Tư tưởng “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” vẫn còn hằn sâu trong nếp nghĩ của người Việt Nam. Chúng ta dường như vẫn quen vạch sẵn con đường cho con cái, hoặc là hướng chúng đi con đường hợp với ý mình. Mọi sự khác biệt đều rất khó để có được sự đồng thuận…
Hôm trước, tôi xem một bộ phim Nhật. Bộ phim được xây dựng dựa trên tiểu thuyết viết về câu chuyện có thật của một nữ sinh trung học đã tỉnh ngộ sau một thời gian dài buông xuôi tuổi trẻ, ăn chơi quên ngày tháng. Cuối cùng sau bao nhiêu nỗ lực, cô đã đỗ vào đại học Keio, làm được điều mà ai cũng cho là không tưởng.
Thật ra câu chuyện của cô bé này cũng không có gì đặc biệt. Điều khiến tôi theo dõi bộ phim từ đầu đến cuối chính là cách hành xử của mẹ cô bé. Cô bé có một người mẹ vĩ đại. Sự vĩ đại này không phải được làm nên từ những điều to tát mà đó chỉ là sự thấu hiểu, cảm thông và chấp nhận để con được sống với đúng con người của mình, tất nhiên cái đúng đó không đi ngược với những chuẩn mực đạo đức xã hội. Bên trong người mẹ - nhân vật phụ này, có đầy đủ sự nhẹ nhàng, bao dung và đức hy sinh, nhưng không thiếu phần cứng cỏi.
Làm sao để có thể chấp nhận cho con được sống với ước mơ của chúng chứ không phải gồng mình sống theo cách cha mẹ muốn? Tôi nhớ câu nói của người mẹ trong phim: “Con chỉ cần làm những việc mình thấy vui là được”. Tôi biết khi nói câu đó, người mẹ đã phải đấu tranh. Bộ phim ngắn khiến tôi nghĩ nhiều.
Ước mơ của con
Mới đây, người chị gọi điện thoại cho tôi, giọng buồn rầu, lo lắng, nhờ tôi khuyên nhủ. Con của chị, cháu tôi, tự dưng “nổi chứng” muốn trở thành diễn viên. Chị rất sốc. Tôi cũng không khỏi ngạc nhiên khi biết tin này. Tôi biết rõ cháu mình. Cậu bé ngoan hiền, học giỏi. Từ nhỏ đến giờ, cậu chưa bao giờ chịu hát, thậm chí, giờ học nhạc ở trường trở thành nỗi ám ảnh lớn nhất của cậu.
Vậy mà không biết vì lý do gì, đang giai đoạn cần phải tập trung cho việc học ở trường, cậu lại thiết tha xin mẹ cho mình đi học diễn xuất. Chị tôi ban đầu nghĩ rằng con đang mơ mộng linh tinh, sở thích cũng nhất thời nên nói vài câu từ chối rồi im lặng cho qua. Ai ngờ, thằng bé cứ nằn nì thuyết phục mẹ, thậm chí nó chấp nhận làm việc nhà để giúp mẹ, và hứa sẽ hoàn thành tốt chương trình ở trường, mong mẹ cho nó được học lớp thanh nhạc và lớp diễn xuất để được những người có chuyên môn định hướng.
Chị tôi từ phản ứng nhẹ nhàng đến gay gắt trước đòi hỏi viển vông của con. Thấy mẹ phản ứng quyết liệt, nó không nhắc tới điều đó nữa. Chị tưởng nó đã quên. Nhưng không. Với số tiền dành dụm được, nó lặng lẽ đi mua sách về nghiên cứu, và thậm chí, đứng hàng giờ đợi lớp học diễn xuất tan để có thể gặp đạo diễn nhờ tư vấn.
Thật sự, tôi cảm thấy rất “đau đầu” trước ước mơ của cháu. Không phải vì ác cảm. Chỉ là những va đập, sự cạnh tranh khốc liệt trong nghề khiến cho không phải ai cũng có đủ khả năng, bản lĩnh để đứng vững và nhận ra được mình là ai.
Lúc mới nghe, tôi cũng thấy thật viển vông và chưa từng nghĩ mình sẽ ủng hộ cháu. Thế nhưng, nhìn thấy trong sự van nài của nó cháy lên niềm khát khao, tôi muốn cháu một lần được sống với ước mơ của mình. Nếu như thật sự không hợp, thì tự bản thân cháu sẽ nhận ra và sẽ không hối tiếc.
Nhưng không dễ dàng để thuyết phục chị. Thấy cháu buồn, tôi thương nhưng chẳng làm gì được. Tư tưởng “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” vẫn còn hằn sâu trong nếp nghĩ của chúng ta, không chỉ riêng người Việt mà cả những nước phương Đông cũng thế.
Niềm vui có trọn?
Chúng ta dường như vẫn vạch sẵn con đường cho con cái, hoặc là hướng chúng đi con đường hợp với ý mình. Mọi sự khác biệt đều rất khó để có được sự đồng thuận từ cha mẹ và những thế hệ đi trước.
Một người quen ở lớp học tiếng Anh buổi tối đã chia sẻ với tôi rằng, dù 25 tuổi nhưng em vẫn chưa hoàn thành chương trình đại học và đang tiếp tục. Lý do là em sinh ra trong một gia đình truyền thống ngành y, cho nên gia đình bắt buộc theo ngành y bất cứ giá nào. Khi mọi lý lẽ của mình đưa ra đều không có giá trị, em miễn cưỡng làm theo ý nguyện của gia đình.
Nhưng vì tất cả đam mê dành cho công nghệ nên trong suốt mấy năm học, em liên tục bị rớt môn. Cuối cùng, gia đình phải buông tay, và em bắt đầu ước mơ của mình khi hầu hết các bạn cùng lứa đã hoàn thành xong bốn năm đại học. Cũng có khi khoảng cách giữa con cái và cha mẹ rất ngắn, nhưng vì nhu cầu, bản năng bảo vệ con cái khiến cha mẹ dù hiểu những điều con mong muốn là chính đáng nhưng vẫn muốn giữ con, hoặc hướng con trong vòng an toàn của mình.
Minh, bạn tôi, sau khi tốt nghiệp đại học, muốn dành hẳn một năm để đi đây đó, khám phá thế giới, và cũng là để khám phá bản thân trước khi bước vào cuộc sống. Ước mơ đó đã được ấp ủ từ những năm bắt đầu vào giảng đường, thế nên ngoài việc cố gắng hoàn thành chương trình học, bạn đã dành khoảng thời gian còn lại đi làm thêm và lên kế hoạch chi tiêu tiết kiệm để có đủ tiền cho một chuyến đi xa.
Thế nhưng cha mẹ không đồng ý với lý do “lớn rồi không lo làm ăn, lập gia đình mà nghĩ đến việc đi long nhong”, và “bên ngoài nguy hiểm lắm, chẳng biết khi nào bom rơi đạn lạc…”.
Cuối cùng, mất hơn sáu năm sau ngày ra trường vẫn không nhận được cái gật đầu của cha mẹ, bạn tôi đã xách ba lô lên ra khỏi nhà khi cha mẹ còn đang ngon giấc với một bức “tâm thư” để lại.
Khi có thể nói chuyện với Minh, lúc này đang ở nơi nào đó trên những đất nước xa xôi, tôi nghe giọng điệu đầy phấn khởi. Bạn kể cho tôi nghe những gì đã nhìn thấy, trải nghiệm trong chuyến đi. Tôi có thể cảm nhận được niềm hạnh phúc của bạn khi được sống với khát khao của mình.
Nhưng cuối câu chuyện, vẫn còn đâu đó một tiếng thở dài: “Tôi muốn chia sẻ niềm vui này với cha mẹ nhưng họ vẫn không muốn nói chuyện với tôi”. Và người bạn, bây giờ có lẽ vẫn tiếp tục bước đi trên con đường của mình với niềm vui chưa thật trọn vẹn.
Dẫu sao, tôi khâm phục sự can đảm của bạn. Bởi chung quanh tôi còn rất nhiều những ước mơ dang dở chỉ vì xã hội tôi sống vẫn còn thiếu những câu “Con chỉ cần làm những việc mình thấy vui là được”. Tất nhiên câu nói đó không có nghĩa “con muốn làm gì thì làm”.
Những đứa con chưa đủ lớn để nhận thức và chưa đủ trải nghiệm để phân biệt đúng - sai, luôn cần sự khuyến khích, đồng hành và cả sự uốn nắn kịp thời của cha mẹ, dù cho ước mơ đó không hợp với nguyện vọng gia đình, hay giống với số đông ngoài kia. Nếu có được điều đó thì chúng mới có đủ niềm tin, sức mạnh để đứng vững và bước đi trong sóng gió cuộc đời.