Nghiên cứu khoa học để cải thiện chỉ số
Theo thống kê của trang web khoa học thế giới (Web of Science), trong danh sách 10 đơn vị hàng đầu về công bố ISI ở Việt Nam trong gần 3 năm, từ 1/1/2015 đến 31/5/2018 thì chỉ có một đơn vị Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam không phải là cơ sở giáo dục đại học. Vị trí thứ 2 thuộc về ĐH Tôn Đức Thắng, đứng ở vị trí số 3 và 4 là hai Đại học Quốc gia Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Đáng chú ý là ĐH Duy Tân – trường đại học ngoài công lập lọt vào vị trí thứ 6.
Chia sẻ về việc liên tục duy trì vị trí trong top các trường ĐH có công bố ISI nhiều nhất trong nhiều năm qua, TS Võ Thanh Hải – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân - cho biết, ngoài đầu tư phòng lab, nhà trường còn xây dựng cơ chế chính sách cho các nhà nghiên cứu.
“Thu nhập của các nhà nghiên cứu phải cao hơn giảng viên và được tính vào lương chứ không chỉ dừng lại ở việc khen thưởng đột xuất khi có kết quả. Nhà trường cũng đầu tư cho cán bộ, giảng viên tham gia hội nghị - hội thảo chung với các nhóm nghiên cứu của các trường ĐH mà giảng viên nhà trường hợp tác được” – TS Võ Thanh Hải cho biết.
Trong 5 năm gần đây, Trường ĐH Duy Tân đã có 1.000 bài báo công bố trên tạp chí ISI và 46 bài báo đăng trên tạp chí SCOPUS.
Một phòng thí nghiệm của Trường ĐH Duy Tân |
Kết quả nghiên cứu khoa học trên các tạp chí ISI được xem là tiêu chí chính để đánh giá năng lực của các cơ sở nghiên cứu và giáo dục. ĐH Đà Nẵng đề ra mục tiêu tăng tổng số bài báo ISI/SCOPUS mỗi năm 40% trong thời gian đến. Chất lượng của các công bố quốc tế trong mỗi lĩnh vực tăng 30% mỗi năm.
Để đạt được mục tiêu đó, ĐH Đà Nẵng khoán khối lượng giờ dạy chuẩn, kinh phí và sản phẩm công bố khoa học cho mỗi nhóm nghiên cứu – giảng dạy TRT hàng năm; hỗ trợ kinh phí cho nghiên cứu sinh tập trung để tăng cường năng lực nghiên cứu toàn thời gian tại ĐH Đà Nẵng; nâng cao mức tiền khen thưởng cho các công bố khoa học quốc tế có chất lượng cao, số lần trích dẫn lớn; tăng lương trước thời hạn cho các cá nhân có kết quả công bố đặc biệt xuất sắc…
Thành viên đoàn kiểm định AUN – QA thuộc Mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á khảo sát phòng thí nghiệm của Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng trong chương trình đánh giá ngoài 4 chương trình đào tạo của trường |