Công dân có thể khởi kiện ngay không phải khiếu nại
Đại biểu Quốc hội Võ Minh Phương (đoàn Lâm Đồng) tán thành về việc công dân có thể khởi kiện vụ án hành chính ngay mà không đặt ra yêu cầu phải khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết trước. Đại biểu Phương co rằng, về một số lĩnh vực sở hữu trí tuệ, quản lý đất đai thì cần phải qua xem xét trước của cơ quan hành chính Nhà nước trước khi khởi kiện.
Nhiều đại biểu Quốc hội tán thành về việc công dân có thể khởi kiện vụ án hành chính ngay mà không đặt ra yêu cầu phải khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết trước. |
Đại biểu Quốc hội Đỗ Hữu Lâm (đoàn Long An) cho rằng, việc mở rộng sự lựa chọn cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền giải quyết hành vi hành chính xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của mình là phù hợp với yêu cầu đề ra tại Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị. Đó là đổi mới mạnh mẽ thủ tục giải quyết các khiếu kiện hành chính tại tòa án, tạo điều kiện cho mọi người dân tham gia tố tụng.
Đối với những vụ khiếu kiện ra tòa án mà không qua thủ tục khiếu nại thì nên quy định thời hiệu dài hơn sẽ tạo điều kiện cho người khởi kiện có đủ thời gian để thu thập các chứng cứ nhờ tư vấn trợ giúp pháp lý. Những khiếu kiện đã qua các thủ tục giải quyết khiếu nại lần 1 hoặc lần 2 thì thời hiệu khởi kiện phải ngắn hơn vì đương sự đã có một thời gian nhất định để chuẩn bị các tài liệu, chứng cứ ở giai đoạn khiếu nại rồi.
Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Trần Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) lại cho rằng: Một trong những yêu cầu đề ra tại Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị đó là đổi mới mạnh mẽ thủ tục giải quyết các khiếu kiện hành chính tại tòa án, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia tố tụng. Vì vậy, việc đơn giản hóa điều kiện khởi kiện vụ án hành chính cũng là một trong những yếu tố nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong việc khởi kiện vụ án hành chính. Mặc dù pháp luật hiện hành đã quy định tương đối thông thoáng về điều kiện khởi kiện vụ án hành chính nhưng người dân vẫn không mặn mà với việc khởi kiện ra tòa, bằng chứng cụ thể là đối lập với quang cảnh tấp nập tại các phòng tiếp công dân, lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo quá tải cho việc giải quyết khiếu nại của các cơ quan hành chính. Cả năm 2009, lượng án hành chính được tòa án các cấp đưa ra xét xử chỉ có khoảng 1.300 vụ trên tổng số 265.000 vụ án các loại.
Theo đại biểu Quốc hội Phương Hoa, nguyên nhân chính là do người dân chưa thực sự tin tưởng việc giải quyết của tòa án, việc thi hành án hành chính chưa được quy định cụ thể nên người dân thường lựa chọn con đường khiếu nại thay vì khởi kiện tại tòa án. Do đó, ngoài việc mở rộng điều kiện khởi kiện nghĩa là không đồng ý với hành vi hành chính, quyết định hành chính, người dân có thể lựa chọn hoặc là khởi kiện ra tòa hoặc là khiếu nại đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Luật cũng cần có những quy định cụ thể, chặt chẽ bởi cơ chế xét xử, thi hành án hành chính để người dân tin tưởng, lựa chọn việc khởi kiện hành chính, góp phần giảm tải việc giải quyết khiếu nại, tiếp công dân của các cơ quan hành chính hiện nay.
Nên quy định cụ thể hơn các quyết định của Hội đồng xét xử sơ thẩm
Về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, đại biểu Quốc hội Võ Thị Thuý Loan (đoàn Tiền Giang) tán thành phương án quy định cụ thể hơn các quyết định của Hội đồng xét xử sơ thẩm. Bởi vì khi đã trao quyền cho tòa án quyền xét xử các kiếu kiện đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính thì cũng nên trao cho Hội đồng xét xử sơ thẩm những quyền hạn nhất định tùy tình hình cụ thể. Quyền hạn đó phải được quy định bằng một phương thức rất rõ ràng trong Luật Tố tụng hành chính.
Đại biểu Quốc hội Trần Đình Long (đoàn Đắc Lắk) nêu ý kiến: Liên quan đến Điều 26 về thẩm quyền của tòa án nhân dân cấp huyện, đề nghị thẩm quyền của tòa án nhân dân cấp huyện là quy định rộng hơn theo hướng 2 cấp xét xử. Tất cả các vụ việc sơ thẩm thì do Tòa án nhân dân cấp huyện giải quyết. Còn lại những vấn đề cần thiết thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh lấy lên giải quyết, để sau này chúng ta không phải bận công việc tăng thêm thẩm quyền nữa. Một số vấn đề liên quan đến vấn đề đối ngoại hay là quốc tế có thể giao cho tòa án cấp tỉnh thì phù hợp hơn. Những quyết định của cấp sở, giám đốc sở, của đơn vị thuộc Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh cũng nên giao cho Tòa án cấp huyện, cấp quận để giải quyết.
Về thủ tục thỏa thuận trong tố tụng hành chính, đại biểu Quốc hội Đỗ Hữu Lâm (đoàn Long An) nêu ý kiến nên quy định việc đối thoại giữa người khởi kiện và bên bị kiện trong tố tụng hành chính. Nếu quy định thủ tục thỏa thuận là bắt buộc trong quá trình giải quyết vụ án hành chính thì dễ dẫn đến bên kiện và bên bị kiện thỏa thuận với nhau nhưng xâm phạm lợi ích của nhà nước hoặc của người khác. Nếu quy định thủ tục thỏa thuận là bắt buộc thì tòa án phải ra quyết định công nhận việc thỏa thuận đó và xét cho cùng thì tòa án cũng phải xem xét cả quyết định khởi kiện và thỏa thuận đó có trái với đạo đức xã hội hoặc trái với pháp luật hay không? Vì vậy đề nghị Quốc hội nên quy định cho các bên đối thoại với nhau trong quá trình giải quyết vụ án hành chính như Điều 11 của dự thảo Luật
Chiều nay, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và xem xét, quyết định về công tác nhân sự.
Quang Anh