Con không là búp bê sống!

GD&TĐ - Nhân danh tình thương, có những bố mẹ, ông bà giữ cháu khuyết tật trí tuệ ở nhà, khiến trẻ không thể phát triển được chút năng lực nào, trở thành gánh nặng thực sự cho gia đình và xã hội.

Con không là búp bê sống!

Gia đình ông Chuẩn có đứa cháu trai tên Nam bị tự kỷ. Nay cháu đã lên 14 tuổi, cao lớn lộc ngộc và rất quậy. Cháu Nam chỉ uống sữa, ăn vụng muối, ngoài ra không biết ăn cơm. Mỗi lần bà nội ép ăn cơm thì như cực hình, cháu vung vãi cơm khắp nhà, trát cơm lên tường, rồi la hét ném vỡ bát, hất đổ cả mâm cơm.

Mỗi ngày, ông bà thay nhau giữ tay cháu Nam, để cháu không đập vỡ đồ vật. Nam thích đập đồ để nghe tiếng vỡ chát chúa, thích nhất là ném bát vào kính. Do đó, nhà cháu phải sắm toàn đồ inox và không dám để một tấm kính, gương nào trong nhà hoặc cửa. Nhưng Nam cũng không tha, cháu tiếp tục ném bát inox vào tivi làm hỏng tới 4 chiếc tivi. Gia đình đành chuyển tivi vào phòng ngủ của bố mẹ Nam và luôn khóa kín. Ai vào xem tivi thì mở khóa, chốt bên trong, xem xong ra ngoài lại khóa chặt cửa.

Có người mách bố mẹ Nam đưa cháu đến một trung tâm tự kỷ TV để cháu được sống cùng cộng đồng trẻ tự kỷ, được huấn luyện kỹ năng xiếc ba môn phối hợp, gồm đi xe đạp một bánh, đội chai nước trên đầu và tung hứng bóng trên tay. Bố mẹ Nam đưa con đến trung tâm này và được nhận vào học ngay.

Họ rất xúc động khi thấy hàng chục cháu nhỏ tự kỷ không phá phách la hét hoặc ngồi một chỗ mà tập trung luyện kỹ năng xiếc rất thành thục. Cháu Nam ban đầu bỡ ngỡ, nhưng khi được một thầy giáo trong trung tâm đỡ đầu, chăm sóc và huấn luyện riêng cho cháu, thì chỉ 2 tuần sau, cháu đã có thể thạo kỹ năng đi xe đạp 1 bánh chạy hết đường chạy trong trung tâm TV.

Chỉ có điều, từ khi cháu Nam đến sống ở trung tâm, thì ông bà cháu suốt ngày than thở vì nhớ cháu. Ông nội lo rằng ở đó không có ông kè kè bên cạnh trông chừng, nhỡ đâu Nam bị bạn bắt nạt? Bà nội lo Nam chỉ uống được sữa, mà trung tâm thì nhất định huấn luyện Nam ăn cơm, bún, mỳ và nhiều thức ăn đa dạng, nhỡ đâu Nam không ăn được, kiệt sức thì sao? Cả ông, bà suốt ngày than vãn vì nhớ cháu, cằn nhằn con trai và con dâu đòi đón Nam về nhà, không cho học ở trung tâm nữa.

Mẹ Nam giải thích rằng, Nam sống ở trung tâm, được huấn luyện đúng cách, hơn nữa lại được sống trong cộng đồng các cháu tự kỷ, đã tiến bộ lên nhiều, nên đồng cảm và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Nam không những luyện tốt kỹ năng đi xe đạp một bánh, mà còn biết tự ăn cơm, ăn được các thức ăn khác ở trung tâm như các bạn. Buổi tối, Nam đã ngủ ngon giấc, không thức dậy ít nhất 5 lần/đêm như ở nhà để quậy phá. Ở nhà, mọi người trong gia đình cũng được bình yên hơn, tập trung vào việc của mình hơn và được tĩnh dưỡng chứ không bận rộn chăm sóc Nam và canh chừng cháu phá đồ như trước.

Trước những lý lẽ của con dâu, bà mẹ chồng lại lớn tiếng chỉ trích, quy kết rằng mẹ Nam không biết thương con, chỉ muốn giao con cho người ta giữ để rảnh nợ. Làm mẹ mà không muốn gần con, chỉ muốn quăng con đi xa để mình nhàn thân thì là loại mẹ quạ tha!

Không chịu đựng nổi những cằn nhằn và sức ép từ bố mẹ chồng, mẹ Nam đành đến trung tâm đón con về nhà cho ông bà vừa lòng.

Về đến nhà được ba hôm, Nam không những không chịu tập xe đạp nữa, mà em lại trở về thói quen cũ, la hét suốt ngày đêm và đập phá đồ. Ông bà nội lại thay nhau ngồi giữ tay cháu. Không “tiến” thì “thoái”, một tuần sau, Nam lại không chịu ăn cơm nữa, chỉ uống sữa.

Bố mẹ Nam nhìn cảnh ông nội khư khư giữ chặt tay cháu, mồm liên tục hét, cả ông và cháu đều hét. Ông thì bảo thủ, cố giữ cháu như giữ búp bê sống trong nhà để “chơi”, mà không hề nghĩ rằng, hành động của mình chẳng khác gì cầm tù đứa cháu, khiến bệnh cháu nặng hơn.

Trong khi đó, tại trung tâm, các bạn tự kỷ như cháu, được huấn luyện tốt trong môi trường phù hợp, đã phát triển tốt, làm được việc có ích, thậm chí có bạn được trả mức lương khá dù chưa đến 18 tuổi.

Muốn con cháu phát triển, thì trước hết, bậc ông bà, bố mẹ phải “cai” được thói nghiện ôm khư khư con cháu trong vòng tay mình, phải tự nghiêm khắc để không coi con cháu như thứ búp bê sống cho mình “chơi”, vô tình làm hỏng tương lai của con cháu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...