Quy chế này quy định về tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên (sau đây gọi tắt là trường chuyên) bao gồm: Quy định chung; lớp học, tổ chuyên môn, tổ văn phòng; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh; tuyển sinh và tổ chức các hoạt động giáo dục.
Chính sách đầu tư các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục
Những ưu tiên đối với trường chuyên được đưa ra trong dự thảo như sau:
Trường chuyên được ưu tiên bố trí cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên bảo đảm đủ định mức, đạt tiêu chuẩn quy định.
Được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đồng bộ, hiện đại; được liên kết, hợp tác với các cơ sở giáo dục, cơ sở nghiên cứu khoa học có chất lượng cao theo quy định. Được bố trí kinh phí chi thường xuyên để bảo đảm cho các hoạt động giáo dục.
Trường chuyên cũng được mời chuyên gia trong nước và chuyên gia nước ngoài thỉnh giảng theo quy định, bồi dưỡng chuyên môn, hướng dẫn nghiên cứu khoa học cho cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh.
Trường chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học được tạo điều kiện sử dụng cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, thực hành và mời giảng viên thuộc các phòng, khoa của cơ sở giáo dục đại học thực hiện giảng dạy, bồi dưỡng học sinh chuyên.
Theo dự thảo, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định các chế độ chi ngân sách đầu tư cho trường chuyên thuộc tỉnh về cơ sở vật chất, chế độ ưu đãi đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh và tạo điều kiện cho cán bộ quản lý, giáo viên dạy môn chuyên được đi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ ở trong nước, nước ngoài. Điều này căn cứ theo chiến lược phát triển giáo dục đặc thù ở địa phương ngoài các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách theo quy định để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách địa phương.
Cơ sở giáo dục đại học quyết định chính sách ưu tiên đầu tư đối với trường chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học.
Điều 7 về tài sản của trường chuyên trong dự thảo thì ghi rõ: Trường chuyên được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị như các trường THPT theo quy định đối với trường chuẩn quốc gia.
Ngoài ra, trường chuyên được ưu tiên đầu tư: Hệ thống phòng học đạt tiêu chuẩn quy định, bảo đảm điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Hệ thống phòng chức năng, phòng học bộ môn, thư viện đủ số lượng, đạt tiêu chuẩn với trang thiết bị hiện đại; có đủ sách, tài liệu tham khảo. Các thiết bị dạy học đồng bộ và hiện đại phục vụ việc giảng dạy, bồi dưỡng học sinh năng khiếu; giảng dạy các môn học Mỹ thuật, Âm nhạc và tổ chức các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học của giáo viên, học sinh. Ký túc xá, nhà ăn cho học sinh có nhu cầu nội trú. Nhà công vụ cho giáo viên. Sân vận động, nhà đa năng, bể bơi và một số thiết bị, dụng cụ thể thao khác.
Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Ảnh: ITN. |
Chính sách ưu đãi với cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh
Theo dự thảo, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trường chuyên, theo nhiệm vụ được giao và thành tích đạt được, được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của Nhà nước.
Học sinh chuyên đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi, các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp địa phương, quốc gia, quốc tế được hưởng chính sách học bổng khuyến khích học tập và chế độ khen thưởng theo quy định. UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ sở giáo dục đại học có trường chuyên có thể quy định bổ sung chế độ học bổng, khen thưởng đối với học sinh đạt kết quả xuất sắc trong học tập, rèn luyện, có thành tích trong các kỳ thi học sinh giỏi, cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật quốc gia, quốc tế.
Học sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi, cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật quốc gia, quốc tế được ưu tiên xét tuyển vào đại học hoặc cử đi đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học có uy tín trong nước và nước ngoài theo quy định.
Trường THPT chuyên Hùng Vương, Gia Lai. Ảnh: ITN. |
Hai vòng tuyển sinh
Về nội dung này, dự thảo quy định: Với trường chuyên thuộc tỉnh, hằng năm, sở GD&ĐT trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch tuyển sinh của trường chuyên.
Với trường chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học: Hằng năm, hiệu trưởng trường chuyên trình người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học quản lý trường chuyên phê duyệt kế hoạch tuyển sinh của trường chuyên.
Chậm nhất trước ngày thi tuyển 60 ngày, trường chuyên thông báo tuyển sinh bằng văn bản đến các cơ quan quản lý giáo dục, các trường học có đối tượng dự thi và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Cơ quan quản lý trực tiếp trường chuyên quy định việc đăng ký dự tuyển, hồ sơ dự tuyển và điều kiện dự tuyển.
Về tổ chức tuyển sinh, trường chuyên tuyển sinh theo hai vòng: Sơ tuyển và thi tuyển.
Vòng 1: Tổ chức sơ tuyển đối với những học sinh có hồ sơ dự tuyển hợp lệ và đủ điều kiện dự tuyển theo quy định.
Việc sơ tuyển để chọn học sinh tham gia thi tuyển vòng 2 được căn cứ vào các tiêu chí: Kết quả tham gia các hoạt động xã hội, thi tài năng trong phạm vi tổ chức của địa phương, toàn quốc, khu vực và quốc tế; kết quả rèn luyện và học tập 4 năm cấp THCS; kết quả tốt nghiệp THCS.
Cơ quan quản lý trực tiếp trường chuyên quy định cách thức quy ra điểm và mức sơ tuyển cần đạt của các tiêu chí để chọn học sinh vào thi tuyển vòng 2.
Vòng 2: Tổ chức thi tuyển đối với những học sinh đã qua sơ tuyển ở vòng 1.
Cơ quan quản lý trực tiếp trường chuyên quy định: Môn thi, hình thức thi và thời gian làm bài của mỗi môn thi theo từng lớp chuyên; hệ số điểm bài thi, điểm xét tuyển vào lớp chuyên.
Người đứng đầu cơ quan quản lý trực tiếp trường chuyên ra quyết định thành lập các hội đồng ra đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo.
Việc tổ chức ra đề thi, coi thi, chấm thi được vận dụng theo quy định tại Quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành;
Người đứng đầu cơ quan quản lý trực tiếp trường chuyên duyệt danh sách học sinh trúng tuyển vào trường chuyên.
Dự thảo Quy chế cũng ghi rõ yêu cầu cần báo cáo kết quả thi tuyển sinh với sở GD&ĐT theo quy định tuyển sinh THPT. Thông báo công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý trực tiếp trường chuyên, của trường chuyên phổ điểm tuyển sinh tới khoảng điểm 0.25 đối với mỗi môn chuyên.
Xem đầy đủ dự thảo TẠI ĐÂY
Hệ thống trường chuyên bao gồm trường chuyên thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và trường chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 1trường chuyên.
Trường chuyên thuộc tỉnh do sở GD&ĐT quản lý. Trường chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học do cơ sở giáo dục đại học quản lý về công tác tổ chức, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, tài chính và tuyển sinh; chịu sự quản lý của sở GD&ĐT nơi trường đặt trụ sở về thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục, tổ chức thi tốt nghiệp, cấp bằng tốt nghiệp.