Tham dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ; đại diện Bộ quốc phòng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Nghệ An các thời kỳ; các đồng chí đại diện Bộ chỉ huy quân sự và các tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Hà nội, Hà Tĩnh, Bắc Giang, Hà Nam, Thanh Hóa... và các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, đại diện các thương binh, liệt sĩ, gia đình thân nhân người có công với đất nước cùng đông đảo nhân dân.
Chương trình cũng có sự tham dự của các đồng chí cán bộ ngoại giao, đại biểu các địa phương và Cựu chiến binh của Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
Lễ thắp nến tri ân “Khúc tráng ca Việt Lào” được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh Liệt sĩ, 40 năm ngày ký hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào và 55 năm năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào.
Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các vị đại biểu đã thành kính dâng hương tại các phần mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sỹ quốc tế Việt – Lào, nơi an nghỉ của hơn 11.000 cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam, đã anh dũng hy sinh trên chiến trường nước bạn Lào.
Trước anh linh của các liệt sĩ, thay mặt toàn thể nhân dân Việt Nam, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với lớp lớp thế hệ cha anh đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì sự nghiệp cách mạng quốc tế cao cả.
Với tình cảm quốc tế trong sáng dành cho nước láng giềng anh em, hàng ngàn cán bộ quân tình nguyện, chuyên gia quân sự Việt Nam đã dũng cảm rời quê hương, rời xa những người thân yêu, và tạm gác lại những hoài bão của tuổi trẻ, tình nguyện sang nước bạn Lào kề vai, sát cánh cùng với nhân dân, lực lượng vũ trang nước bạn trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Chính vì vậy, quân tình nguyện Việt Nam đi đến đâu cũng nhận được tình cảm yêu mến của nhân dân Lào. Trên đất nước Triệu Voi giờ đây vẫn còn nhiều địa danh, công trình lưu giữ những chứng tích cho mối quan hệ đặc biệt đó.
Trong cuộc chiến đó, mồ hôi, xương máu của chiến sĩ, quân tình nguyện Việt Nam và chiến sĩ, nhân dân nước bạn Lào đã cùng đổ xuống, trở thành nỗi đau chung, và cũng là biểu tượng cao đẹp, trong sáng về tình đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào. Tình cảm đó đã trở thành một di sản vô cùng quý giá của hai dân tộc, như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta đã đúc kết: Việt – Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng đặc biệt nhấn mạnh: Nhiều năm qua, công tác “Đền ơn đáp nghĩa” đã được Đảng và Nhà nước triển khai cùng với sự đồng lòng của các tổ chức chính trị, xã hội khác. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cựu binh, thương binh, cựu TNXP, thân nhân các anh hùng liệt sĩ… có hoàn cảnh khó khăn cần được sẻ chia giúp đỡ. Phó Thủ tướng Chính phủ mong muốn các tổ chức, địa phương, các đơn vị, doanh nghiệp bằng nhiều việc làm cụ thể tiếp tục thực hiện tốt công tác chính sách, giúp đỡ, hỗ trợ các gia đình chính sách…
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư tỉnh ủy Nghệ An – Nguyễn Đắc Vinh – xúc động: Chiến tranh đã đi qua, đất nước Việt Nam và Lào đã thanh bình, ngày càng phát triển, và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong quá trình đổi mới, hội nhập. Nhưng những hy sinh, mất mát mà hai dân tộc phải gánh chịu còn hết sức nặng nề. Nhiều cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam vẫn đang nằm lại đâu đó trên đất bạn Lào hoặc dưới những nấm mộ chưa biết tên. Vẫn còn bao nhiêu người mẹ, người vợ, người thân đang chờ đợi ngày các anh về. Suốt nhiều năm qua, được sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước và nhân dân các bộ tộc Lào, Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhiều cựu chiến binh đã và đang tiếp tục cố gắng hết sức mình tìm kiếm, quy tập, để đưa các anh về với đất mẹ.
Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu - người đã từng giữ cương vị Cục trưởng Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị chia sẻ: Với sự cố gắng, nỗ lực của Đảng, Nhà nước, Quân đội, hơn 11.000 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh ở nước bạn Lào đã được đưa về nước. Thế nhưng, mới chỉ có hơn 3.000 hài cốt xác định được danh tính cụ thể, còn gần 7.000 hài cốt liệt sĩ vẫn nằm lại các nghĩa trang với tấm bia buốt nhói: Liệt sĩ chưa biết tên.
Buổi lễ còn có phần gặp gỡ, giao lưu với các cán bộ, lão thành cách mạng đã chiến đấu, hoạt động tại Lào; chia sẻ những câu chuyện đầy ý nghĩa, cảm động để cùng ôn lại những năm tháng mà cán bộ, chiến sỹ của Việt Nam đã cùng sống và chiến đấu với quân và dân Lào để đem lại thắng lợi vẻ vang cho hai dân tộc. Đông đảo tầng lớp nhân dân cũng được thưởng thức các chương trình văn nghệ đặc sắc ca ngợi tình cảm hữu nghị, thủy chung son sắc giữa hai nước Việt – Lào.
Chương trình thắp nến tri ân Khúc tráng ca Việt – Lào, chính là tiếng lòng của nhân dân Việt Nam, tưởng nhớ và biết ơn vô hạn đối với lớp lớp thế hệ cha anh đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì sự nghiệp cách mạng quốc tế cao cả. Đồng thời giáo dục, nhắc nhở đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, đến các thế hệ hôm nay và mai sau và trách nhiệm sống, học tập, lao động, cống hiến cho Tổ quốc, xứng đáng với các thế hệ cha anh; phải tiếp nối, gìn giữ và vun đắp tình hữu nghị thủy chung của hai dân tộc, của hai Đảng để trao truyền cho muôn đời sau.
Dịp này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, đại diện lãnh đạo của các bộ, ban, ngành Trung ương đã tặng quà cho các Mẹ Việt Nam anh hung, thân nhân các gia đình chính sách có công với cách mạng. Đại diện lãnh đạo tỉnh Nghệ An cũng tặng quà lưu niệm cho các Cựu chiến binh Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
Những hình ảnh phóng viên ghi lại được trong buổi lễ thắp nến tri ân:
Hát cho các anh nghe bài hát về đồng đội