"Cổ tích" chồng tật nguyền nuôi vợ bại liệt

“Thương lắm nên ngoài lúc đi làm, tôi dành hết thời gian để chăm sóc cô ấy. Thức khuya dậy sớm hay cực khổ thế nào tôi cũng không sợ, chỉ mong cô ấy khỏi bệnh’ - anh Hồng bùi ngùi.

"Cổ tích" chồng tật nguyền nuôi vợ bại liệt
Buổi làm thuê nghiệt ngã
“Hồng cụt” là biệt danh mà người dân ở xã Hòa Phú đặt cho anh Ngô Văn Hồng (SN 1965, ở thôn 4, xã Hòa Phú, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai). Tròn 53 tuổi nhưng anh Hồng đã 33 năm mang hình hài của một người khuyết các bộ phận cơ thể bởi một tai họa tàn khốc ập đến khi mới 20 tuổi. Đó là một ngày đầu tháng 12/1985, khi đang đào hố cà phê thuê cho một gia đình trong thôn thì lưỡi cuốc của anh vướng phải mìn khiến anh mất hai cánh tay, cụt chân trái, hỏng mắt phải và gãy hàm dưới. 
Phải chữa trị rất nhiều ngày, anh Hồng mới qua cơn nguy kịch. Ngày từ bệnh viện về nhà, hàng xóm láng giềng đến thăm hỏi, nhìn chàng thanh niên không còn lành lặn, da tái xanh vì mất máu nhiều, ai cũng rơi nước mắt và xót xa cho anh. Các vết thương lành hẳn, sự bâng khuâng hẫng hụt của một người lành lặn nay bỗng dưng thiếu chân mất tay qua đi, anh quen dần với thực tại.

tr12-bay-tren-doi-canh-2.jpg

Hàng ngày, anh Hồng phải làm thuê để nuôi vợ bại liệt

Sau đó là những ngày anh tập dùng đôi tay cụt để điều khiển đồ vật. Nỗ lực cuối cùng cũng được đền đáp, anh Hồng đã biết kẹp thìa để tự xúc cơm ăn và biết làm nhiều việc khác bằng các bộ phận trên cơ thể mình. Điều đó, khiến anh tự tin hơn vào bản thân và không còn bi quan trước cuộc sống. 
Không chịu khuất phục trước số phận, anh Hồng bắt đầu tìm việc làm. Tuy nhiên, vì chỉ còn một chân và một mắt trái nên không ai thuê vì nghĩ anh không làm được việc. Vậy rồi, số phận cũng không phụ người có tâm, cuối cùng anh được một doanh nghiệp sản xuất cà phê nhận vào làm. Anh nhận làm tất cả công việc từ đào hố, bón phân, phun thuốc. Đặc biệt hơn, anh còn làm thêm công việc kế toán với đôi tay cụt. Ở mọi lĩnh vực, anh đều dốc toàn bộ nỗ lực để hoàn thành. 
“Tôi làm được mấy năm thì gặp vợ tôi bây giờ. Thời gian đầu, tôi vẫn sợ mình sẽ làm khổ cô ấy. Thân mình cùi cụt lo cho mình chưa xong nữa là lo cho ai. Nhưng rồi, vì thương hoàn cảnh của tôi nên cô ấy một mực theo tôi về làm vợ. Năm 2006, hai chúng tôi đến với nhau. Một năm sau, con trai chúng tôi chào đời. Ngày con ra đời, tôi mừng rơi nước mắt, vì nghĩ số phận mình tàn tật như thế này mà còn có đứa con là điều may mắn”, anh Hồng bộc bạch. 
“Thương cô ấy lắm...”
Vợ chồng anh Hồng tần tảo làm ăn cũng dành dụm mua được 5 sào cà phê, lúc rỗi việc còn đi làm thuê. Cuộc sống gia đình tưởng có chút khởi sắc thì giữa năm 2015, sau một cơn đau nặng, chị Đỗ Thị Tuyết Mai (SN 1971, vợ anh Hồng) bị tai biến liệt nửa người, phải nằm một chỗ. Cuộc sống gia đình vốn chẳng khấm khá gì nay lại càng túng quẫn. Khi không còn biết chạy vạy, vay mượn ở đâu để có tiền chữa bệnh cho vợ, anh Hồng đành phải bán đi 5 sào cà phê. Rồi mảnh đất rộng 20m ngang bố mẹ để lại cũng phải bán đi một nửa. 
Dù đã dốc hết sức lực và tài sản trong nhà để chạy chữa cho vợ nhưng tất cả đều vô vọng, không những không thuyên giảm mà bệnh tình của chị Mai mỗi lúc một nặng hơn. Mặc dù vậy, người đàn ông này vẫn tin rằng rồi vợ sẽ khỏi bệnh.
Vì thế, anh lại ra sức làm, làm để lấy tiền chữa bệnh cho vợ và nuôi cậu con trai ăn học. Buổi sáng, anh ở nhà chăm sóc vợ, cho con trai đi học, buổi chiều anh bắt đầu đi làm. Anh làm quần quật từ 12h trưa cho đến 18h tối. Trời nắng, anh làm cỏ, đào hố cà phê, phun thuốc; trời mưa, anh bón phân.

tr12-bay-tren-doi-canh-1.jpg

Anh Hồng dùng đôi tay cụt ngủn chăm sóc vợ

“Tôi phải làm khoán, chứ làm công không đủ tiền lo thuốc thang cho vợ và con ăn học đâu. Nếu như một ngày làm công bình thường được 160.000 đồng thì tôi có thể kiếm được 300.000 đồng/ngày từ việc nhận làm khoán. Làm khoán có thể kiếm được nhiều tiền hơn vì ăn theo sản phẩm mình làm ra; còn làm công thì nhiều người ngại thuê tôi, bởi họ nghĩ với thân hình tàn tật, tôi sẽ làm ít việc so với đồng tiền họ bỏ ra thuê”, anh Hồng tâm sự. 
Giờ đây, tài sản duy nhất của gia đình anh Hồng là ngôi nhà bị mối đã ăn gần hết cột và bộ đồ nghề chuyên dụng của anh. Vì bị cụt tay, chân nên mỗi chiếc cuốc hay cái dao, rựa đều phải gắn một cái quai để mỗi khi anh làm là gắn chặt một cùi tay vào lấy lực. Đôi tay cụt ngủn của anh cứ thoăn thoắt làm hết việc này đến việc khác không hề biết mệt. Hàng ngày, anh ra sức đi làm thuê mọi việc bằng những dụng cụ do mình chế ra. Đến mỗi tháng, dành dụm được bao nhiêu tiền, anh lại “cõng” người vợ liệt lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai để khám và lấy thuốc. 
Xuyên suốt cuộc trò chuyện, người đàn ông khuyết tật này luôn ngồi cạnh vợ để chăm sóc mỗi khi vợ cần. Anh bảo, ngày trước không chê anh tật nguyền nên chị đến với anh. Bây giờ, dù thế nào anh cũng phải chăm sóc chị, đó là nghĩa vợ chồng. “Thương cô ấy lắm, nên ngoài thời gian đi làm thì tôi dành hết thời gian ân cần chăm sóc cô ấy. Thức khuya dậy sớm hay cực khổ thế nào tôi cũng không sợ, chỉ mong cô ấy khỏi bệnh. Nhìn cô ấy, tôi thương lắm”, anh Hồng bùi ngùi. 
Có lẽ, bây giờ nguồn động viên, an ủi lớn nhất đối với anh Hồng là cậu con trai. Hiện, cháu Bảo đang học lớp 6. Ngoài việc học ở lớp, cháu còn phụ anh làm công việc nhà chăm sóc mẹ. Mỗi khi nhắc đến con, trong ánh mắt anh Hồng luôn lấp lánh sự yêu thương. Anh luôn hy vọng và mong cuộc đời con trai anh không phải vất vả như những gì anh đã trải qua. 
Bao nhiêu năm, người đàn ông tật nguyền ấy vẫn cáng đáng lo toan tất cả cho người vợ khốn khổ. Nghĩa vợ chồng của họ khiến ai nhìn vào cũng cảm động. Khi con người sống với nhau bằng tình cảm tốt đẹp như vậy, cuộc sống này tuyệt vời biết bao nhiêu.
Theo Phunuvietnam.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ