Con chữ vượt cổng trời Krông Bông

Con chữ vượt cổng trời Krông Bông

(GD&TĐ) - Tháng 11 dương lịch, những cơn mưa cuối mùa ở Tây Nguyên vẫn còn trút xuống trên khắp các ngã đường, đặc biệt những con đường rừng như dài hơn, hun hút. Không tấp nập như các trường học ở phố thị, nhiều ngôi trường được dựng bằng ván ép ở Đắk Lắk nằm cheo leo, trầm tĩnh… 

Từ cổng trời Krông Bông

Cách thành phố Buôn Ma Thuột gần 100km, theo Quốc lộ 27 (hướng Đắk Lắk đi Đà Lạt), huyện Krông Bông là nơi có nhiều núi cao, vực sâu. Ở đây còn có một con dốc nổi tiếng là Dốc cổng trời Ea Lang. Vượt qua con dốc này là đến trường tiểu học Yang Mao.

Chúng tôi đến đây khi trời đã gần trưa, rồi ngay sau đó tìm đường đến nhà ông thôn trưởng nằm chênh vênh giữa con dốc lớn. Đang đi, chợt từ trong cửa rừng ùa ra một tốp trẻ thơ quần xanh, áo trắng lẫn với váy hoa khăn thêu rực rỡ. Thấy chúng tôi có vẻ ngơ ngác, ông trưởng thôn A Linh cũng vừa đến, vội lý giải: “Học sinh trường tiểu học Yang Mao đấy. Tuy đứa nào cũng phải lội bộ mấy km đường đất, đường rừng đến lớp nhưng chăm học lắm.

Đó cũng là nhờ các thầy cô giáo thường xuyên đến động viên và giải thích về tầm quan trọng của việc học chữ cho buôn làng. Yang Mao là nơi ngụ cư chủ yếu của bà con dân tộc M’Nông, Ê Đê và một phần rất ít bà con người Kinh. Nhiều năm trước, ở đây toàn đường đất, trẻ em thất học nhiều lắm, năm 2001, cả xã chỉ có mấy đứa lên thị trấn học được đến lớp 5 thôi. Nhưng nay lũ trẻ đi học gần hết rồi”.

Cô giáo Nguyễn Thị Mến và học sinh ở trường tiểu học Kim Đồng (Đắk Ngo - Đăk Nông
Cô giáo Nguyễn Thị Mến và học sinh ở trường tiểu học Kim Đồng (Đắk Ngo - Đăk Nông

Đưa chúng tôi thăm một vòng quanh trường, cô giáo Nguyễn Thị Lài tâm sự: “Về đây rồi mới thấy các em học sinh nơi này tội lắm. Có nhà hai chị em đi học chỉ có độc một bộ quần áo. Có nhiều em thiếu quần áo nên cả tuần mới thay một lần”. Yang Mao là một xã đặc biệt khó khăn của Đắk Lắk, nên cách đây 5 năm, giáo viên đến cắm bản phải mượn kho chứa lương thực của buôn để ở tạm. Bây giờ thì đã có nhà công vụ, thế nhưng, vào mùa khô, nước không có, các thầy cô giáo phải đi mấy km để lấy nước sinh hoạt.

Cách trường tiểu học Yang Mao không xa là trường THCS Yang Mao. Theo thầy Y Sang Niê, hiệu trưởng nhà trường, nghe nói đến trường THCS Yang Mao ai cũng có cảm giác ngại vì trường nằm cheo leo trên núi M’ Năng Dơng xa xôi. Nhưng như cô giáo Nguyễn Thị Dung, Nguyễn Thị Thu Hà thì: “Chính những gương mặt ngây thơ cứ níu lấy tay mình và chăm chú nghe mình giảng như ‘nuốt’ lấy từng con chữ, rồi những lúc rảnh rỗi, các em mang bó rau đến tặng các thầy cô… đã khiến mọi nhọc nhằn vơi đi. Lúc đầu đến lớp, mình không biết tiếng dân tộc, học sinh cũng chưa rõ tiếng Kinh, mình giảng bài một lúc, thấy học sinh cứ ngơ ngác. Hôm sau lớp học vắng hoe. Lúc ấy mình chạy lên báo cáo với ban giám hiệu và thấy nản lắm. Nhưng gắn bó với núi rừng riết rồi quen và xem như quê hương thứ hai của mình từ lúc nào không biết”.

Theo hiệu trưởng trường THCS Yang Mao, để động viên các em đúng độ tuổi đến lớp, phổ cập xóa mù chữ, các thầy giáo, cô giáo luôn thay nhau đi khắp các thôn buôn, làm công tác dân vận với phụ huynh, động viên các em tới lớp học. 

Tiết học lớp 1 ở trường tiểu học Yang Mao
Tiết học lớp 1 ở trường tiểu học Yang Mao

Đến vùng biên giới Đắk Ngo

Cách đây 6 năm, khi chưa tách tỉnh, khu vực biên giới Đắk Ngo (hiện nay thuộc huyện Tuy Đức, Đắk Nông) được xem là một vùng biên quan trọng nhưng nghèo nàn với những khó khăn chồng chất. Đặc biệt, chuyện học của con em mình ở đây như còn xa vời với nhiều người dân. Thế nhưng từ khi trường tiểu học Kim Đồng được thành lập, những đứa trẻ người Mông, người Dao ở đây đã từng bước thoát khỏi nạn mù chữ. Và, nói đến trường tiểu học Kim Đồng ở khu vực biên giới này ai cũng một lòng khâm phục cô giáo Nguyễn Thị Mến. Gần 10 năm trước, cô Mến từ Thanh Hóa khăn gói vào Tây Nguyên dạy học, mặc cho gia đình ngăn cản. Khi mới đến biên giới Đắk Ngo, nhiều đồng nghiệp của cô Mến đã rời trường, bỏ lớp mà đi vì không chịu nổi cảnh buồn tẻ trước hun hút rừng già.

Thế nhưng, Mến vẫn nhủ với lòng mình đã quyết chí đến đây thì phải dạy cho tốt. Mỗi lần buồn nản, cô lại tự nhủ: Nếu đi rồi bỏ học trò lại cho ai. Và cứ thế, hình ảnh những con đường mòn của rừng già, những rẫy bắp, rồi hình ảnh thân thương của các em học sinh người M’Nông ăn sâu vào tiềm thức, như đó là một phần cuộc sống của cô. Như cô Mến, nhiều giáo viên khác ở trường tiểu học Kim Đồng cũng gắn bó với trường lớp vì chính lòng yêu nghề của mình.

Theo nhiều giáo viên ở đây, bí quyết cắm bản là trữ thật nhiều cá khô, mì gói. Và, một trong những trở ngại lớn nhất khi họ mới đến đây là không biết tiếng địa phương, học sinh cũng chưa rõ tiếng Kinh. Nhớ lại những ngày đầu mới đặt chân đến Đắk Ngo, cô giáo Nguyễn Thị Linh kể: “Mới lên lớp giảng bài tuần đầu tiên, thấy học sinh cứ ngơ ngác. Hỏi gì cứ nói Chi Pâu, Chi Pâu và lắc đầu nguây nguẩy. Hôm sau lớp học vắng hoe. Tìm hiểu ra mới biết Chi Pâu là không biết, không hiểu. Thế là những ngày sau đó, các giáo viên lại cấp tốc học thêm tiếng dân tộc và đến từng nhà học sinh vận động các em ra lớp. Nhiều em hôm nay đến nhà vận động thì ra lớp nhưng ngày mai lại nghỉ. Đến nhà hỏi mới tá hỏa ra là các em chờ cô giáo đến đón đi học”. 

Giờ ra chơi của học sinh ở Yang Mao
Giờ ra chơi của học sinh ở Yang Mao

Và vùng sâu Ea Trang

Cách đây gần năm năm, chúng tôi còn về nhiều buôn ở Ea Trang (huyện Ma Đrăk, Đắk Lắk) làm phóng sự về chuyện đói cơm, khát chữ ở đây. Nhưng những ngày này đến Ea Trang, những đứa trẻ đến tuổi đi học không còn ngơ ngác khi được hỏi về chuyện trường lớp nữa mà đã biết hào hứng khoe: “Đi học vui lắm anh ạ! Được hát, được đánh vần chữ rất thích”.

Gặp chúng tôi, thầy Nguyễn Mạnh Điệp, Hiệu trưởng nhà trường THCS Phan Bội Châu, vui vẻ cho biết: “Mấy năm trở lại đây, tỷ lệ học sinh học hết tiểu học ngày càng nhiều. Cứ đà này chẳng bao lâu nữa Ea Trang sẽ cơ bản xóa được nạn mù chữ. Thế nhưng, để sự nghiệp giáo dục ở đây phát triển mạnh thì còn phải vượt qua nhiều gian khó nữa”. Học sinh ở đây đa số đều là con em đồng bào dân tộc, phải ở lại trường, chỉ cuối tuần các em mới về nhà, đong được ít gạo, muối, cá khô, măng khô rồi đầu tuần lại vượt rừng lên trường học tiếp nên việc gần gũi, quan tâm động viên các em luôn được chú trọng. Một trong những nguồn động viên làm cho các giáo viên ở Ea Trang thêm ấm lòng là được dân buôn hiểu và yêu mến.

Ông K’Lung, buôn trưởng ở Ea Trang tâm sự: “Nhờ có cái trường, cái lớp mà bọn trẻ biết tiếng phổ thông, biết giữ vệ sinh, vâng lời cha mẹ. Trước mắt, vẫn còn một số gia đình do kinh tế khó khăn hoặc do quan niệm lạc hậu đã kiên quyết không cho trẻ đến trường! Nhưng, trong tương lai, con cái của đồng bào chúng tôi sẽ được học cái chữ nhiều hơn, học cao hơn nữa để xây dựng buôn làng”. Một số học sinh ở trường như em Lý A Lềnh, Vàng Y Long cũng tự hào: “Nhờ được đi học, nên các em không những biết cái chữ mà còn biết giặt giũ, tự lo sinh hoạt hằng ngày, chăm chỉ học, lâu lâu mới về nhà ’cõng’ lương thực lên một lần chứ không bỏ học như ngày trước nữa”.

Hà Văn Đạo

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ