Con người biết nướng bánh mì trước khi biết trồng trọt

GD&TĐ -Nhân loại biết nướng bánh mì trước khi biết trồng trọt. Phát hiện những mẩu bánh mì cháy hóa thạch ở một địa điểm khảo cổ học thuộc Đông Bắc Jordan đã cho thấy điều đó. Những mẩu bánh mì này có “tuổi” gần 14.500 năm. Hóa ra, tại địa bàn này, người cổ đại đã biết nướng bánh mì trước khi biết trồng trọt khoảng 4.000 năm.

Cấu trúc đá với lò nướng ở giữa tại địa điểm khảo cổ học Shubayqa 1
Cấu trúc đá với lò nướng ở giữa tại địa điểm khảo cổ học Shubayqa 1

Một nhóm các nhà nghiên cứu ở Đại học Copenhagen (Đan Mạch), Đại học London (Anh) và Đại học Cambridge (Anh) đã phân tích những mẩu thực phẩm đã hóa thạch tại địa điểm khảo cổ học Shubayqa 1 ở Đông Bắc

Jordan, từ 14.400 năm trước, từ thời kỳ văn hóa săn bắn hái lượm Natufian. Tại đây, họ đã tìm thấy các chứng cớ lâu đời nhất về chế biến bánh mì. Điều đó cho thấy các cư dân thời kỳ đó đã phát hiện ra công dụng của các hạt lúa mì hoang dã từ khá sớm. Trong giai đoạn đầu phát triển, họ đã biết cách nghiền lúa mì thành bột, sàng xảy, nặn thành bánh và đem nướng. Mãi 4.000 năm sau đó, họ bắt đầu định cư và nhận thấy rằng trồng lúa mì tại chỗ giúp họ sống dễ dàng hơn.

“Việc phát hiện hàng trăm mẩu thức ăn hóa thạch ở Shubayqa 1 là sự kiện khác thường, giúp chúng ta mô tả thói quen ẩm thực từ hơn 14.000 năm trước. 24 mẫu thức ăn được nghiên cứu cho thấy vào giai đoạn đó các hạt lúa mì, lúa mạch hoang dã đã được nghiền, sàng xảy và nặn thành bánh. Các sản phẩm từ lúa mì, lúa mạch trông giống như bánh xốp hóa thạch tìm thấy trong các địa điểm khảo cổ học thời kỳ đồ đá mới – Nữ Tiến sĩ Amaia Arranz Otaegui ở ĐH Copenhagen, tác giả chính công trình nghiên cứu, cho biết – Hiện giờ chúng ta biết là những sản phẩm giống như bánh mì đã được chế biến (nướng) trước khi loài người phát triển nông nghiệp khá lâu. Trong bước nghiên cứu tiếp theo, chúng ta phải xác định liệu việc làm bánh và ăn bánh có gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự khởi đầu trồng trọt và quá trình định cư của loài người nói chung hay không”.

“Đối với chúng tôi, văn hóa hái lượm Natufian là đặc biệt hấp dẫn, bởi đại diện của nền văn hóa này sống trong giai đoạn chuyển tiếp, thay đổi từ cách sống du mục sang định cư, đồng thời thay đổi cả thói quen ẩm thực” – nhà khảo cổ học Tobias Richte ở ĐH Copenhagen, cho biết – “Dao đá và các công cụ bằng đá khác còn sót lại sau nền văn hóa này cho thấy loài người học cách sử dụng thực vật rất nhanh và hiệu quả. Những tàn tích bánh mì chứng tỏ khả năng nướng bánh mì xuất hiện sớm hơn nhiều so với khả năng trồng trọt. Điều này cũng có thể gợi ý rằng, việc làm bánh mì công phu, tốn nhiều thời gian đã thúc đẩy và khởi đầu cuộc cách mạng nông nghiệp và buộc cộng đồng khi đó phải canh tác lúa mì”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ