Thái Nguyên: Linh hoạt tìm lối đi, nâng cao chất lượng dạy học

GD&TĐ - Trong bối cảnh vừa phải đảm bảo an toàn phòng dịch, vừa phải duy trì và nâng cao chất lượng dạy học, ngành giáo dục Thái Nguyên đang có nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo.

Giờ học tiếng Anh tại trường Tiểu học Lam Vỹ (Định Hóa, Thái Nguyên).
Giờ học tiếng Anh tại trường Tiểu học Lam Vỹ (Định Hóa, Thái Nguyên).

Không để gián đoạn nhịp học tập

Thời điểm này, gần 60% trong tổng số hơn 700 cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến, vừa giữ an toàn trong phòng chống dịch Covid-19, vừa đảm bảo đảm tiến độ, kế hoạch chương trình trong năm học.

Việc chuyển sang dạy - học trực tuyến đang được triển khai tại các đơn vị ở một số địa phương cho tạm dừng đến trường (như huyện Phú Bình, thị xã Phổ Yên, TP Thái Nguyên).

“Hiện nay, bên cạnh việc dạy học trực tuyến được duy trì tốt, các nhà trường cũng xây dựng nguồn học liệu để củng cố kiến thức cho học sinh, đồng thời có kế hoạch sau khi trở lại học tập trung hoặc kết thúc học kỳ I sẽ tổ chức phân loại chất lượng học tập của học sinh để tiến hành phụ đạo, bảo đảm chất lượng học tập” - ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên trao đổi.

Thái Nguyên hiện có 158/281 cơ sở giáo dục mầm non, 128/214 trường tiểu học, 116/193 trường THCS, 27/34 trường THPT và 5/9 trung tâm giáo dục thường xuyên và giáo dục nghề nghiệp tạm dừng đến trường chuyển sang dạy và học trực tuyến. 100% cơ sở giáo dục chuyển sang dạy và học trực tuyến đều bảo đảm kết nối và tương tác Internet tốt.

Đối với Trường THPT Chu Văn An (TP Thái Nguyên), gần 300 giáo viên và học sinh phải thực hiện cách ly tập trung tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên (do trước đó có liên quan trường hợp ca nhiễm Covid-19).

Nhà trường đã nhanh chóng chuyển hình thức dạy học trực tuyến cho thầy và trò trong khu cách ly để việc học tập của học sinh không bị gián đoạn. Kể cả học sinh thực hiện điều trị Covid-19 cũng được hỗ trợ tối đa để học tập trực tuyến hằng ngày theo thời khóa biểu.

Học trò Trường THPT Chu Văn An (TP Thái Nguyên) học trực tuyến trong khu cách ly tập trung
Học trò Trường THPT Chu Văn An (TP Thái Nguyên) học trực tuyến trong khu cách ly tập trung

Cô giáo Nguyễn Thị Việt Hà, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để bảo đảm khung chương trình và chất lượng học tập, toàn trường đã thực hiện dạy học thống nhất một thời khóa biểu cho từng khối dựa trên nền tảng kết nối Internet qua phần mềm Microsoft Team.

Hơn 30 giáo viên tại khu vực cách ly tập trung đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ: Dạy học trực tuyến theo thời khóa biểu chung của từng khối và hỗ trợ học sinh ôn tập, củng cố kiến thức từng môn học ngay tại khu cách ly thông qua các nhóm Zalo chat.

Toàn bộ giáo viên của từng môn học không thuộc diện cách ly tập trung đã thực hiện việc dạy học trực tuyến kết hợp xây dựng video học liệu chuyển đến học sinh sau giờ học chính khóa, đồng thời tăng cường học thêm 2 tiết vào các buổi chiều.

Đơn vị cung cấp dịch vụ Internet là Viettel Thái Nguyên cũng đã kịp thời tăng cường gói hỗ trợ 4G miễn phí, tăng DATA lên 5G, giúp 100% thầy cô và học sinh đảm bảo kết nối, duy trì theo kế hoạch để không gián đoạn nhịp học tập.

Đẩy mạnh nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh

Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu của đề án về nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn, giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, HĐND tỉnh Thái Nguyên vừa thông qua Nghị quyết quy định một số chính sách hỗ trợ dạy và học tiếng Anh trong nhà trường.

Theo đó, đáng chú ý, Thái Nguyên sẽ hỗ trợ cho giáo viên dạy môn tiếng Anh tự chọn lớp 1, 2 trong các cơ sở giáo dục công lập; hỗ trợ lệ phí thi cho học sinh phổ thông đạt chuẩn tiếng Anh quốc tế IELTS từ 4.0 trở lên. Dự kiến, tổng kinh phí hỗ trợ là hơn 52 tỷ đồng.

Tại trường Tiểu học Lam Vỹ (Định Hóa), những năm gần đây, học sinh lớp 1 và 2 đã sớm được làm quen với chương trình tiếng Anh tự chọn. Nhà trường tạo điều kiện tối đa về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, phụ huynh tự nguyện đóng góp kinh phí thuê giáo viên.

Một hoạt động trải nghiệm giao tiếp tiếng Anh của cô và trò Trường PT Dân tộc nội trú THCS Đại Từ (Thái Nguyên)
Một hoạt động trải nghiệm giao tiếp tiếng Anh của cô và trò Trường PT Dân tộc nội trú THCS Đại Từ (Thái Nguyên)

“Việc sớm được tiếp cận với tiếng Anh đã giúp học sinh rất hào hứng, việc dạy học đạt hiệu quả tích cực. Chính sách hỗ trợ của tỉnh là chủ trương rất thiết thực, nhất là giảm gánh nặng đóng góp đối với các gia đình ở nông thôn, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn” - thầy giáo Nguyễn Công Liệu, Hiệu trưởng nhà trường trao đổi.

Trong khi đó, việc hỗ trợ lệ phí thi cho học sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế cũng đang được nhiều học sinh và các gia đình rất quan tâm, đón nhận, bởi nó như một khoản “học bổng” để học sinh thêm động lực, cố gắng học tốt hơn.

“Con tôi đang học lớp 12. Với mức lệ phí thi IELTS khoảng 5 triệu đồng hiện nay thì việc được hỗ trợ sẽ đỡ đáng kể gánh nặng kinh tế cho gia đình” - ông Hoàng Văn Hoan, một phụ huynh học sinh ở thị trấn Đu (Phú Lương) bày tỏ.

“Việc hỗ trợ cho giáo viên dạy môn tiếng Anh tự chọn lớp 1, 2 sẽ giúp học sinh được tiếp cận sớm, đồng thời tạo công bằng cho giáo dục vùng khó. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ kinh phí thi cho học sinh phổ thông đạt chuẩn tiếng Anh quốc tế sẽ thúc đẩy nâng cao chất lượng môn học, tạo cơ hội để học sinh tiếp cận chuẩn quốc tế”.
Ông Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ