Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười: Giáo dục là sự nghiệp của toàn xã hội

GD&TĐ - Sinh thời, cố Tổng Bí thư Đỗ Mười luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho sự nghiệp GD-ĐT. Trong nhiều bài viết, bài phát biểu, bài nói chuyện của mình về GD, cố Tổng Bí thư đã có những nhận định cũng như những định hướng mục tiêu đổi mới và phát triển cho sự nghiệp GD của nước nhà.  

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười thời kỳ làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng gặp gỡ thiếu nhi Hà Nội và Thái Bình nhân dịp các cháu vào viếng lăng Bác và thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh, ngày 19/5/1990. (Ảnh: tư liệu)
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười thời kỳ làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng gặp gỡ thiếu nhi Hà Nội và Thái Bình nhân dịp các cháu vào viếng lăng Bác và thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh, ngày 19/5/1990. (Ảnh: tư liệu)

GD là của dân, do dân và vì dân

Tại lễ Kỷ niệm 50 năm thành lập ngành GD Việt Nam, ngày 20/11/1995, cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đã có bài phát biểu “Chăm lo đến sự nghiệp GD là chăm lo thiết thực nhất đến sự phát triển của con người, chủ thể của mọi sáng tạo”. Trong bài phát biểu này, cố Tổng Bí thư nhấn mạnh: “GD là sự nghiệp của toàn xã hội, của tất cả các ngành, các cấp, các đoàn thể, của mọi gia đình và của mỗi người dân”.

Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười khẳng định: Chăm lo đến sự nghiệp GD là chăm lo thiết thực nhất đến sự phát triển của con người, chủ thể của mọi sáng tạo, mọi nguồn của cải vật chất và văn hoá của đất nước. Thời đại hiện nay là thời đại của trí tuệ, nguồn gốc trực tiếp làm ra của cải; càng đi sâu vào công nghiệp hoá, hiện đại hoá, càng đòi hỏi trình độ trí tuệ cao. Dù ở thành thị hay nông thôn, đồng bằng, miền núi hay hải đảo, trong công nghiệp hay nông nghiệp, dịch vụ, phải có trí tuệ cao thì mới đủ khả năng thanh toán lạc hậu, nghèo nàn, mới có thể làm nên giàu có.

“Lâu nay, kể cả lương và các khoản trợ cấp, đời sống giáo viên vẫn khó khăn, phải làm thêm nhiều việc khác, thậm chí đến mức không ít thầy cô giáo coi dạy học chỉ là nghề phụ. Tình trạng này đã kéo dài, nay phải có biện pháp tích cực tháo gỡ, phấn đấu để “thầy ra thầy” thì “trò mới ra trò” được” - trích bài phát biểu của cố Tổng Bí thư Đỗ Mười tại Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VII, ngày 4/1/1993.

Hơn nữa, sự phát triển của con người đã trở thành tiêu chí ngày càng quan trọng trong việc đánh giá trình độ tiến bộ kinh tế và xã hội của mỗi quốc gia, với ba chỉ tiêu cơ bản: Thu nhập, trình độ GD và tuổi thọ.

“Như vậy, rõ ràng GD là vấn đề có tầm quan trọng hàng đầu nhằm nâng cao trí tuệ của dân tộc ta để có đủ khả năng đưa đất nước phát triển đến một tầm vóc mới” - Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười nhấn mạnh, đồng thời lưu ý: Các cấp uỷ Đảng và chính quyền phải nhận thức sâu sắc tầm quan trọng đó, quán triệt những quan điểm của Đảng về vai trò và vị trí của GD. Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý và hỗ trợ của Nhà nước đối với sự nghiệp GD. Mặt trận, các đoàn thể, các tổ chức xã hội phải chăm lo đến sự nghiệp GD, tham gia, phối hợp với chính quyền đẩy mạnh xã hội hoá GD, mở rộng đi đôi với nâng cao chất lượng và hiệu quả, làm cho GD thực sự là của dân, do dân và vì dân.

Trong lần dự Đại hội Đảng bộ Trường ĐH Sư phạm (khi ấy còn thuộc ĐHQG Hà Nội), cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đã phát biểu rõ: Chăm lo sự nghiệp “trồng người”, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài là trách nhiệm của toàn xã hội. Song, ngành GD-ĐT bao giờ cũng giữ vai trò chủ yếu.

Trong thời đại ngày nay, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhất thiết phải đặt trên nền tảng dân trí ngày càng được nâng cao thông qua phát triển mạnh mẽ GD-ĐT; lấy GD-ĐT làm quốc sách hàng đầu như Đảng ta đã đề ra.

Để làm được việc đó, phải có một chiến lược GD-ĐT nhằm nâng cao cả mặt bằng dân trí và đỉnh cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài trên tất cả các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội và khoa học nhân văn, vừa tạo điều kiện thuận lợi tiếp thu khoa học và công nghệ của thế giới để tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vừa nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân, xây dựng một xã hội giàu về của cải, phong phú về tinh thần, công bằng, văn minh trong cuộc sống. Đó chính là lý tưởng và mục tiêu cao cả của chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta quyết tâm biến thành hiện thực.

GD song hành cùng đất nước

Đầu tư cho GD là đầu tư cơ bản quan trọng nhất cho sự phát triển toàn diện của đất nước. Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đã nhấn mạnh điều này khi phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII, ngày 16/12/1996. Cố Tổng Bí thư gợi mở: Gắn chiến lược phát triển GD với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Đổi mới nền GD với cách làm thích hợp, trên các mặt tổ chức và quản lý, dạy và học, nghiên cứu và ứng dụng.

Quan tâm thích đáng đến cả mặt bằng lẫn đỉnh cao dân trí, coi trọng GD nhân cách, lý tưởng và đạo đức, trí lực và thể lực; gắn học với hành, lý thuyết với thực tiễn. Ra sức phấn đấu xây dựng một nền GD tiên tiến có quy mô, trình độ và cơ cấu ngành nghề hợp lý. Đó là nền GD thấm nhuần sâu sắc tính nhân dân, tính dân tộc và tính hiện đại. Đi đôi với truyền thụ kiến thức, đào tạo nghề nghiệp, nâng cao năng lực tư duy sáng tạo, cần đặc biệt quan tâm bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức cho HS, sinh viên; khắc phục tiêu cực, yếu kém trong nhà trường. GD-ĐT phải theo hướng cân đối giữa “dạy người”, dạy chữ, dạy nghề, trong đó “dạy người” là mục tiêu cao nhất.

Sinh thời, cố Tổng Bí thư là người rất quan tâm đến đội ngũ thầy, cô giáo. Ông từng nhắc nhở, cần quan tâm đầy đủ hơn tới xây dựng đội ngũ giáo viên; Chăm lo đời sống của thầy, cô giáo; Đặc biệt chú trọng bồi dưỡng giáo viên về đạo đức, nêu tấm gương sáng cho HS và cho xã hội, hết lòng vì sự nghiệp “trồng người” với lương tâm và trách nhiệm cao, trở thành những người thầy mẫu mực của chế độ mới, của dân tộc Việt Nam anh hùng, được nhân dân yêu mến và kính trọng.

Để đảm bảo chất lượng của GD-ĐT, phải giải quyết tốt vấn đề thầy giáo, kế thừa và phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc ta. Phải đổi mới hệ thống sư phạm, đào tạo lại và đào tạo mới một đội ngũ giáo viên giỏi, có trách nhiệm, có lương tâm, có lòng tự hào về nghề nghiệp. Đó là điều kiện quyết định để nâng cao chất lượng GD. Có những giải pháp thích đáng để cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhà giáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ