4 giải pháp vận động người dân tham gia các lớp xóa mù chữ

GD&TĐ - Cô giáo Tây Nguyên chia sẻ kinh nghiệm huy động, vận động người dân mù chữ, người chưa đạt chuẩn biết chữ tham gia các lớp xóa mù chữ.

Một lớp học xóa mù chữ của tỉnh Đắk Nông. Ảnh: P.T/Báo Lao động.
Một lớp học xóa mù chữ của tỉnh Đắk Nông. Ảnh: P.T/Báo Lao động.

Cô Trần Thị Hồng Phượng - giáo viên Trường tiểu học Bi Năng Tắc, xã Đắk Gằn (Đắk Mil, Đắk Nông) nhấn mạnh, phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược quan trọng nhằm nâng cao dân trí, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân.

Với phương châm không để người dân thiệt thòi vì không biết chữ, Phòng GD&ĐT huyện Đăk Mil, xã Đăk Gằn tạo mọi điều kiện cho người dân đi học. Theo đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm, chăm lo công tác giáo dục.

Các tổ chức, đoàn thể, các nhà hảo tâm cùng chung tay, góp sức, huy động nguồn lực để hỗ trợ, giúp đỡ nhà trường thực hiện công tác giảng dạy và tổ chức các hoạt động giáo dục.

Ban giám hiệu Trường tiểu học Bi Năng Tắc luôn thực hiện chỉ đạo của Phòng GD&ĐT và địa phương để làm tốt công tác xóa mù chữ. Cô Trần Thị Hồng Phượng chia sẻ một số biện pháp huy động, vận động người mù chữ, người chưa đạt chuẩn biết chữ tham gia các lớp học xóa mù và duy trì được sĩ số học viên, nâng cao chất lượng lớp xóa mù.

Một lớp học xóa mù chữ ở xã Đắk Gằn (Đắk Mil, Đắk Nông). Ảnh: NVCC.

Một lớp học xóa mù chữ ở xã Đắk Gằn (Đắk Mil, Đắk Nông). Ảnh: NVCC.

Thứ nhất, công tác vận động học viên ra lớp, dựa vào kết quả phổ cập giáo dục, đến từng nhà nắm lại thông tin là việc vô cùng gian nan, nhiều trường hợp ban vận động đến rất nhiều lần nhưng họ không đi dù đã được tặng bút, vở và một số nhu yếu phẩm cần thiết.

Sau đó khi được cha đạo, già làng nhắc nhở, động viên, vận động nên họ đã đi học đều đặn. Điều đó cho thấy, việc kết hợp với già làng, cha đạo, các đoàn thể như: Phụ nữ, mặt trận, Đoàn thanh niên… là giải pháp hữu hiệu, cần được phát huy.

Thứ hai, liên hệ các mạnh thường quân hỗ trợ những phần quà có giá trị để động viên học viên đến lớp. Phòng GD&ĐT kêu gọi các trường ở địa bàn thuận lợi cùng chung tay, góp nhiều phần quà cho học viên trong các dịp khai giảng, tổng kết lớp học xóa mù chữ.

Thứ ba, đổi mới phương pháp, hình thức dạy học phù hợp với đối tượng học viên như: Trong tiết tiếng Việt, nhắc học viên mang theo một số đồ dùng học tập trực quan là những nông sản của bà con như: chùm ổi khi học vần Ôi, quả xoài khi giới thiệu âm X…

Sau tiết học, cô trò cùng liên hoan các sản phẩm từ vườn nhà, tạo không khí vui tươi, phấn khởi và kích thích người dân đến với lớp học.

Tiết Khoa học, giáo viên lồng ghép hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt cây xoài, sầu riêng; cách sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu hiệu quả, tiết kiệm. Bàn về kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm. Giáo viên cho học viên xem các video hướng dẫn làm nông để tiết học sinh động, lôi cuốn người học.

Hay khi dạy Toán, giáo viên hỏi học viên hôm nay bán mấy tạ xoài và đổi ra kg khi học bài đơn vị đo khối lượng. Cách tính diện tích vườn rẫy khi biết chiều dài, chiều rộng. Giáo viên thường xuyên dùng vật thật, liên hệ những điều đơn giản hằng ngày để bà con thấy giá trị khi được học chữ.

Tiết sinh hoạt lớp cuối tuần, giáo viên cùng trao đổi kinh nghiệm chăm sóc con cái, ứng xử trong gia đình hay đơn giản là cách dạy con…

Thứ tư, coi người học là người thân, tìm hiểu hoàn cảnh điều kiện gia đình để có cách giúp đỡ kịp thời cũng như: điều chỉnh cách dạy sao cho phù hợp với từng đối tượng.

Tóm lại việc huy động, vận động người mù chữ, người chưa đạt chuẩn biết chữ tham gia các lớp xóa mù chữ là việc làm cần thiết, không phải của riêng ngành Giáo dục mà là của toàn xã hội. Theo đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban giám hiệu nhà trường, lãnh đạo phòng giáo dục, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể xã hội và các thầy cô giáo.

Việc xóa mù chữ không chỉ dừng lại ở kỹ năng đọc, viết mà còn tăng cường cung cấp kiến thức khoa học và công nghệ; thông tin và truyền thông cũng như nhiều lĩnh vực khác trong đời sống để người dân có cơ hội hòa nhập; đồng thời tiếp cận bình đẳng với tri thức, góp phần phát triển kinh tế xã hội bền vững.

Cô Trần Thị Hồng Phượng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ