, nhiều nhóm động, thực vật quý hiếm, nhiều di sản địa chất mang tầm cỡ khu vực, quốc tế.
Với các yếu tố tự nhiên, nguồn tài nguyên địa chất, văn hóa truyền thống quý báu, Cao nguyên đá Ðồng Văn đủ điều kiện xây dựng, phát triển CVÐC tầm cỡ khu vực và quốc tế. Việc xây dựng, phát triển CVÐC Cao nguyên đá Ðồng Văn hướng tới ba mục tiêu: Bảo tồn giá trị di sản địa chất, sự đa dạng sinh học, khảo cổ, lịch sử, văn hóa của khu vực; quảng bá, nâng cao nhận thức cộng đồng về khoa học trái đất, giáo dục lòng yêu thiên nhiên, trách nhiệm công dân trong việc bảo vệ, khai thác bền vững các di sản địa chất; thúc đẩy hoạt động phát triển kinh tế bền vững như du lịch địa chất, du lịch sinh thái và các hoạt động kinh tế phụ trợ, tạo nguồn thu nhập bổ sung, góp phần XÐGN cho người dân.
Trong thời gian tới, cần xây dựng chiến lược phát triển, nâng cấp hạ tầng dịch vụ đạt tiêu chuẩn, phù hợp, bảo đảm tính đặc thù của CVÐC; đề ra các giải pháp hữu hiệu bảo đảm CVÐC phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên, thân thiện với môi trường; bảo tồn nguyên vẹn các giá trị địa chất, địa mạo, cảnh quan thiên nhiên, phát huy các giá trị văn hóa trên vùng CVÐC.
Hùng Sơn