Có thư ngoài cửa!

GD&TĐ - Đó là tên dự án dạy học của hai giáo viên Đỗ Đức Anh, Lê Cúc Anh, Tổ Ngữ văn của Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, TPHCM triển khai cho HS của hai lớp 10A9 và 10A12 thực hiện. Trong quá trình thực hiện dự án, các em HS đã có những bài học ý nghĩa từ cuộc sống, có những trải nghiệm thú vị và cảm nhận được cái hay, cái đẹp của môn Văn.

Có thư ngoài cửa!

Hành trình của những lá thư

Đây là lần thứ ba, thầy giáo Đỗ Đức Anh lên ý tưởng cho dự án dạy học của mình với chủ đề Văn học từ cuộc sống. Dự án thực hiện trong thời gian khoảng 10 tuần với nhiều hoạt động ý nghĩa.

Để tham gia dự án, các em HS sẽ chia theo nhóm, mỗi nhóm khoảng 8 - 10 em. Mỗi người sẽ tự viết một lá thư tay cho những người mình ấn tượng, có nhiều tình cảm, hoặc mình ngưỡng mộ. Đó có thể là một người bạn thân, là một giáo viên, là người thân trong gia đình hay chỉ là chú bán kẹo bông, cô bán trà sữa...

Từ những lá thư tay được viết rất nắn nót ấy, học sinh bắt đầu chia nhau đi phỏng vấn nhân vật chính trong thư của mình. Sau đó, mỗi nhóm chọn ra một nhân vật mà nhóm tâm đắc nhất, để làm thành những thước phim sống động, chân thật về nhân vật đó để chiếu trong buổi tổng kết dự án.

Bên cạnh đó, mỗi lớp sẽ có một Trạm thư chờ ở cửa lớp và trên trang fanpage của dự án để nhận những lá thư chia sẻ của các bạn HS muốn gửi gắm đến những người mà mình yêu thương, ngưỡng mộ, quý mến... hay chỉ là những lá thư giãi bày tâm tư tình cảm của mình. Khi có thư, các bạn trong nhóm sẽ hồi đáp lại bằng thư tay cho những lá thư gửi đến.

Từ những lá thư của HS tham gia dự án viết và lá thư ở Trạm thư chờ, các giáo viên và HS thực hiện dự án dự kiến sẽ in những lá thư ấy thành một cuốn sách và sẽ có buổi ra mắt sách cũng như kí tặng sách cho HS của trường. Cùng với đó là một buổi trò chuyện với khoảng 300 khách mời và những nhân vật đặc biệt bước ra từ cuộc sống, từ những lá thư.

Ngoài ra, thầy và trò cũng tổ chức một buổi phát thanh Radio Học văn từ cuộc sống và đọc một lá thư hay nhất, đặc biệt nhất vào tối Chủ nhật hằng tuần.

“Qua thực hiện dự án, tôi luôn mong muốn HS của mình có được những trải nghiệm về cuộc sống, hiểu hơn về hơi thở của xã hội ngoài kia. Từ đó các em sẽ rút ra được bài học cho mình, các em đi để cảm nhận, đi để yêu cuộc đời hơn, để biết san sẻ với những người xung quanh mình”, thầy Đỗ Đức Anh cho hay.

Những bài học bổ ích

Tham gia dự án, Nguyễn Trần Tấn Phát, lớp 10A9 chia sẻ: “Cách học theo dự án khiến chúng em cảm thấy rất thoải mái, không chỉ gò bó ở không gian lớp học mà chúng em được đi, được trải nghiệm và có thêm nhiều bài học cho bản thân nên cảm thấy rất hứng thú và càng yêu thích môn Văn nhiều hơn”.

Tấn Phát cho biết, em viết thư cho ông Bảy, ông cụ đã ngoài 90 tuổi nhưng vẫn ngày ngày bán kẹo bông gòn, món kẹo gắn với tuổi thơ của biết bao thế hệ học trò Sài thành.

Cũng như Tấn Phát, em Huỳnh Nguyễn Minh Thư (lớp 10A9) cũng đã có những bài học cho mình từ việc tham gia dự án.

Thư cùng các bạn trong nhóm chọn 2 nhân vật cho những thước phim của mình. Nhân vật thứ nhất là cô Chi, năm nay 51 tuổi, ngụ tại quận 8. Cô Chi đã có hơn 20 năm nuôi nấng hàng trăm con mèo hoang từ nhỏ đến lớn. Kế đến là nhân vật bác Hữu Phước; bác thông thạo mấy thứ tiếng như Anh, Pháp, Campuchia... Trước đây gia đình bác rất khá giả, nhưng do một cơn tai biến, gia đình phải bán toàn bộ tài sản để chữa trị cho bác trong một thời gian dài, đi hết viện này đến viện kia, sức khỏe bác mới tạm ổn. Gia sản bỗng chốc không còn gì; người con gái của bác không may có thai ngoài ý muốn, sinh ra một cô cháu gái để lại cho ba mình nuôi rồi bỏ đi biệt tăm. Vượt qua khó khăn, bác đi làm thuê kiếm tiền để nuôi cháu gái ăn học đàng hoàng.

Theo Minh Thư, những trải nghiệm từ cuộc sống mà dự án mang lại khiến bản thân Thư và các bạn cảm thấy vô cùng ý nghĩa. Với các em đây là những tiết Văn sinh động nhất, chân thật nhất mà em từng trải qua.

Từ dự án này, thầy Đức Anh cũng cho hay, đây là một trong những cách học rất hiệu quả, không những giúp các em củng cố thêm kiến thức về Ngữ văn mà còn hình thành cho các em nhiều kỹ năng khác như giao tiếp, làm việc nhóm, phỏng vấn...

Thầy Đức Anh bày tỏ hi vọng trong thời gian tới, khi áp dụng môn Ngữ văn trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, cách dạy học này sẽ phát huy tối đa năng lực của người học, giáo viên được chủ động, linh hoạt theo chương trình. Theo đó, các dự án dạy học cũng sẽ được thực hiện nhiều hơn, thay vì một năm 1 dự án như hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.