Cơn sốt đá quý opal

GD&TĐ - Được phát hiện từ năm 1850 khi nước lũ cuốn những viên đá đa màu bị tách ra khỏi nền sa thạch lên trên mặt đất, đá quí opal đang tạo nên cơn sốt vì nhu cầu tăng mạnh trên thế giới. Khoảng 95% đá opal giao dịch trên thị trường hiện nay có xuất xứ từ Úc.

Cơn sốt đá quý opal

Những người đi tìm vận may… mơ hồ!

Khi mũi khoan dài 12 mét đi xuống dưới nền đất đỏ bụi bặm, thợ khai mỏ Craig Stutley, 45 tuổi lặp lại câu nói quen thuộc mà ông đã nói cách nay… 30 phút. “Đây chỉ là cái lỗ, không có gì bên dưới!”. Người bạn Richard Saunders, quần áo phủ đầy đất đỏ đã không gật đầu đồng tình.

Hai người đang đứng giữa vùng đất hoang mạc rát ánh mặt trời ở miền Nam nước Úc. Họ đến đây để săn tìm những viên đá quí hiếm lóng lánh sắc cầu vồng hay vân đa màu với sức hấp dẫn không cưỡng được.

Xem xét thật kỹ những mẫu đất sâu lấy từ mũi khoan, hai người không thấy dấu hiệu hiện diện của đá opal, mà nếu có sẽ đem về cho họ một số tiền không nhỏ. Hiện giá thị trường của những viên opal lớn nhất, chất lượng tốt nhất đã vượt quá 600.000 bảng Anh, khi nhiều nhà kim hoàn trên thế giới chạy đua mua lại chúng. Số tiền này quá lớn đối với những người săn tìm opal.

 

Richard Saunders hy vọng vận may sẽ đến với ông tại khu bảo tồn Shell Patch, cánh đồng opal lớn nhất thế giới nằm ở Nam Úc nóng bức.

Trở ngại lớn nhất là opal quá hiếm vào thời điểm này. Những gì khai thác được người ta đã “moi” ra gần hết. Ngay trong “hang ổ” của loại đá quí này, thường phải mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm các thợ mỏ lão luyện mới tìm được một viên opal có giá trị tương đối. Vì vậy kiên nhẫn là yêu cầu quan trọng nhất để… nuôi “giấc mộng opal”. “Bạn cần có một cái đầu vững vàng và luôn suy nghĩ tích cực về opal cả khi… nằm ngủ! Nếu không, bạn không thể theo đuổi công việc gian khổ và bấp bênh này, dù chỉ một ngày” - Stutley bộc bạch. Ông và người bạn vẫn miệt mài tìm kiếm cơ hội tại mảnh đất dài hơn 23 km gần thị trấn Coober Pedy, “thủ đô opal” của thế giới.

Hiện Nam Úc cung cấp 80% số opal mới phát hiện cho thị trường thế giới. Kỹ nghệ khai thác và sang nhượng opal chủ yếu diễn ra tại Coober Pedy với 3.500 cư dân nằm cách Adelaide 1.368km về phía Bắc và cách Alice Springs hơn 800 km về phía Nam.

Vào thời kỳ đỉnh cao của cơn sốt opal cách nay 40 năm, hàng ngàn thợ mỏ đã đổ về Coober Pedy mà nhiệt độ mùa hè có khi lên đến 47 độ C. Vì số đá quí mới tìm chẳng được bao nhiêu, số thợ mỏ bám trụ chỉ còn vài chục người. Khu mỏ Shell Patch có mặt đất khá cứng nên việc khoan đào rất tốn kém. Nhưng nếu may mắn bạn sẽ được trả giá xứng đáng.

Cơn sốt opal trở lại

Dù đã bị thu hẹp, sản lượng khai thác opal của Úc vẫn đạt khoảng 11,5 triệu USD vào năm ngoái (số liệu chính thức của chính quyền Nam Úc). Giá bán opal đã tăng gấp đôi trong vài năm qua nhờ nhu cầu cao tại Trung Quốc và Ấn Độ cùng với “phong trào” hồi sinh thị trường opal tại Mỹ và phương Tây.

Trong khi Stutley và Saunders chưa tìm được một viên đá màu lớn, họ vẫn rất mãn nguyện khi nằm trong số 50 người trúng quyền khai thác opal ở cánh đồng opal Shell Patch vừa mới mở cửa trở lại, qua một cuộc xổ số miễn phí với hơn 200 người tham gia.

Trong thời gian qua, cánh đồng không cho du khách đến nhiều do yêu cầu của thổ dân bản địa. Mỗi người trúng số được quyền khai thác opal trên lô đất dài 100 mét, ngang 50 mét. Opal khai thác thô được cắt gọt và mài sau đó để biến thành đồ trang sức cao cấp như nhẫn, mặt dây chuyền.

John Dunstan ở địa điểm khai thác opal

John Dunstan ở địa điểm khai thác opal

Ông John Dunstan, phó chủ tịch Hội Khai thác Opal Úc (OMA) thuộc số người đầu tiên đến Shell Patch, khi nó hồi sinh và thuộc thế hệ thứ hai thợ mỏ opal.

Ông nhớ lại là khoản tiền đầu tiên mình kiếm được từ opal là 5.900 AUD cho một viên đá nhỏ cỡ hòn sỏi vào năm 1965 lúc ông mới 14 tuổi. Thay vì đào hầm chui sâu xuống dưới đất mất thời gian, ông dùng máy cạp bốc hết mảng đất đá trên mặt để tìm opal, giống như đào ao. Ông hy vọng Shell Patch hồi sinh có kết quả khả quan sẽ thu hút được các doanh nghiệp khai mỏ tham gia và một thế hệ mới thợ mỏ opal sẽ ra đời.

“Trong vài chục năm qua, cơn sốt opal tại Coober Pedy hầu như lắng dịu, nay nó sống lại nhờ sáng kiến xổ số nhượng quyền. Chúng tôi hy vọng sẽ sớm có cơn sốt mới để làm sống lại ‘triệu chứng say opal’. Tại Coober Pedy có một câu nói cửa miệng: Khi tìm thấy viên opal đầu tiên, ngay lập tức sự hưng phấn sẽ tạo ra cơn sốt opal. Opal không chỉ là cách sống của tôi, mà còn là khát vọng” - Dunstan nói.

Justin Lang, 27 tuổi là một trong số ít thợ mỏ opal mới được Dunstan đánh giá cao. Lang và đồng nghiệp Daniel Becker, 43 tuổi bắt đầu tìm kiếm opal cách nay 5 năm. Ông xem công việc mới của mình là “thú tiêu khiển nhưng có thể kiếm ra tiền, thậm chí rất nhiều tiền”.
Dĩ nhiên, số tiền đầu tư của họ vào “cuộc vui” này không hề nhỏ. Mỗi tháng họ bỏ cửa hàng tại thị trấn Hahndorf, gần Adelaide để đến Coober Pedy tìm vận may trong 1 tuần. Lang nói: “Dù xác xuất cực kỳ thấp, nhưng khả năng kiếm được hàng triệu USD là có thực. Tôi thích tìm opal tự tôi có thể tự tay đào bới mà không phải làm công cho một công ty lớn nào. Đây là điều hầu như không có trong kỹ nghệ khai mỏ đồng hay uranium. Lý do là có quá nhiều rủi ro về tài chính cho hoạt động khai thác qui mô”.
Đối với Lang và các thợ khai thác opal như ông, rủi ro là có thể chấp nhận được. Họ chấp nhận sự “mơ hồ của thành công” một cách thoải mái.

Đầu năm nay, tạp chí thời trang Vogue có bài viết về những thợ kim hoàn trẻ đã đưa opal trở về vị trí vàng son của nó sau một thời gian bị xem là “đồ trang sức cổ dành cho các… bà ngoại!”. Tại các phi cảng Úc, du khách thường tìm mua những viên opal nhỏ có giá phải chăng.

Một cú hích khác giúp opal hồi sinh là bộ sưu tập nữ trang mới nhất của thương hiệu thời trang cao cấp Dior mà trung tâm là loại đá màu này. “Mỗi viên opal là một tác phẩm nghệ thuật, không viên nào giống viên nào. Đó là điều độc đáo - Emily Amey, nhà thiết kế kim hoàn tại New York mua nhiều viên opal thô của Úc nhận xét - Màu sắc khác, hình dáng khác và bí ẩn phía sau chúng cũng khác”.

Hiện mỗi năm Ethiopia sản xuất được gần phân nửa số opal so với Úc. Brazil, Peru cũng khai thác được opal nhưng Úc không hề mất vị trí số 1. “Vẫn còn rất nhiều triệu USD chưa được phát hiện tại cánh đồng opal. Điều bạn cần là đào đúng chỗ. Còn làm cách nào để đào đúng lại là một chuyện khác!”. Opal được xem là biểu tượng tâm linh của những người sinh vào tháng 10 trong niềm tin phương Tây.

Tại Ba Lan, đến thế kỷ 16, người ta bắt đầu liên kết đá quí với tháng sinh. Tuy nhiên, phải chờ đến năm 1912, Hội các nhà kim hoàn Mỹ (Jewelers of America Association) mới tạo ra danh sách 12 tháng sinh gắn liền với 12 loại đá quí.

Danh sách này được cả thế giới thừa nhận như một biểu tượng dù không có cơ sở khoa học cho nó. Opal được gán cho tháng 10 vì truyền thuyết cho rằng opal đến trái đất thông qua cuộc hành trình qua các cầu vồng với đặc điểm dễ nhận thấy là khi ánh sáng chạm vào nó sẽ phản hồi những màu sắc khác nhau như cầu vồng. 

Opal dùng làm trang sức

Opal dùng làm trang sức

Opal được biết đến từ rất lâu và ngày xưa chúng chủ yếu được sử dụng làm vật liệu trang trí trong các đền đài và cung điện, bên cạnh đó một khối lượng lớn được sử dụng làm đồ trang sức.

Ngày nay opal được xem như một món đồ trang sức có giá trị cao, nhiều khi quý hơn cả kim cương và hồng ngọc. Opal là biểu tượng của chòm sao Thiên Bình (Libra) trong cung hoàng đạo.

Với công thức hóa học SiO2.nH2O, opal có thành phần hóa học không cố định. Nó chứa nước từ 1% tới 5% và nhiều khi tới 34%. Loại opal quý thường chứa khoảng 6-10% nước. Nước trong opal rất dễ mất khi ta nung nóng khi đó kèm với quá trình mất nước viên đá sẽ bị nứt vỡ, làm mất màu và làm giảm độ tinh khiết.

Theo The Australian và Business Insider

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ