Những câu chuyện bình dị, gần dân của cố Tổng Bí thư Đỗ Mười

Hơn 40 năm làm Trợ lý, theo ông Phan Trọng Kính, cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đã làm hết sức mình vì Đảng, vì dân, không quản ngày đêm, giờ giấc, không tư lợi cá nhân.

Tổng Bí thư Đỗ Mười nói chuyện thân mật với nhân dân xã Lê Lợi, huyện Thường Tín (Hà Tây cũ), ngày 1/11/1992. (Ảnh TTXVN)Tổng Bí thư Đỗ Mười nói chuyện thân mật với nhân dân xã Lê Lợi, huyện Thường Tín (Hà Tây cũ), ngày 1/11/1992. (Ảnh TTXVN)
Tổng Bí thư Đỗ Mười nói chuyện thân mật với nhân dân xã Lê Lợi, huyện Thường Tín (Hà Tây cũ), ngày 1/11/1992. (Ảnh TTXVN)Tổng Bí thư Đỗ Mười nói chuyện thân mật với nhân dân xã Lê Lợi, huyện Thường Tín (Hà Tây cũ), ngày 1/11/1992. (Ảnh TTXVN)

“Cụ Đỗ Mười là người rất trong sạch”, ông Kính chia sẻ với báo chí chiều ngày 2/10.

Đi vào “điểm nóng”, lắng nghe ý dân

Ông Kính kể, khi đương chức, Tổng Bí thư Đỗ Mười rất quan tâm đến việc giải quyết đơn thư khiếu nại, khiếu tố, lắng nghe ý kiến của người dân.

Việc nào giải quyết ngay được, ông đều giải quyết. Việc nào chưa giải quyết được thì gọi lãnh đạo địa phương lên trực tiếp gặp gỡ bà con để giải quyết và sau đó phải báo cáo lại cho ông được biết.

“Tôi nhớ, có bác từ Thái Bình lên Hà Nội khiếu kiện về việc đền bù giải phòng mặt bằng, đứng trước Cổng Đỏ (Văn phòng Chính phủ - PV) kêu “ông Đỗ Mười ơi”. Khi chúng tôi chạy ra, ông ấy nói muốn gặp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ - PV).

Hôm đó, đúng lúc giải lao, cụ Mười ra gặp liền và mời vào để giải quyết. Khi mời vào, ông này cũng ngang tàng, cụ nói 1 câu thì ông ấy nói 2 - 3 câu. Thời kỳ đó, ông Dương Văn Phúc còn là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng có nói, bác bình tĩnh trình bày.

Cụ Mười lắng nghe và nói, bác có thư từ gì thì đưa cho tôi. Cụ cũng nói với ông Dương Văn Phúc điện thoại cho lãnh đạo tỉnh Thái Bình lên ngay. Buổi sáng gọi, buổi chiều lãnh đạo Thái Bình lên, cụ giao giải quyết dứt điểm khiếu kiện này.

Hay có lần, trời mưa, một ông già chặn xe ôtô chở xe cụ Mười để đưa thư khiếu kiện. Thấy vậy, cụ xuống xe, tiến lại nói: Ông có gì thì đưa cho tôi. Mà mưa như thế thì mời ông vào nhà, ướt hết rồi. Sau đó, cụ Mười lấy tập tài liệu ấy đưa Vụ Thư từ của Văn phòng Trung ương ghi lại để báo cáo, giải quyết.

Rồi khi còn làm Thường trực Ban Bí thư, cụ Mười luôn dành 1 giờ đồng hồ vào buổi chiều xuống Vụ Thư từ để xem và giải quyết các vụ việc phản ánh của người dân”, Trợ lý nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười nhớ lại.

Nơi nào có “điểm nóng”, công việc nào khó khăn cố Tổng Bí thư Đỗ Mười cũng có mặt.

Theo lời kể của ông Kính, vào những năm 1991, có việc nhân dân một số xã ở tỉnh Thái Bình đã nổi lên chống lại một số cán bộ, đảng viên tham ô, ức hiếp quần chúng nhiều năm liền.

Trước tình hình đó, cố Tổng Bí thư đã về Thái Bình gặp gỡ các Bí thư xã và các cụ lão thành trong tỉnh để nắm tình hình và thấy rằng, sự việc xảy ra rất nghiêm trọng, ở đây có tình trạng cán bộ xã tham nhũng, lộng quyền, quan liêu, xa rời quần chúng, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân.

Ông Kính kể, lúc đó, cố Tổng Bí thư nghĩ rằng không những ở Thái Bình mà chắc các địa phương khác ít nhiều cũng có tình trạng như vậy.

Cho nên, cố Tổng Bí thư đã họp với các bộ, ngành để xây dựng quy chế dân chủ ở cơ sở. Quy chế đó sau khi ban hành đã phát huy được hiệu quả tích cực về quyền làm chủ của nhân dân.

Thú vui đọc sách, bữa cơm với muối vừng

Cũng theo ông Kính, cố Tổng Bí thư Đỗ Mười là người trong sạch, luôn cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư.

Ông Phan Trọng Kính, trợ lý nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười.

Ảnh: H.G

Có lần, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười dự cuộc họp bàn về thương mại tại tỉnh Nam Định. Hôm ấy, có đại biểu các tỉnh ở phía Bắc về dự. Đến trưa, lãnh đạo tỉnh tổ chức bữa cơm rất thịnh soạn, bày biện nhiều món lắm. Ăn xong vẫn thừa rất nhiều.

“Cụ Mười chỉ ăn qua loa mấy miếng bánh mỳ, xong cụ rất nghiêm nghị nhắc lãnh đạo tỉnh như thế thì lãng phí, là ăn của dân. Lãnh đạo tỉnh Thái Bình ngồi ở đó nghe thấy thế đã gọi điện về tỉnh nhắc để ý việc này vì theo kế hoạch buổi chiều cụ Mười về làm việc với tỉnh.

Thế là, bữa cơm buổi chiều ở Thái Bình chỉ có canh cua, đậu phụ, rau luộc, quả cà, với mấy miếng cá. Đoàn chúng tôi đi theo phải xin thêm nước mắm để ăn với cơm”, ông Kính chia sẻ.

Khi đến dự các cuộc họp, thấy bày biện nước suối, cụ Mười cũng góp ý phải hết sức tiết kiệm.

"Thời điểm đó, giá nước khoáng còn rất đắt nên cụ thường nói "một chai nước khoáng giá thành ở thị trường bằng nửa lít xăng, ta có thể thay dùng nước khoáng bằng nước chè xanh bởi vừa ngon, vừa rẻ, giải khát tốt mà lại bổ nữa”.

Trong sinh hoạt gia đình hằng ngày, cụ Mười rất giản dị. “Cụ ở nhà ăn xuềnh xoàng lắm!”, ông Kính nói:

“Bữa cơm lúc nào cũng có muối vừng, đậu phụ. Khi cụ còn đi làm cũng có thịt nhưng không nhiều đâu. Cụ Mười thương vợ lắm. Thời kỳ tem phiếu, nếu có tem phiếu mua thịt, cụ lại dành dụm để gửi vào miền Nam cho cụ Tạ Thị Thanh (vợ cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đã mất - PV) thời kỳ đang bị bệnh hen. Đến khi cụ Thanh mất, cụ Mười ở với con cháu và các chú bộ đội trong nhà”.

Ông Kính cho hay, đồ đạc trong nhà cụ Mười cũng đơn sơ, không có gì là sang trọng, ngoài những thứ cơ quan cấp như chiếc tủ, cái bàn, giường nằm và những đồ lặt vặt khác.

Thú vui của cố Tổng Bí thư Đỗ Mười qua lời kể của ông Kính là đọc sách. “Sách của cụ Mười nhiều lắm, gần một vạn cuốn”, ông Kính kể, khi còn làm việc, cụ Mười đều dành thời gian để đọc sách. Đến khi về với cuộc sống đời thường, cụ Mười lại cặm cụi đọc sách, tìm hiểu cái mới để đóng góp cho Trung ương.

“Cụ viết rất nhiều. Những tài liệu cụ góp ý kiến cho Trung ương tôi còn giữ đây”, Trợ lý nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười nói.

Rồi có những lúc vào buổi chiều, khi có thời gian, cụ Mười còn chăm những giàn hoa trước ngõ, quét rác sân vườn.

Theo Thanhtra.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ti vi trong suốt.

8 phát minh ấn tượng nhất

GD&TĐ - Time giới thiệu một số sản phẩm mang tiện ích sáng tạo nhất về quá trình chuyển đổi sang kỷ nguyên công nghệ tiêu dùng...

Cư dân Liberia nô nức theo chân ông già Bayka. Ảnh: Npr.org

Tưng bừng quỷ vũ với Giáng sinh Liberia

GD&TĐ - Cộng hòa Liberia được thành lập vào năm 1822, với mục đích làm nơi định cư cho các nô lệ người da đen mới được giải phóng ở Mỹ hồi hương châu lục.