Con đứng lớp dạy chữ cho mẹ

GD&TĐ - Lớp học đặc biệt ở biên giới Sa Thầy (Kon Tum) với những học viên tuổi từ 27 đến ngoài 60.

Giáo viên tình nguyện, thay phiên nhau đứng lớp dạy chữ cho bà con. Ảnh: Dung Nguyễn
Giáo viên tình nguyện, thay phiên nhau đứng lớp dạy chữ cho bà con. Ảnh: Dung Nguyễn

Chị em cùng học… xóa mù chữ

Đêm mưa, hàng chục người Jrai từ làng Trang và O (xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy) vẫn đầu đội đèn, kéo nhau về Trường Tiểu học - THCS xã Ya Xiêr học lớp xóa mù chữ. Lớp học 19 giờ mới bắt đầu, nhưng 18 giờ 15 phút đã lác đác học viên đến. Mở cuốn vở mới được giáo viên phát hôm khai giảng, bà Y Kíp (55 tuổi) ôn lại bảng chữ cái học hôm qua.

Bà Y Kíp sinh ra trong gia đình có 7 anh, chị em. Xưa kia, nhà nghèo, mấy người anh của bà Kíp được ưu tiên đến trường học chữ, còn chị em gái theo cha mẹ lên nương. Lớn lên bà Kíp lập gia đình và sinh được 4 người con. Không muốn con thất học như mẹ, bà cố gắng làm lụng và động viên các con đến trường.

Khi con lớn, cháu cũng được đi học, bà Kíp mong bản thân cũng biết đọc, viết. Sau những buổi cạo mủ cao su, trồng mì… bà Kíp nhờ cháu ngoại dạy bảng chữ cái, tính toán. Thế nhưng, cháu còn nhỏ chỉ dạy được vài chữ rồi bỏ ngỏ. Hay tin xã mở lớp xóa mù chữ, bà Kíp liền đăng ký đi học.

Lần đầu tiên người phụ nữ Jrai được đến trường học chữ, đôi tay run run cầm bút viết. Y Kíp chăm chú nghe giảng, tô theo chữ cái mà giáo viên viết mẫu. Mấy ngày trôi qua, bà Kíp đã có thể tự viết tên mình bằng nét chữ nguệch ngoạc. Cô giáo đầu tiên dạy bà Kíp biết đọc, biết viết cũng chính là Y Glac - con gái bà.

“Con gái là giáo viên dạy mình đọc - viết nên mấy ngày đầu mọi người trêu ghẹo nhiều lắm. Mình không ngại vì đi học để biết chữ mà, đó là ước mơ từ lâu rồi. Con gái là giáo viên có thể hướng dẫn, kèm mình viết và tính toán nhiều hơn khi ở nhà. Mình vui và hạnh phúc lắm”, bà Y Kíp chia sẻ.

Để học viên quen dần bút viết và vở, suốt 2 tuần đầu, cô giáo Y Glac dành thời gian cầm tay, nắn nót cho từng người. Tay học viên quen cầm cuốc làm nương rẫy nên mấy ngày đầu khô cứng và thô ráp. Cũng có những học viên lớn tuổi, mắt mờ phải dùng đèn pin soi sáng để thấy đường viết chữ.

Học cùng lớp chị em nhà bà Y Kíp còn có hai chị em ruột Y Lok (47 tuổi) và Y Lai (42 tuổi). Nhà Y Lok có 10 anh chị em, trong đó 5 con trai và 5 gái. Trước kia đàn ông trong nhà được ưu tiên đi học nên chị em bà cũng như nhiều phụ nữ trong làng không biết chữ.

Mẹ mất khi em út mới 9 tháng tuổi, chị em Y Lok tất tả với cuộc sống mưu sinh nên quên đi học. Lớn lên muốn học để biết mặt chữ nhưng nhà xa, quanh quẩn trên nương cả tuần mới về nên chẳng nhớ việc đến trường.

Chị Lok có 2 con, còn Y Lai có 4, tất cả đều được đi học đến nơi đến chốn. Khi con, cháu biết đọc, viết hai người phụ nữ lại cảm thấy tủi thân, ngại ngùng vì chẳng thể tự viết tên mình.

Hay tin Nhà nước, địa phương tạo điều kiện cho đi học Y Lok và Y Lai mừng rỡ tham gia. “Trải qua mấy buổi học mình dần thuộc bảng chữ cái nhưng chưa ghép được nhiều từ. Mình phải cố gắng làm và học để biết đọc, viết cho con cháu noi theo”, chị Y Lai bộc bạch.

Vợ chồng bà Y Mơk rủ nhau đi học chữ. Ảnh: Dung Nguyễn

Vợ chồng bà Y Mơk rủ nhau đi học chữ. Ảnh: Dung Nguyễn

Vợ chồng rủ nhau đi học

Sau buổi lên nương, vợ chồng ông A Dang (62 tuổi) và bà Y Mơk (58 tuổi) tranh thủ ăn tối rồi đến trường học chữ. Chưa từng đi học ngày nào nên bà Y Mơk được giáo viên dạy từ bảng chữ cái đến phép toán cộng trừ. Còn ông A Dang đã học nhưng quên nên được thầy, cô bổ túc ở lớp kế bên.

Đến lớp sớm hơn mọi khi, ông Dang hướng dẫn vợ viết chữ, tính phép cộng - trừ đơn giản. Mỗi khi vợ viết chưa đúng, ông Dang động viên cố gắng thêm vài lần. Ở tuổi ngũ tuần, đôi mắt bà Y Mơk chẳng nhìn rõ nên phải rọi đèn viết chữ. Chiếc đèn đội đầu le lói sáng, đôi tay chai sần của bà Mơk chậm rãi đưa theo.

Ông Dang chia sẻ, hai vợ chồng mong muốn được đi học từ lâu, nhưng tất bật công việc đồng áng và lo cho con ăn, học nên dần quên. Giờ đây con đã có gia đình, cuộc sống ổn định nên vợ chồng ông quyết đi học.

“Dù quá tuổi học lớp xóa mù chữ nhưng mình vẫn xin thầy, cô cho đi vì muốn biết đọc, viết. Nhiều hôm đi bệnh viện khám, bác sĩ kê đơn thuốc mà không biết chữ nên mình chẳng hiểu. Giờ được đi học vợ chồng mình sẽ cố gắng để ít nhất là biết viết tên mình”, ông A Dang chia sẻ.

Thầy Lê Xuân Quang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học – THCS xã Ya Xiêr cho hay, ban đầu lớp xóa mù chữ chỉ có 30 học viên đăng ký. Sau buổi đầu tiên, bà con thấy lợi ích từ việc học nên số lượng tăng lên 38 người, có độ tuổi từ 27 đến 62.

Đầu vào của học viên chưa đồng đều nên nhà trường phân công mỗi buổi 2 giáo viên trực tiếp đứng lớp và 2 thầy, cô trợ giảng. Mỗi tuần 6 buổi, lớp học bắt đầu từ 19 giờ và kết thúc lúc 21 giờ 30 phút. Học viên được học 3 môn: Toán, Tiếng Việt và Tự nhiên xã hội.

“Mong muốn tất cả bà con sớm biết đọc, viết nên toàn bộ thầy, cô trong trường đều tình nguyện đứng lớp và hỗ trợ học viên. Mỗi người một việc, từ vận động đến dạy học viên bảng chữ cái và tính toán. Sau bài kiểm tra số 1, nhà trường sẽ tổ chức buổi liên hoan nhỏ nhằm động viên, khích lệ tinh thần học tập của học viên”, thầy Quang tâm sự.

Bà Võ Thị Kim Dung - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sa Thầy cho hay, trong năm 2023 đơn vị tổ chức khai giảng và dạy 17 lớp xóa mù chữ. Những lớp học này được phân bổ đồng đều tại 17 điểm trường để dạy cho 481 học viên ở độ tuổi từ 15 - 60 thuộc 9 xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

“Ngành Giáo dục huyện Sa Thầy mong muốn người dân ai cũng biết đọc, viết… sát thực nhất là học viên viết và tự kí tên mình. Đồng thời biết tính toán để phát triển kinh tế gia đình, làm gương cho con cháu noi theo”, bà Dung nói.

Xưa kia không được đi học nên giờ mẹ cùng bác Y Kay và dì Y Kan rủ nhau tham gia lớp xóa mù chữ. Khi thấy cả nhà hào hứng đến trường tôi vui lắm nên luôn động viên và hỗ trợ hết sức để mọi người sớm viết được tên mình. Cô Y GLAC

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ