Giảng viên ĐH tăng 4,6% so với năm học 2015-2016
Năm học 2016 - 2017, Bộ GD&ĐT đã tích cực chỉ đạo việc triển khai các hoạt động của Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, CBQL giáo dục; xây dựng chuẩn giảng viên sư phạm; tiêu chuẩn và quy trình lựa chọn giảng viên sư phạm chủ chốt; ban hành và triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và CBQL giáo dục.
Bộ GD&ĐT đã chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành các văn bản quy định về tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm viên chức giáo dục; hướng dẫn các cơ sở GDĐH xây dựng, triển khai đề án vị trí việc làm, chuyển xếp hạng cho giảng viên, đánh giá viên chức để rà soát, sàng lọc và tinh giản biên chế theo tinh thần chỉ đạo của BCH Trung ương Đảng và Chính phủ.
Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành Thông tư quy định về điều kiện để các cơ sở giáo dục được tổ chức bồi dưỡng và cấp chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập, các chương trình, tài liệu bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức ngành Giáo dục.
Hầu hết các trường đều có kế hoạch cụ thể và chi tiết về công tác quy hoạch xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên và quản lý giáo dục. Công tác bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh, chuẩn nghề nghiệp để nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giảng viên theo yêu cầu mới được các cơ sở GDĐH quan tâm triển khai.
Năm học 2016-2017, tổng số giảng viên trong các trường đại học là 72.792 người, tăng 4,6% so với năm học 2015-2016. Trong đó, giảng viên có trình độ tiến sĩ là 16.514 (tăng 21,4%) và thạc sĩ là 43.065 (tăng 6,6%).
Trong năm 2016, Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước đã công nhận 65 giáo sư, 638 phó giáo sư trong đó, số đang trực tiếp làm việc tại các cơ sở đào tạo là 48 giáo sư (chiếm 73.85%); 508 phó giáo sư (chiếm 79.62%).
Số lượng giảng viên trong các trường CĐ sư phạm hiện nay là: 3.388 người trong đó giảng viên có trình độ: Tiến sĩ - 115 người; Thạc sĩ - 2.187 người.
Khó khăn trong thu hút giảng viên giỏi
Mặc dù số lượng giảng viên tăng so với năm học 2015-2016, tuy nhiên, tỷ lệ giảng viên có chức danh GS, PGS và trình độ tiến sĩ trong toàn hệ thống vẫn ở mức thấp, đặc biệt là tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ ở các trường CĐSP còn thấp (chiếm xấp xỉ 3,4%).
Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đặc biệt là các chính sách về chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ nhà giáo và CBQL chưa đồng bộ, hiệu lực chưa cao.
Việc tuyển dụng giảng viên có trình độ chuyên môn giỏi ở trong và ngoài nước tham gia giảng dạy tại các cơ sở đào tạo còn nhiều khó khăn do chính sách thu hút chưa đủ mạnh. Cơ chế quản lý và sử dụng cán bộ chưa tạo động lực để thu hút cán bộ giỏi về làm việc.
Công tác bồi dưỡng, quy hoạch và phát triển đội ngũ giảng viên và CBQL chưa được quan tâm đồng đều trong toàn hệ thống. Số lượng giảng viên cơ hữu của các trường ngoài công lập vẫn còn thiếu (15.158 người chiếm khoảng 20% tổng số giảng viên trong toàn quốc) và có độ tuổi cao nên chưa tạo niềm tin về chất lượng đào tạo của một số trường ngoài công cập trong hệ thống.
Nhiều cơ sở đào tạo chưa chú trọng đến kế hoạch xây dựng và phát triển nguồn giảng viên trẻ kế cận cũng như việc bồi dưỡng tạo nguồn giảng viên gửi đi đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài.
Năng lực quản lý và quản trị nhà trường của một bộ phận cán bộ quản lý còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong bối cảnh chuyển đổi sang mô hình quản lý chất lượng dựa trên chuẩn, tiêu chuẩn và tự chủ đại học...
Có kế hoạch nâng dần chuẩn giảng viên trình độ tiến sĩ
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, năm học 2017 - 2018 hoàn thành việc xây dựng chuẩn giảng viên và CBQL làm căn cứ xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng có hiệu quả đáp ứng yêu cầu đào tạo chất lượng cao và quản lý cơ sở đào tạo hiệu quả trong điều kiện tự chủ đại học và hội nhập quốc tế.
Nhóm giải pháp về nâng cao năng lực giảng viên và cán bộ quản lý GDĐH cũng được nhấn mạnh. Theo đó, đổi mới cơ chế tài trợ nghiên cứu cho GDĐH để thúc đẩy giảng viên nâng cao năng lực, chất lượng và hiệu quả nghiên cứu khoa học. Công khai, minh bạch các công trình đã công bố, các hướng nghiên cứu đang thực hiện của giảng viên trên trang thông tin điện tử của cơ sở GDĐH.
Đồng thời, tổ chức bồi dưỡng kiến thức quản trị đại học cho đội ngũ lãnh đạo và quản lý các nhà trường trên nền thực hiện tự chủ ĐH.
Có kế hoạch bồi dưỡng tạo nguồn giảng viên để gửi đi đào tạo trình độ tiến sĩ ở nước ngoài, nâng dần chuẩn giảng viên có trình độ tiến sĩ trong toàn hệ thống theo các đề án có sử dụng NSNN, các chương trình học bổng hiệp định và một số học bổng song phương.
Tính đến năm học 2016-2017, toàn quốc có 491 nhóm giảng dạy – nghiên cứu được thành lập tại các cơ sở đào tạo.