“Chia lửa” cùng giáo viên
Thực hiện chủ trương dạy thật – học thật, không để học sinh ngồi nhầm lớp, giáo viên Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) không bị áp lực khoán chỉ tiêu chất lượng. Những con số như số lượng học sinh lên lớp trong một lớp chiếm bao nhiêu phần trăm so với toàn trường đều không ảnh hưởng đến đánh giá xếp loại của giáo viên. Miễn sao giáo viên phải làm hết trách nhiệm với học sinh, để các em thẩm thấu kiến thức và hình thành kỹ năng tốt hơn.
“Có những hoạt động giáo dục, chúng ta không thể thấy kết quả ngay được mà phải cần có thời gian. Như các hoạt động trải nghiệm đôi khi phải mất vài ba năm, học sinh mới có được kỹ năng nhuần nhuyễn. Vì vậy, giáo viên cần được “cởi trói” thì mới có thể phát huy được sự sáng tạo” – thầy Nguyễn Thái Phong, Hiệu trưởng Nhà trường khẳng định.
Những năm gần đây, phụ huynh có con thuộc diện ở lại lớp đã không còn gây áp lực hoặc năn nỉ Ban giám hiệu “chiếu cố”, “vớt” cho con họ được lên lớp. Nếu có học sinh nào học yếu, giáo viên trao đổi với phụ huynh và triển khai các biện pháp hỗ trợ. “Nếu học sinh vẫn không cải thiện được thì Hiệu trưởng sẽ phải trực tiếp mời phụ huynh để trao đổi cụ thể. Ngoài tư vấn cho phụ huynh để đồng hành cùng nhà trường giúp đỡ HS, chúng tôi cũng chuẩn bị sẵn cho họ tinh thần rằng con có thể sẽ phải ở lại lớp”. Đây là cách mà Ban giám hiệu Trường Tiểu học Võ Thị Sáu cùng “chia lửa” với giáo viên.
Trường THPT Phan Châu Trinh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) trang bị máy chiếu ở tất cả các phòng học. Theo chia sẻ của giáo viên (GV) nhà trường, trước đây, khi chưa có máy chiếu, GV phải sử dụng bảng phụ hoặc đăng ký trước hàng tuần để được xếp lịch dạy ở phòng máy. Tài nguyên học tập từ các bài tập nhóm do học sinh làm vì vậy mà khó để lưu trữ, bổ sung qua hàng năm. Việc trang bị máy chiếu tại các lớp học đã giúp hỗ trợ cho cả giáo viên và học trong triển khai các phương pháp dạy học tích cực, hiện đại.
Đồng hành với giáo viên trong mùa dịch
Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) chia sẻ: “BGH phải “chia lửa” với GV, đừng tạo thêm áp lực và nặng nề với GV; quan trọng nhất là phải biết được sự cống hiến của GV”. Giáo viên dạy trực tuyến trong một thời gian dài, vì vậy, khi học sinh quay trở lại trường học trực tiếp, trong dự giờ thăm lớp, BGH và các tổ chuyên môn của trường chủ yếu chỉ góp ý cách giáo viên tổ chức các hoạt động dạy học.
“Dạy học trực tuyến với thời gian kéo dài đã khiến cho giáo viên rất khó có thể tổ chức các hoạt động dạy học nhằm phát triển kỹ năng – thái độ của HS sau mỗi bài học. Phần lớn, giáo viên chủ yếu chỉ cung cấp kiến thức cho học sinh bởi các phương pháp dạy học chủ động rất khó phát huy hết hiệu quả. Do vậy, thời gian đầu khi học sinh trở lại trường học trực tiếp, Ban giám hiệu đã thống nhất với các tổ chuyên môn cần dành thời gian để rèn cho học sinh sự chủ động trong học tập, nhất là học sinh lớp 1-2 của chương trình GDPT 2018" - cô Thu Nguyệt cho biết.
Thời điểm khi Đà Nẵng tổ chức dạy học trực tiếp cho HS khối 8-9, trong khi khối lớp 6-7 vẫn học trực tuyến, Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Khê) triển khai kế hoạch bảo đảm dạy trực tuyến cho những GV phụ trách giảng dạy ở cả 4 khối lớp. Theo đó, nhà trường kiểm tra lại hệ thống mạng internet, đường truyền, sử dụng một số phòng như văn phòng, thư viện, hội trường, phòng Đoàn Đội… để làm phòng dạy trực tuyến cho GV, đảm bảo không gian yên tĩnh.
Nhà trường sắp xếp thời khóa biểu buổi sáng dạy trực tiếp lớp 9, trực tuyến lớp 6; buổi chiều trực tiếp lớp 8 và trực tuyến lớp 7 để thuận lợi cho việc dạy học của giáo viên theo khung giờ. Cô Trương Thị Duyên An – giáo viên môn Tiếng Anh cho biết: “Việc nhà trường bố trí nhiều phòng dạy trực tuyến với chất lượng đường truyền ổn định đã tạo điều kiện cho giáo viên đảm bảo chất lượng giờ dạy, việc tương tác với học sinh được thuận tiện. Giáo viên không mất quá nhiều thời gian để di chuyển khi vừa dạy học trực tuyến vừa trực tiếp theo phân công của thời khóa biểu”.
Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) trang bị cho mỗi giáo viên 2 khẩu trang trong suốt để sử dụng trong khi lên lớp. “Có một số giáo viên tự trang bị micro để sử dụng trong các tiết dạy. Nhưng đây chỉ là số ít. Với những giáo viên dạy liên tục 2-3 tiết, trong điều kiện phải đeo khẩu trang y tế, phải giảng bài to hơn bình thường thì sẽ rất mệt. Vì vậy, nhà trường có trang bị thêm khẩu trang trong suốt. Sử dụng loại khẩu trang nào là tùy thuộc vào giáo viên”.
Mỗi ngày đến trường là một ngày vui, đó không chỉ là câu cách ngôn hướng đến học sinh mà còn cho cả giáo viên. Thầy cô hạnh phúc sẽ có học sinh hạnh phúc. Và điều này chỉ có được một khi giáo viên được cải thiện điều kiện giảng dạy, tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ cho hoạt động dạy và học của cả giáo viên và học sinh, không phải ràng buộc áp lực thành tích.