Không cần biết bé bị gì, cứ thấy con sổ mũi, hắt hơi là nhiều bà mẹ liền mua ngay nước muối sinh lý về xịt cho con vô tội vạ. Hành động của nhiều mẹ chính là nguyên nhân khiến bệnh của con ngày một nặng hơn, đến khi có những biến chứng nguy hiểm thì có hối hận cũng đã muộn màng.
Con gái chị Ngọc bị nghẹt mũi, tối cứ thở khò khè nên chị thường ép con ra xịt nước muối sinh lý, sau đó hút mũi...về sau bé càng khò khè nhiều hơn.
Khi tới kiểm tra tại bệnh viện, bác sĩ cho biết bé bị viêm xoang mãn tính do ảnh hưởng thời tiết, khói bụi mà hay tái phát. Việc xịt mũi, rửa mũi, hút mũi bằng nước muối sinh lý quá nhiều khiến niêm mạc mũi của bé bị teo, ảnh hưởng đến chức năng thở và khứu giác.
Đừng tự ý chữa bệnh cho con khi không biết con mắc bệnh gì |
Cách đây vài năm, bé Nguyễn Hương T., 4 tuổi (Đông Anh, Hà Nội) bị sốt cao 39 – 40 độ C, người mệt mỏi, ăn kém, rồi mắt trái bị sưng tấy, mắt dần lồi ra phía trước. Gia đình đưa bé tới bệnh viện Nhi TW để chích áp xe mắt. Nhưng 10 ngày sau, mắt bé T. lại sưng hơn.
Lần này, bác sĩ cho bé chụp CT Scan lại chẩn đoán viêm đa xoang mạn tính có biến chứng mắt. Bé T. được chuyển tới bệnh viện Tai Mũi họng TW, trong tình trạng niêm mạc sàng hai bên đầy mủ, thị lực giảm nghiêm trọng. Các bác sĩ đã phải phẫu thuật cấp cứu, nhưng thị lực của bé đã giảm xuống còn 7/10.
Theo bác sĩ Đặng Hoàng Sơn cho biết khi trẻ bị viêm xoang, phụ huynh rất dễ nhầm lẫn với các bệnh hô hấp thông thường do có triệu chứng giống nhau như sốt, sổ mũi, ho…Việc tự ý dùng thuốc nếu không gây nên bệnh thì cũng làm bệnh nặng hơn, bệnh có thể biến chứng tại chỗ như viêm tấy vùng mặt, hốc mắt, viêm xương…
Viêm xoang sàng và viêm xoang bướm là hai dạng viêm xoang thường gặp ở trẻ gây nhiều biến chứng đến dây thần kinh mắt dù bị dạng thấp có thể làm bệnh nhân mù mắt.
Bệnh viêm xoang mạn có thể gây viêm thần kinh thị giác, mù mắt, biến chứng nặng nhất là vi khuẩn xâm nhập vào máu, gây tắc xoang tĩnh mạch hang, gây viêm não, viêm màng não, áp xe não.
Trẻ bị viêm xoang dễ có biến chứng mắt hơn người lớn là do cấu trúc xương ở trẻ em xốp hơn người lớn, các lỗ mạch máu nhiều hơn, nên khi nhiễm khuẩn đường hô hấp gây phù nề niêm mạc xoang dẫn tới bít tắc các lỗ thông tự nhiên. Tình trạng thiếu ôxy sẽ gây phù nề, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, đặc biệt vi khuẩn kỵ khí. Ở trẻ em, các lỗ thông tự nhiên ở mũi thường rộng hơn ở người lớn, càng dễ nhiễm khuẩn từ mũi vào xoang nhanh hơn ở người lớn.
Vì vậy, các mẹ không nên cứ thấy con nghẹt mũi, khó thở, không mang con đi khám bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh uy tín...mà vội vàng tự ý "chữa bệnh" cho con.
Rửa mũi đúng cách để phòng và điều trị viêm xoang Nghẹt mũi, sổ mũi do viêm xoang, khói bụi khiến nhiều người khó chịu. Việc rửa mũi đúng cách sẽ giúp người bệnh giảm bớt tình trạng khó chịu, hỗ trợ quá trình điều trị bệnh. Quá trình rửa mũi đúng cách gồm: nhỏ nước muối sinh lý vào chảy từ một bên lỗ mũi sang lỗ mũi bên kia. Điều đó sẽ giúp rửa sạch chất nhầy và các chất gây dị ứng. - Bước 1: Để rửa mũi, bạn cần có một bình đựng và một lọ nước muối sinh lý. Bạn có thể dùng loại bình xịt dạng phun sương, bình hình củ tỏi (giống như dụng cụ hút mũi có bóng cao su) hay bình neti pot (dạng bình trà nhưng dùng để nhỏ mũi). Nếu không có, bạn có thể dùng tay để đổ nước muối sinh lý vào mũi, mặc dù cách này không dễ đối với những người làm lần đầu. - Bước 2: Nếu mua bình xịt thì bỏ qua bước này. Hoặc bạn có thể mua chai dung dịch nước muối 0,9% hoặc bột muối sinh lý để tự pha theo cách sau: pha từ một đến 2 cốc nước đun sôi để nguội với 1/4-1/2 thìa muối tinh, sau đó cũng đổ vào bình. - Bước 3: Nếu dùng chai dạng bóp (bình hình củ tỏi), neti pot hay ống tiêm thì cần nghiêng người về phía bồn rửa hoặc chậu một góc 45 độ. Nghiêng đầu để khi nước muối chảy từ mũi này sang mũi kia sẽ rơi vào đúng chậu. Lưu ý không ngả đầu ra phía sau. - Bước 4: Đặt vòi của bình neti pot hoặc ống tiêm hoặc bình xịt vào một bên cánh mũi như hình minh họa. Bạn há miệng rồi từ từ xịt, rót nước muối vào mũi, nhớ là trong suốt quá trình, chỉ thở bằng miệng, không thở bằng mũi. - Bước 5: Nước muối sẽ chảy từ mũi bên này sang bên kia và có thể là chảy cả trong miệng nhưng đừng lo, bạn sẽ không đau nếu nước chỉ chảy vào họng (muốn vậy phải tuân thủ việc thở bằng miệng). - Bước 6: Xì mũi nhè nhẹ để làm sạch các dịch còn sót trong mũi. Nhắc lại bước 4 với mũi bên kia. Sau khi thực hiện xong cả 2 bên mũi, bạn cần đảm bảo rằng các dịch trong mũi đã được làm sạch kỹ lưỡng. Ngoài ra, các dụng cụ xịt mũi cũng cần được lau sạch và để ở nơi khô ráo, sạch sẽ. Rửa mũi tốt cho những người bị viêm xoang mãn tính, viêm mũi dị ứng, viêm xoang cấp, cảm lạnh, và cảm cúm, an toàn cho cả người lớn và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, bạn cần tìm hiểu thật kỹ các bước thực hiện phương pháp này. |