Còn nhiều thách thức để đạt mục tiêu tăng trưởng

GD&TĐ - Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2024 ước tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Tính chung 9 tháng qua, GDP ước tăng 6,82% so với cùng kỳ. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 7% và lạm phát ở mức 4 - 4,5% vẫn còn rất nhiều thách thức bởi thời gian còn lại của năm chỉ vỏn vẹn 2 tháng.

Kết quả này có được, theo nhận định của Tổng cục Thống kê là bên cạnh sự nỗ lực trong quản lý, điều hành của Chính phủ; sự đồng lòng, ủng hộ của người dân còn nhờ vào một số động lực chính như kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý. Các cân đối của nền kinh tế được bảo đảm đã tạo tiền đề, điều kiện cho kiến tạo phát triển.

Hoạt động thương mại vẫn đang là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế 9 tháng qua. Điều này thể hiện qua tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 578,5 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 299,6 tỷ USD, tăng 15,4%.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng tiếp tục là điểm sáng hỗ trợ cho phát triển sản xuất và xuất khẩu. Cụ thể, 9 tháng qua, cả nước đã thu hút 24,78 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư thực hiện ước tăng 10,7% so cùng kỳ...

Như vậy có thể thấy, về tổng thể, bức tranh kinh tế nước ta trong những tháng qua có rất nhiều điểm sáng nhưng những tháng còn lại của năm 2024 cũng như sang năm 2025 vẫn còn không ít rủi ro, thách thức.

Những rủi ro và thách thức này thể hiện qua việc tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn có xu hướng cao. Tiêu dùng trong nước, giải ngân đầu tư công chưa được như kỳ vọng. Các yếu tố đầu vào trong sản xuất gặp nhiều rào cản cũng như khó khăn trong chuyển dịch mô hình tăng trưởng…

Đổi mới môi trường kinh doanh và cải cách thể chế mặc dù đạt được một số tiến bộ, nhưng vẫn chậm, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, diễn biến về kinh tế của những nước lớn khó đoán định, tình hình xung đột trên thế giới diễn biến phức tạp cũng tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế.

Cho nên, để thực hiện được các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra của năm 2024, tạo tiền đề cho năm 2025, điều quan trọng, như ý kiến của một số đại biểu Quốc hội là cần kết hợp nhiều giải pháp, thực thi quyết liệt và đồng bộ để tạo sức mạnh cộng hưởng, thúc đẩy tăng trưởng.

Cụ thể, cần tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án về đất đai, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản. Thúc đẩy các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế; xác định đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân, thu hút vốn FDI có chọn lọc. Ngoài ra, cần đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới như đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, những ngành công nghiệp mới.

Năm 2024 là năm gần cuối trong thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Do đó, nếu không hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của năm nay, mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 sẽ khó có thể đạt được.

Do đó, cần có chính sách phù hợp và sự điều hành linh hoạt. Chính phủ cần tiếp tục triển khai thực hiện các kịch bản nhằm chủ động, kịp thời phản ứng với các mức độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, cần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nhằm hỗ trợ các ngành như xây dựng, sản xuất. Ưu tiên các biện pháp kích thích tài khóa trong bối cảnh dư địa ngân sách của nước ta vẫn còn.

Cần có chính sách tổng thể để tiếp sức cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế để giúp doanh nghiệp có điều kiện huy động được các nguồn lực xã hội cho phát triển.

Đặc biệt, theo ý kiến của một đại biểu Quốc hội thì cần thiết phải đánh thức, phát triển 3 động lực nội sinh là khu vực nông nghiệp, văn hóa và du lịch. Đây là những thế mạnh của nước ta và đây cũng là chủ công của đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.