Cốm Mễ Trì - Từ món ăn đến di sản văn hóa

GD&TĐ - Người dân làng Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội vừa tưng bừng vào hội. Nghề cốm của làng được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là kết quả sau hơn 10 năm người Mễ Trì nỗ lực đi tìm thương hiệu cho riêng mình.

Phó Cục trưởng Cục Di sản (Bộ VH-TT&DL) Nông Quốc Thành trao bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề Cốm Mễ Trì cho đại diện quận Nam Từ Liêm
Phó Cục trưởng Cục Di sản (Bộ VH-TT&DL) Nông Quốc Thành trao bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề Cốm Mễ Trì cho đại diện quận Nam Từ Liêm

Nghề hơn 100 năm

Không ai nhớ rõ nghề cốm ở Mễ Trì có từ khi nào, nhưng theo ước tính của các bậc cao niên trong làng thì nghề này cũng phải hơn 100 năm gắn bó cùng người dân nơi đây. Nghề cốm rất vất vả khi kéo dài từ tờ mờ sáng cho tới tận nửa đêm. Bỏm bẻm làm thắm đôi môi bằng miếng trầu, bà Nguyễn Thị Mùi (tổ dân phố số 2, Mễ Trì Thượng) kể: Vào vụ cốm (vụ chiêm và vụ mùa), gần như mỗi ngày người làm cốm chỉ chợp mắt được 2 - 3 tiếng đồng hồ. Từ tờ mờ sáng, đám đàn ông kéo nhau ra đồng gặt lúa nếp non để kịp có lúa về chuẩn bị làm mẻ cốm mới còn đám phụ nữ thì bắt đầu trở dậy xoay vòng bên những chiếc cối để thêm vài trăm lượt giã cho cốm mỏng như lá me kịp đem ra chợ từ lúc 4 rưỡi, 5 giờ sáng.

Lúa nếp non đang vào sữa được gặt về còn ướt sương đêm để nơi cổng làng, sân đình hay trong các ngõ nhỏ sẽ được các cụ già, đàn em nhỏ túm tụm quây quần nhặt từng bông đều tăm tắp. Cứ lúa nhà ai về trước thì sẽ được nhặt trước theo tinh thần nhà nọ giúp nhà kia. Những nắm lúa ấy sẽ được cạo sạch hạt bằng một thanh thép vừa tay cầm. Từng thúng lúa được đem đi đãi hạt lép, để ráo rồi cho vào chảo rang. Đây là công đoạn gần như quyết định về chất lượng của cốm, bởi lẽ, nếu rang già lửa cốm sẽ cháy, rang non lửa thì sẽ không thành cốm. Vậy nên, người đứng lò rang đều phải là những người giỏi nghề, giàu kinh nghiệm.

Công đoạn rang lúa là vất vả nhất vì người làm phải đứng liên tục bên lò lửa phừng phừng cả tiếng đồng hồ. Nhưng đây lại là khoảng thời gian thi vị nhất của làng cốm khi cả làng Mễ Trì phủ một màu sương khói và quyện hương lúa nếp non thơm phưng phức mê hoặc lòng người. Lúa được rang chín vừa nguội sẽ được đổ vào cối giã để tách vỏ trấu, cám rồi giã cho hạt cốm càng mỏng, càng bay càng tốt. Thế là cả làng Mễ Trì lại thậm thịch tiếng chày suốt từ chiều cho đến đêm khuya.

Bà Mùi bảo, đấy là câu chuyện làm cốm hoàn toàn thủ công được người trong làng nối tiếp nghề cả trăm năm trước. Đến cuối những năm 2000, các công đoạn làm cốm của người Mễ Trì đã có nhiều thay đổi vì được máy móc hóa từ máy tuốt, máy rang, máy xát cho đến máy giã. Quả là nhờ máy móc mà người làm cốm đỡ vất vả hơn và năng suất hơn.

Ngoài làng Vòng nức tiếng xa gần, người Hà Nội còn một làng cốm cổ truyền khác ở Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm
  • Ngoài làng Vòng nức tiếng xa gần, người Hà Nội còn một làng cốm cổ truyền khác ở Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm

Làm gì để giữ nghề?

Thực ra, câu chuyện tìm lại thương hiệu của cốm Mễ Trì rất đỗi… tự nhiên. Đấy là câu chuyện cả trăm năm cốm Mễ Trì tự nguyện mang danh cốm Vòng. Theo các bậc cao niên trong làng, nghề cốm Mễ Trì vốn được học từ làng Vòng (từ một người con gái được gả chồng sang làng Vòng) và trở thành một nghề để người Mễ Trì mưu sinh. Cũng bởi thế, khi đó người Mễ Trì vốn thật thà, chất phác chỉ nhất tâm nghĩ rằng, học được nghề của làng bạn để kiếm kế sinh nhai đã là quý lắm rồi nên cứ âm thầm làm nghề, có lép vế về thương hiệu cũng không sao.

Thậm chí, đến mãi những năm đầu thế kỷ 21 khi làng Vòng không còn trực tiếp sản xuất cốm mà mua cốm của Mễ Trì về gia công lại để bán, vậy mà khi bán cốm do chính tay mình sản xuất người Mễ Trì vẫn nói đấy là cốm Vòng! Vì thế, bao năm qua gần như người ta chỉ mặc định cốm Vòng chứ không hề biết còn có làng Mễ Trì cũng sản xuất cốm non nhưng phải mang danh cốm Vòng.

“Từ xưa các cụ chẳng bao giờ nói cốm Mễ Trì mà toàn nói cốm Vòng nên chúng tôi cũng theo đó mà nói. Với lại, người mua cũng chỉ hỏi cốm Vòng mà chúng tôi thì không thể giải thích được. Nhưng lý do cơ bản là chúng tôi chỉ nghĩ bán được cốm để lo được cuộc sống cho mình là rất quý rồi chứ còn gọi tên thế nào cũng được… ” - ngày ngày đi chợ cốm, chị Nguyễn Thị Liên thật thà chia sẻ.

Tham gia giới thiệu cốm Mễ Trì tại lễ vinh danh, chị Thu Huệ - một chủ cơ sở sản xuất cốm non ở Mễ Trì vui mừng nói: “Chúng tôi rất vui khi nghề cốm của Mễ Trì được vinh danh. Với sự vinh danh này nghề cốm của chúng tôi sẽ ngày càng phát triển thuận lợi hơn…”.

Đúng là không thể không vui khi nghề cốm ở Mễ Trì được công nhận và không còn phải mang danh cốm Vòng. Nhưng thật không khỏi chạnh lòng khi giờ đây nghề này đã mai một rất nhiều.

Theo bà Lợi, nhà phá cối, tắt lửa cuối cùng ở ngõ 68, phố Mễ Trì Thượng thì dù rất muốn nhưng không thể giữ nghề khi đất cấy lúa ở Mễ Trì không còn. Gần 10 năm qua, những nhà còn duy trì nghề phải mua lúa ở các tỉnh như Bắc Ninh, Phú Thọ, Hải Dương, Hưng Yên, các huyện ngoại thành thuộc Hà Tây cũ.

Nghề cốm rất vất vả (kể cả khi đã được máy móc hỗ trợ) mà thu nhập theo mùa vụ, lợi nhuận không cao. Trong khi chỉ cần đầu tư một chút vốn liếng xây nhà cho thuê là hàng tháng có tiền triệu. Chuyện phá cối, tắt lửa lò không sớm thì muộn cũng xảy ra. Giờ đây, vào vụ cốm, làng Mễ Trì rất vắng tiếng cối và không còn nức hương lúa non. Những hộ còn giữ nghề bởi vẫn còn nỗi luyến tiếc nghề xưa chứ không hẳn vì chuyện mưu sinh. Cũng đã có lo ngại rằng, không biết thêm mươi năm nữa liệu cốm non Mễ Trì có bị trở thành câu chuyện của ký ức nếu hết người say nghề?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ