Vì sao lại như vậy và làm cách nào để khắc phục tình trạng này? Báo GD&TĐ xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài của Ths Nguyễn Thị Lan Anh – Cán bộ nghiên cứu về giáo dục trẻ khuyết tật học tập của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam về vấn đề này.
Mặc dù con bạn rất ngoan, nghe lời thầy cô và bố mẹ, học hành chăm chỉ nhưng kết quả học tập vẫn thấp, thậm chí có thể không biết đọc hoặc đọc với tốc độ rất chậm, hoặc đánh vần từng tiếng; Con bạn không biết viết hoặc viết rất chậm, sai nhiều lỗi chính tả (các lỗi sai được lặp lại nhiều lần), con bạn thường không viết được các bài tập làm văn hoặc viết nội dung không đúng với yêu cầu của đề ra; Con bạn không biết tính nhẩm, thực hiện 4 phép tính cộng trừ, nhân, chia khó khăn, con bạn không biết giải toán...
Bạn không hiểu nguyên nhân vì sao, do đâu?
Có một thời gian, các báo đồng loạt đưa tin những học sinh học đến lớp 5, 6 vẫn chưa biết đọc, biết viết hoặc biết làm toán. Cụ thể, trường hợp em L.Đ.T (11 tuổi) đã theo học 5 năm tại trường Tiểu học Phương Liệt – TP. Hà Nội nhưng không viết nổi tên mình, về khả năng học toán chỉ nhận diện được các chữ số. Em L.S.V, học sinh trường Tiểu học Lí Đạo Thành (P8, TP. Sóc Trăng) không biết đọc. Tương tự, nhiều học sinh ở một trường tiểu học của tỉnh Quảng Bình không biết đọc, biết viết vẫn được lên lớp, nên sở GD-ĐT tỉnh đã lập đoàn kiểm tra, xác minh thông tin…
Hàng loạt nguyên nhân được chỉ ra là do các em lười học, không chú ý nghe giảng, bố mẹ không có điều kiện kèm cặp con thêm, giáo viên không có năng lực, hoặc không quan tâm đến học sinh, nhà trường đã quá tin tưởng giáo viên… và cả áp lực giao chỉ tiêu, áp lực của trường chuẩn Quốc gia…
Tất cả các nguyên nhân trên đều đúng, song chưa đủ. Với cách nhìn khoa học , qua nghiên cứu, chúng tôi đã tìm nguyên nhân chủ quan, đó là do Khuyết tật học tập. Một “căn bệnh” do bẩm sinh kèm theo việc thiếu phương pháp giáo dục cho trẻ thuộc dạng này.
Khuyết tật học tập trong các trường tiểu học
Theo một khảo sát mới đây (năm 2016) của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam trên một diện rộng trong phạm vi toàn quốc với mục đích sàng lọc và đánh giá đặc điểm kĩ năng học tập cốt lõi về đọc, viết và toán của học sinh tiểu học Khuyết tật học tập; khảo sát điều kiện thực tiễn dạy-học liên quan, để từ đó đề xuất các giải pháp hỗ trợ giáo dục. Các giải pháp mong đợi mở rộng cho các trường tiểu học toàn quốc, phục vụ mục tiêu đổi mới giáo dục giai đoạn hiện nay.
Khảo sát được thực hiện vào đầu năm 2016 tại 30 trường tiểu học của nhiều địa phương, với tổng số gần 2.000 học sinh lớp 2 và lớp 5 được trực tiếp sàng lọc các khó khăn học tập đặc thù, trong đó 112 em được đánh giá sâu các đặc điểm về đọc, viết và toán. Cũng trong đợt nghiên cứu thực địa này, có 181 cán bộ quản lí giáo dục và giáo viên, 66 phụ huynh học sinh được phỏng vấn và hỏi ý kiến về những khó khăn và điều kiện dạy-học học sinh khuyết tật học tập. Thêm vào đó, 51 tiết học tại các lớp có học sinh khó khăn học tập được quan sát, 6 cuộc tọa đàm với các bên liên quan về vấn đề thực tiễn hỗ trợ giáo dục học sinh có khó khăn học tập đặc thù.
Kết quả nghiên cứu thực tiễn cho thấy:
Tại các trường đã khảo sát, có từ 5 đến 8% học sinh qua sàng lọc được xác định khuyết tật học tập ở một hoặc nhiều hơn một trong số các kĩ năng học tập cốt lõi gồm đọc, viết và toán. Tỉ lệ này tương đồng với “Báo cáo đánh giá giữa kì của Chương trình Đảm bảo chất lượng trường học”.
Đó là vào cuối học kì I năm học 2011-2012, ở 1.300 trường với 499.730 học sinh có 5,6% học sinh xếp loại yếu kém ở môn Tiếng Việt và 6,7% yếu kém môn Toán (SEQAP 4/2013, trg. 17-18). Số liệu này cũng tương thích theo ước tính của một số nghiên cứu quốc tế của Snowling, khoảng 4 - 7% trẻ em có tuổi đọc, viết chậm từ 18 đến 24 tháng so với các trẻ em bình thường.
Trong khi các giáo viên và nhà trường đơn thuần chỉ ra rằng có tỉ lệ nhất định các học sinh luôn có kết quả học tập yếu, kém và phần nhiều được cho là do thiếu nỗ lực và sự quan tâm học tập… thì thực tế nghiên cứu cho thấy, hạn chế của các em này dường như là các đặc điểm đặc thù, cố hữu cho dù không bị thiếu điều kiện học tập, cũng không mắc khuyết tật trí tuệ hay khuyết tật giác quan.
Cụ thể, khó khăn đặc thù về đọc đặc trưng ở sự chậm trễ về tốc độ đọc thành tiếng, mắc nhiều lỗi đọc và hạn chế hiểu văn bản. Khó khăn đặc thù về viết biểu hiện tập trung ở hạn chế kĩ năng viết tay, tạo chữ và tạo lập văn bản. Khó khăn về toán biểu hiện tập trung ở hạn chế trong hiểu các khái niệm toán học, thực hiện các thao tác với phép tính và giải quyết các vấn đề đòi hỏi tư duy về số học, đặc biệt trong giải quyết vấn đề có liên quan đến toán lời văn. Những khó khăn học tập đặc thù vừa nêu có thể xuất hiện cục bộ hoặc đồng thời ở các cá nhân học sinh.