Gia đình 40 năm may cờ Tổ quốc

GD&TĐ -40 năm qua, gia đình bà Nguyễn Thị Mai (65 tuổi), ở TP Thanh Hóa vẫn giữ nghề may cờ Tổ quốc như một sứ mệnh thiêng liêng. Với bà Mai, công việc ấy ngoài sự khéo léo còn cần làm bằng cả cái tâm.

40 năm qua, gia đình bà Nguyễn Thị Mai vẫn giữ hồn nghề may cờ Tổ quốc như một sứ mệnh thiêng liêng.
40 năm qua, gia đình bà Nguyễn Thị Mai vẫn giữ hồn nghề may cờ Tổ quốc như một sứ mệnh thiêng liêng.

Nghề của niềm tự hào

Những ngày thu tháng 8 dịu mát, căn nhà của gia đình bà Nguyễn Thị Mai (65 tuổi), ở phường Ngọc Trạo, TP Thanh Hóa ngập tràn trong sắc đỏ của lá cờ Tổ quốc.

Đã 40 năm qua, gia đình bà vẫn giữ hồn nghề may cờ Tổ quốc như một sứ mệnh thiêng liêng. Công việc này càng trở nên bận rộn trước mỗi dịp đất nước có lễ lớn, như: Cách mạng tháng 8, Quốc khánh 2/9, Khai giảng năm học mới hay mừng Tết cổ truyền dân tộc…

Cẩn thận may từng đường kim mũi chỉ, bà Mai hồ hởi kể, trước khi đến với nghề may cờ Tổ quốc, bà cũng từng là những quân nhân yêu nước. Năm 1976, bà Mai theo tiếng gọi của Tổ quốc, lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Trung đoàn 532, đóng quân tại Quảng Trị.

4 năm sau, bà xuất ngũ trở về quê hương công tác tại Quốc doanh may đo Thanh Hóa (thuộc thị xã Thanh Hóa, nay là TP Thanh Hóa). Cũng từ đây, bà Mai bén duyên với nghề may cờ Tổ quốc, tuy nhiên, công việc chỉ mang tính thời vụ vào các dịp lễ, Tết.

“Bố tôi là người cắt vải và chỉ dạy cho tôi từng đường kim, mũi chỉ để hoàn thiện một lá cờ Tổ quốc. Bố tôi cũng làm việc tại Quốc doanh may đo Thanh Hóa và là thợ may có tiếng ở thị xã lúc bấy giờ”, bà Mai niềm nở.

Sau khi về hưu, thay vì nghỉ ngơi, người phụ nữ này vẫn tiếp tục cần mẫn với công việc này. Mỗi ngày, bà Mai nhận may cờ Tổ quốc cho các chủ hàng tại chợ Vườn Hoa. Với tay nghề khéo léo của mình, sản phẩm của bà được rất nhiều mối hàng yêu thích và tin tưởng.

Những năm về sau, bà Mai dừng việc may thuê rồi về mở xưởng may cờ Tổ quốc tại gia đình. Cũng kể từ đó, gia đình bà trở thành nơi sản xuất cờ Tổ quốc nức tiếng và lớn nhất tỉnh Thanh Hóa. Có thời điểm xưởng may của gia đình bà cung ứng ra thị trường phục vụ khách dịp lễ, Tết lên tới 5.000 lá mỗi ngày.

Để có đủ số lượng cờ phục vụ nhu cầu trong các dịp lễ lớn, gia đình bà Mai phải thuê thêm người làm. Thậm chí, nhiều gia đình trong khu phố còn nhận may thuê cho gia đình bà để kiếm thêm thu nhập. “Trước đây, cả khu phố gần như ai cũng biết may cờ Tổ quốc. Cứ mỗi người may một công đoạn, nên công việc diễn ra rất suôn sẻ, đảm bảo đúng tiến độ”, bà Mai nói.

Hiện nay, dù đã gần tuổi 70, song bà Mai và chồng vẫn miệt mài với công việc đã theo mình suốt bốn thập kỷ năm qua. Mỗi ngày, bà Mai dậy thật sớm, ăn sáng xong là ngồi luôn vào bàn may. Trong khi chồng bà – ông Trần Văn Lực (65 tuổi), phụ giúp vợ cắt vải và khoét hình sao vàng 5 cánh.

Đặc biệt, vào những đợt cao điểm như Lễ Quốc khánh 2/9, Khai giảng năm học mới hay mừng Tết cổ truyền, công việc càng trở nên hối hả. Có những hôm, gia đình bà lụi hụi với công việc này từ sáng sớm cho tới đêm khuya, để hoàn thành đủ số lượng.

Chia sẻ về công việc mình đã gắn bó suốt 40 năm qua, bà Mai tâm sự: “Không chỉ riêng tôi, mà bao người may cờ Tổ quốc cũng đều cảm thấy tự hào mỗi khi nhìn thấy lớp lớp lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới, đường phố ngập tràn sắc đỏ cờ hoa mỗi dịp lễ hay Tết đến Xuân về”.

Bà Mai quyết tâm gắn bó với công việc này cho tới khi mắt kém, tay run.

Bà Mai quyết tâm gắn bó với công việc này cho tới khi mắt kém, tay run.

Truyền nghề cho thế hệ trẻ

Bà Mai cho biết, để có được những lá cờ đẹp, không chỉ đòi hỏi đôi bàn tay khéo léo, mà còn phải làm bằng cả cái tâm. Mỗi đường kim, mũi chỉ đều thể hiện sự thiêng liêng, bởi đó là linh hồn của dân tộc, đất nước. Vì vậy, người may phải thật cẩn thận trong từng chi tiết.

Cũng theo bà Mai, may cờ Tổ quốc không khó nhưng cũng phải trải qua nhiều công đoạn, từ chọn vải, đến cách thức may đo. Trong đó, khó nhất là viền sao vàng 5 cánh trên lá cờ Tổ quốc.

“Đây là công đoạn khó nhất, đòi hỏi sự khéo léo vì vừa phải tạo được sự đồng đều, cân đối. Sao vàng 5 cánh không bị nhăn nhúm, đường chỉ đều đẹp ở cả mặt trước và sau của lá cờ”, bà Mai bộc bạch.

Không chỉ gắn bó với nghề may cờ Tổ quốc bằng cả cái tâm, người phụ nữ này còn truyền nghề cho hàng chục thợ may. Tuy nhiên, theo bà Mai, hiện số người theo nghề không còn nhiều, vì tiền công thấp hơn so với nhiều công việc khác.

“Trung bình, công may mỗi lá cờ Tổ quốc chỉ dao động từ 1.200 – 1.300 đồng. Trong khi đó, giá vải lại có xu hướng tăng, nên nhiều người không còn mặn mà với nghề này nữa. Dù vậy, tôi vẫn quyết tâm gắn bó với nghề cho tới lúc nào mắt kém, tay run không làm được nữa mới thôi”, bà Mai trải lòng.

Hiện tại, gia đình bà Mai vẫn duy trì công việc này quanh năm để cung ứng cho các mối hàng tại chợ Vườn Hoa. Số lượng cờ còn dư thừa, bà Mai sẽ cất giữ cẩn thận để phục vụ khách trong các dịp lễ lớn.

Suốt bốn thập kỷ gắn bó với nghề may cờ Tổ quốc, nhưng chưa bao giờ bà Mai nghĩ đến việc sẽ làm giàu từ nghề này. Với bà, mỗi ngày được ngồi trên chiếc máy may cùng tấm vải đỏ và ngôi sao vàng 5 cánh là một niềm hạnh phúc.

“Trong cuộc đời, mỗi người sẽ có cơ duyên với mỗi nghề. Với tôi, nghề may cờ Tổ quốc không giàu được, nhưng tôi yêu thích và cảm thấy phù hợp với mình. Vì đó là niềm tự hào, là sự đóng góp một phần nhỏ bé của mình để giữ “hồn kỳ” Tổ quốc”, bà Mai thổ lộ.

Giờ đây, tâm nguyện lớn nhất của bà là các con cái sẽ tiếp nối và phát triển hơn nữa nghề may cờ Tổ quốc – công việc đã gắn bó với vợ chồng bà suốt 40 năm qua, với biết bao thăng trầm.

Anh Trần Tiến Quân (38 tuổi, con bà Mai) là thế hệ thứ ba của gia đình được truyền nghề may cờ Tổ quốc. Anh Quân cho biết, từ khi còn là học sinh cấp 3, anh đã được mẹ truyền dạy cho cách may cờ. Cũng từ đó đến nay, những lúc rảnh rỗi, anh Quân thường tranh thủ cắt vải, khoét sao, thậm chí sẵn sàng ngồi vào bàn may để phụ giúp gia đình.

“Công việc chính của tôi là chụp ảnh cưới, song tôi vẫn phụ giúp gia đình may cờ Tổ quốc, đặc biệt là vào những đợt cao điểm như lễ, Tết. Hình ảnh lá cờ Tổ quốc là linh hồn của dân tộc, vì vậy tôi rất trân trọng công việc mà bố mẹ tôi đã gắn bó suốt bao năm qua. Rất có thể sau này, tôi sẽ tiếp nối nghề truyền thống của gia đình”, anh Quân bộc bạch.

Theo anh Quân, thu nhập từ nghề may cờ Tổ quốc tuy không hấp dẫn như nhiều ngành nghề khác, song cũng đảm bảo được sự ổn định. Trung bình, mỗi dịp lễ, Tết gia đình anh cung ứng ra thị trường tối thiểu vài nghìn lá cờ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ Ukraine trong một cuộc tập trận tại thao trường Yavoriv, phía tây Ukraine.

NATO hưởng lợi trong chiến sự

GD&TĐ - Binh sĩ Ukraine bị Nga bắt giữ tiết lộ các huấn luyện viên NATO cố gắng học hỏi lực lượng Kiev khi huấn luyện những người này.