Thay “trách nhiệm” bằng “đam mê”
Ở ngôi nhà Tâm Việt chúng tôi, có những đứa trẻ tự kỷ, tuổi 16 cao lớn phổng phao, nhưng có hành vi bất thường. Em trai ấy có thể tụt quần đứng tồng ngồng, phóng uế bừa ra phòng học, thậm chí bôi bẩn lung tung. Có cô giáo mới không quen, nhìn thấy thế thì bỏ chạy.
Tôi gọi cô giáo đỏ mặt ngượng ngùng ấy lại và bảo, tại sao em bỏ chạy? Nếu em là em trai kia thì sao? Hoặc em là mẹ của em ấy thì sao? Em hãy nghĩ đi. Đó là việc dạy nhân cách qua ứng xử, quản trị cảm xúc, tâm thế.
Cô giáo ấy hiểu ra, không bỏ chạy nữa, dũng cảm vứt bỏ cảm xúc thông thường, để lớn hơn và kiểm soát cảm xúc, tập trung vào mục tiêu dạy học, huấn luyện cho học trò tự kỷ của mình.
Như vậy, “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”. Nếu nương theo cảm xúc bình thường mà bỏ chạy, thì làm sao học trò tự kỷ của chúng tôi lại có thể trở thành kỷ lục gia?
Đạo đức chính là tính cách xuất sắc. Đạo đức là thói quen làm việc xuất sắc.
Có những người, chỉ đặt mục tiêu là tiền. Do đó, họ nhảy việc liên tục, thấy nơi nào trả lương cao hơn là nhảy việc. Họ không nhìn vào tổng thể công việc và tổ chức, mà chỉ nhìn vào một điểm: mức lương. Kết quả là, họ sẽ chịu đựng mọi ức chế, mọi điểm bất lợi trong công việc đó chỉ để thu được đồng tiền. Họ chịu đựng công việc để có tiền, chứ không hề đam mê làm việc, sung sướng được làm việc. Họ bị đồng tiền điều khiển suốt quãng đời đi làm, cho đến khi mệt mỏi kiệt quệ, hết năng lượng, cũng không thể hạnh phúc tận hưởng số tiền mình kiếm được một cách thoải mái nhất.
Bạn hãy đảo ngược lại con đường một chiều đó. Trước tiên, yêu công việc mình làm, làm đam mê, nhiệt huyết, không để đồng tiền hay bất cứ điều gì chi phối, làm bạn xao lãng tâm trí, làm phân tán tư tưởng và tiêu hao năng lực của bạn vô nghĩa. Hãy tập trung làm tốt nhất, ngày hôm nay làm tốt hơn ngày hôm qua. Và đồng tiền đến với bạn như món phần thưởng, gia tăng hạnh phúc cho bạn. Hạnh phúc khi làm việc của mình là mục tiêu. Công việc bạn làm không biến bạn thành phương tiện kiếm tiền, mà là cách thể hiện đam mê cuộc sống, ý nghĩa sống của bạn.
Hãy thay đổi từ “làm việc vì TRÁCH NHIỆM” thành “làm việc vì ĐAM MÊ”.
Rèn ý chí Việt
Căn bệnh nan y của người Việt chúng ta là thiếu ý chí. Không trường nào đặt việc dạy ý chí lên hàng đầu. Chúng tôi cho rằng, việc dạy, rèn luyện ý chí phải là việc đầu tiên, chính yếu tại môi trường giáo dục. Kiến thức hiện nay có thể học được ở nhiều môi trường khác, không nhất thiết trong trường học. Vậy nên, nếu nhà trường không đổi mới, chỉ chuyên tâm dạy kiến thức, ép học sinh “gạo kiến thức”, thì dần dần, nhà trường sẽ “mất khách”. Học sinh không đời nào lãng phí cả 10 năm phổ thông, 4 năm đại học chỉ để học được khối kiến thức mà đa phần không cần dùng đến trong suốt cuộc đời họ. Kiến thức cần dùng trong công việc, có thể chỉ cần học trong vài tháng. Nhưng kỹ năng làm việc, và rèn ý chí, thì cần rèn luyện cả đời.
Rèn ý chí, là thay suy nghĩ bình quân bằng suy nghĩ xuất sắc. Thay những mục tiêu ngắn hạn thành khát khao lớn lao.
Trong các giờ giáo dục công dân trên lớp hiện nay, chúng ta mới chỉ học lý thuyết, khái niệm đạo đức. Theo chúng tôi, Đạo đức chính là tính cách xuất sắc. Đạo đức là thói quen làm việc xuất sắc. Tính cách không học qua lý thuyết mà hình thành được, phải rèn qua nhiều tháng, năm, mới tạo nên tính cách xuất sắc.
Như vậy, việc quan trọng nhất trong nhà trường là dạy nhân cách và rèn tính cách.