Cờ Tổ quốc

GD&TĐ - Có lẽ người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng chính là tác giả của ý tưởng về lá cờ một khi nước nhà giành được độc lập chăng?

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Ngày 2/9/1945, cờ đỏ sao vàng mới chính thức tung bay trên lễ đài tại vườn hoa Ba Đình - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhưng trước đó 5 năm, năm 1940, lá cờ có ngôi sao vàng năm cánh ấy đã từng phấp phới ở nhiều nơi trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ do những người cộng sản lãnh đạo.

Có lẽ người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng chính là tác giả của ý tưởng về lá cờ một khi nước nhà giành được độc lập chăng? “Canh bốn canh năm vừa chợp mắt. Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh” - Bác Hồ đã từng ám ảnh về lá cờ có ngôi sao vàng ở giữa, đến mức Người đã đưa vào thơ của mình ngay từ khi cách mạng còn trong trứng nước như thế.

Trước ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, hôm 25/8/1945, vua Bảo Đại - vị vua cuối cùng của triều Nguyễn cũng đã đọc bản Chiếu thoái vị và cũng là lúc lá cờ tam tài của nhà Nguyễn trên đỉnh Ngọ Môn được kéo xuống, thay vào đó là lá cờ đỏ sao vàng của cách mạng vừa giành được chính quyền ở Huế. “Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước” - nhạc sĩ Văn Cao cũng đã nói về màu cờ Tổ quốc qua Tiến quân ca từ cuối năm 1944 như thế.

Từ bấy đến nay, qua gần 80 năm độc lập, màu cờ cùng ngôi sao vàng năm cánh ở giữa vẫn không thay đổi. Bao thế hệ người Việt đã đổ máu để làm nên lá cờ ấy và cũng đã chiến đấu hy sinh suốt mấy cuộc chiến tranh để bảo vệ màu cờ cũng là gìn giữ non sông gấm vóc của cha ông để lại.

Ngày 14/3/1988, trong cuộc chiến đấu không cân sức để giữ đảo đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung úy Trần Văn Phương đã giương cao lá cờ đỏ sao vàng thay cho khẩu súng, để khẳng định chủ quyền quốc gia trước mặt kẻ thù.

Và anh đã ngã xuống, “căng toàn thân như một lá cờ”. Trần Văn Phương đã hóa lá cờ năm anh 23 tuổi - mãi mãi là biểu tượng của lòng yêu nước, không bao giờ chịu khuất phục trước bạo quyền dù có thể hy sinh cả tính mạng của mình.

Mọi người chắc còn nhớ, tại AFF Cup năm 2015 tại Singapore, tiền vệ Nguyễn Huy Toàn của đội tuyển bóng đá Việt Nam đã làm cho hàng triệu người hâm mộ ở quê nhà bất ngờ rồi vỡ òa cảm xúc khi thấy anh lấy từ trong chân lá cờ đỏ sao vàng và giăng trước mặt để chào khán giả sau khi sút tung lưới đội Indonesia. Gửi một lời chào và lòng biết ơn đến nhân dân và đất nước thông qua lá cờ.

Những ai có dịp đến Lũng Cú tỉnh Hà Giang - nơi địa đầu của Tổ quốc, nơi lá cờ đỏ sao vàng chưa bao giờ vắng bóng trên đỉnh cột cờ xa nhất của đất nước sẽ thấy từng đoàn người, đủ các lứa tuổi, dù phải leo hàng trăm bậc đá dựng đứng nhưng ai cũng cố sức để mong được đặt chân lên đỉnh núi này và được chạm tay vào lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc. Ai ai cũng cảm thấy như hồn thiêng sông núi ngưng đọng ở nơi địa đầu này.

Gần 80 năm qua, có biết bao lời thề dưới lá cờ Tổ quốc của bao thế hệ người Việt. Thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, thề vượt qua chông gai thử thách để tiến về phía trước, xây dựng một nước Việt cường thịnh như bao thế hệ cha ông hằng mong.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tàu sân bay USS Harry S. Truman tại Biển Đỏ.

Mỹ phóng 200 tên lửa đối phó Houthi

GD&TĐ - Theo War Zone, Hải quân Mỹ phóng gần 400 quả đạn, trong đó có hơn 200 tên lửa, để đối phó các đòn tập kích của Houthi trong hơn 10 tháng qua.

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

GD&TĐ - Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã vạch kế hoạch chuẩn bị lực lượng gìn giữ hòa bình để cứu chính phủ Ukraine hiện nay.