Gốm Chăm vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồ sơ trình Ủy ban UNESCO xem xét công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới. Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát huy giá trị “đặc sản” văn hóa Ninh Thuận vẫn còn nhiều gian nan…
“Đặc sản” miền gió cát
Bàu Trúc là một trong hai làng gốm cổ xưa nhất Đông Nam Á. Năm 2017, nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm Bàu Trúc (Ninh Thuận) đã được đưa vào danh mục 12 di sản phi vật thể của quốc gia.
Theo nghệ nhân Đàng Xem, nét độc đáo mang đậm dấu ấn của làng nghề truyền thống gốm Bàu Trúc là không có khuôn mẫu khi tạo hình. Nghệ nhân làm gốm không dùng bàn xoay mà đi vòng quanh trục gốm, dùng đôi tay của mình để tạo ra sản phẩm mang tính độc bản. Vì thế, đường nét của sản phẩm không mềm mại, nhẵn mịn mà thô ráp, sần sùi.
Những sản phẩm đó được nung lộ thiên bằng rơm, củi ở nhiệt độ khoảng từ 500 - 600 độ C trong 6 giờ. Sản phẩm được lấy ra phun màu rồi tiếp tục nung và um trấu trong 2 giờ nữa nên có những vết cháy hỏa biến.
“Nguyên liệu chính để tạo nên gốm Bàu Trúc là đất sét mịn chỉ có ở triền con sông Quao hòa chung với cát trắng hạt nhỏ theo tỷ lệ bí truyền nên đất gốm Chăm có màu nâu bạc chứ không nâu đỏ mịn như dòng gốm khác. Khi ra lò, gốm Bàu Trúc có màu đặc trưng vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám, vệt nâu… và trên sản phẩm còn dính những ánh kim của thiếc khi ánh sáng chiếu vào.
Mỗi sản phẩm gốm Bàu Trúc là một màu sắc hỏa biến khác nhau, là đặc sản của Ninh Thuận nắng gió”, nghệ nhân Đàng Xem chia sẻ.
Các hoa tiết, hoa văn trên gốm thường được tạo hình rất ngẫu hứng với những dụng cụ đơn giản qua bàn tay khéo léo, tài hoa của người thợ.
Người thợ gốm Chăm với những sản phẩm độc bản. |
Đánh thức miền di sản
Trước đây, dòng sản phẩm gốm rất đa dạng, hiện diện khắp mọi nơi trong cuộc sống của người dân Bàu Trúc, từ những bức phù điêu, tháp Chăm cho đến vật dụng sinh hoạt hàng ngày như nồi, bát, đĩa, bình hoa... Nhưng khi đồ sắt, đồ nhựa lên ngôi thì những vật dụng làm từ gốm bị thay thế dần và nghề làm gốm mai một, mất ưu thế trong làng.
Gốm Bàu Trúc đã được nhiều người biết đến và ưa chuộng bởi nét thô mộc nhưng tinh xảo, sắc nét với vẻ đẹp huyền bí.
Dù vậy, người làng Bàu Trúc vẫn khó mặn mà giữ nghề... Cách làm truyền thống, mẫu mã ít sáng tạo, người đặt hàng ít nên các thợ gốm khó khăn trong thể nghiệm sản phẩm mới… Gốm Chăm đứng trước nguy cơ không có thế hệ kế tục.
Trăn trở giữ nghề ông bà để lại, người thợ gốm Bàu Trúc xoay xở tìm cách vận động chuyển đổi để đáp ứng nhu cầu thị hiếu và tìm cách đưa gốm ra khỏi làng.
Sau hai thập kỷ, gốm Bàu Trúc đã được nhiều người biết đến và ưa chuộng bởi nét thô mộc nhưng tinh xảo, sắc nét với vẻ đẹp huyền bí.
Dù vậy, người làng Bàu Trúc vẫn khó mặn mà giữ nghề. Làng có hơn 400 hộ dân sinh sống nhưng chỉ còn xấp xỉ 40 hộ còn làm nghề. Cách làm truyền thống, mẫu mã ít sáng tạo, người đặt hàng ít nên các thợ gốm khó khăn trong thể nghiệm sản phẩm mới và khó sống với nghề… Gốm Chăm đứng trước nguy cơ không có thế hệ kế tục.
Theo TS Đặng Thị Bích Liên, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng hồ sơ nghệ thuật làm gốm Chăm trình UNESCO khẳng định: “Người Chăm và các di sản văn hóa mà họ để lại luôn bí ẩn và độc đáo đối với hậu thế. Nghệ thuật làm gốm của phụ nữ Chăm được các nhà nghiên cứu văn hóa quốc tế đánh giá cao chính là ở các yếu tố nung ngoài trời, không bàn xoay, nặn bằng tay, mỗi sản phẩm là một tác phẩm độc lập, đó là sự khác biệt giữa gốm Chăm với các dòng gốm khác.
Song điều lo ngại nhất là nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm đang trên đường mai một. Việc bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống nghề làm gốm của người Chăm hết sức cần thiết và cấp bách”.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu - Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm chia sẻ: Để làng nghề gốm tồn tại trước các yếu tố tác động thì giải pháp tối ưu nhất là xây dựng làng gốm thông qua du lịch, gắn kết với du lịch để lôi cuốn du khách tới tham quan, trải nghiệm, mua sắm, từ đó, nghệ nhân có thêm thu nhập, làng nghề khởi sắc.
Khi trở thành di sản văn hóa phi vật thể của thế giới được Ủy ban UNESCO công nhận, làng gốm Bàu Trúc sẽ có nhiều cơ hội để bảo tồn và phát triển. Những hành động cụ thể, thiết thực từ việc xây dựng chính sách đối với nghệ nhân, quy hoạch, bảo tồn và phát triển du lịch làng nghề gắn liền với quảng bá giới thiệu giá trị di sản và sản phẩm… sẽ góp phần hồi sinh và thúc đẩy sức sống mới của di sản.