Còn ai được như thầy!

Còn ai được như thầy!

(GD&TĐ) - Là hiệu trưởng có tâm huyết với sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà, thầy H được bà con trong vùng mến mộ. Về đức độ, thầy là người thương dân, thương trò, luôn gương mẫu về văn hóa, đặc biệt là văn hóa ứng xử trong cộng đồng và trong môi trường sư phạm. Giản dị, khiêm tốn, chu đáo, cần mẫn, thầy còn là người nổi tiếng về tiết kiệm, liêm chính… Nghiêm túc mà nói, thầy là lớp thầy đồ thuở xưa… mà lớp trẻ bây giờ chỉ có biết mà… mơ.

Ảnh: Minh họa/internet
Ảnh: Minh họa/internet

Thế hệ sinh viên trẻ ra trường, bao người cảm phục thầy mà đều lắc đầu quầy quậy, quyết không thể học tập thầy.

Bởi lẽ: Làm thầy như thầy thì nghèo lắm. Bao tâm huyết thầy dành cho chuyên môn và sợ tối kỵ hai tiếng ăn bẩn của anh em; nhất là sự mẫu mực của người thầy từ cốt cách đến tinh thần đều trong như tấm gương… Thà mang tiếng “đời thường” một chút mà giàu có còn hơn mang tiếng thanh liêm như thầy để đến nỗi vợ con nheo nhóc.

Chủ trương xa lánh cái nghèo của đông đảo giáo viên lớp trẻ đã khiến thầy không thể hòa đồng với phong cách sống và sự suy nghĩ cực tiến bộ, thực tế của lớp trẻ. Ngay cả con thầy, tốt nghiệp THPT quyết chí không theo tấm gương cũng như công việc của bố. Cả 2 đứa con đều thi khối kinh tế. Chúng mưu sinh khi còn đang ngồi trên ghế giảng đường, bằng cách bán hàng theo ca cho cửa hàng hoặc làm nhân viên tiếp thị cho hàng mỹ phẩm. Vất vả một chút, nhưng những đồng tiền chúng kiếm được đều bằng mồ hôi nước mắt và cả trí tuệ của tuổi trẻ. Chúng không thể chờ đến cuối tuần về nhà, chìa tay xin bố mấy trăm tiền lương, hoặc đợi mẹ bán con gà, con vịt để chúng ra Thủ đô học tập.

Tôi đến thăm thầy hiệu trưởng đáng kính vào một buổi chiều hè khi những đợt nắng nóng đang bủa vây vùng trung du, sau khi đi qua con đường bụi đỏ người xe ồn ã.

Thầy ốm. Gương mặt đã gầy của thầy giờ đây lại gầy hơn, cặp mắt hốc hác vô hồn sau trận ốm nặng hơn 1 tuần. Căn phòng của thầy đơn sơ, lọ hoa cắm hoa hồng để ở chiếc bàn gỗ vẫn tươi rói - những bông hoa được ngắt lên tại vườn nhà thơm ngát.  Ấm trà nóng được vợ thầy mang lên, đặt trên chiếc khay bằng gỗ… Bên ngoài, giàn thiên lý trĩu hoa, lá xanh mướt phủ xuống, tạo thành vòm xanh cho lối đi… Tiếng chim gáy vang lên, phá tan bầu không khí tĩnh mịch của khu vườn.

Hình như bao nhiêu yêu dấu bình yên đều dồn về đây sau những mưu sinh khó nhọc, bươn chải của kiếp người.

Tôi nhìn lên gian giữa của căn nhà gỗ đơn sơ.  Hình ảnh một ông đồ khăn xếp, râu tóc bạc phơ, ánh nhìn hiền hậu, bao dung… được chụp bằng ảnh trắng đen mỉm cười độ lượng nhìn qua những chân nhang. Thầy bảo đó là ông cụ thân sinh ra thầy, trước là thầy đồ thời thuộc Pháp. Ông cụ nghiêm nghị lắm, giỏi tiếng Pháp và tiếng Trung Quốc. Ông cụ dạy trẻ trường làng, vì muốn cho dân làng bớt khổ bớt mù chữ. Cụ dạy không lấy tiền. Tiếng Pháp và tiếng Trung ông cụ tự học. Nếu không có học vấn, con người không khác con trâu con ngựa… Mà đã có học, phải ứng xử ở tầm có học, sống nhân văn, yêu và thương những người dân lao động, những người bất hạnh hơn…

Ông cụ không học hành ở chốn cửa Khổng sân Trình, mà chỉ bằng con đường tự học - cụ đã dạy học ở ngôi làng này, đưa bao trẻ em, bao thế hệ ra khỏi bóng đêm của sự ngu dốt bởi thiếu học. Người dân nơi này gọi cụ là ông đồ một cách trân trọng và tôn kính… Cụ mong muốn trở thành thầy giáo, sống trong sạch, gương mẫu và biết yêu thương, trân trọng những giá trị nhân văn. Đặc biệt là sống vì người khác.

Thầy hiệu trưởng của chúng tôi đã là bản sao của thầy đồ ngày xưa - bản sao của cha, sống đúng như mong mỏi của cha: Sống có ích, vì người khác.

Tôi hỏi về việc tại sao thầy lại quá nghiêm khắc với việc có một học sinh nói dối và suýt đánh mẹ vì mẹ không cho tiền chơi điện tử. Thầy bảo: Khi tôi ký quyết định hạ hạnh kiểm, ở lại lớp để kỷ luật học sinh này, tôi cũng đau lòng lắm chứ. Có 3 người đau đớn: Mẹ em học sinh, tôi và cậu bé. Giáo dục cần nhân ái, vị tha… nhưng cũng tùy trường hợp, từng lỗi vi phạm, tùy từng thời điểm… mà mình cần làm nghiêm. Nếu không lần sau lỗi đó lại tiếp tục bị vi phạm. Bất hiếu với mẹ cha là tội lớn… khó thể dung tha. Vấn đề là kỷ luật không chỉ là tờ giấy có các chữ ký và em học sinh là người thực thi. Tôi làm như vậy là đồng hành cùng em trên con đường đi tới, con đường để làm người có ích cho xã hội. Tôi không hà khắc với em, vẫn cùng các thầy cô, các bạn trong lớp bên em… Và, nhất là không định kiến với em, để em vẫn tin tưởng vào sự công bằng, nhân văn trong cuộc đời này…

Thì ra là như vậy. Giờ tôi đã hiểu, làm được thầy đồ như thầy khó lắm… Không phải ai cũng đủ tố chất, phẩm hạnh, cách sống và bản lĩnh như thầy để biết chấp nhận và rời bỏ cho mình những cái cần thiết và không cần thiết. 

Không biết trên đời này còn có nhiều thầy cô được như thầy hiệu trưởng của chúng tôi không?

Sa Mộc 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ