(GD&TĐ) - Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) vừa mới tổ chức Hội nghị góp ý xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan.
Dự thảo Nghị định quy định hành vi vi phạm, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan; được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam. Mỗi hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân phải chịu một trong hai hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền.
Các hình thức phạt bổ sung bao gồm: Tịch thu hàng hóa vi phạm về quyền tác giả, quyền liên quan; nguyên liệu, vật liệu, phương tiện và thiết bị được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa vi phạm về quyền tác giả, quyền liên quan. Đình chỉ có thời hạn từ 3 tháng đến 6 tháng hoạt động kinh doanh, tư vấn, dịch vụ. Tịch thu Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan và các giấy tờ tư liệu liên quan khác bị sửa chữa, tẩy xóa, giả mạo hoặc đã bị hủy bỏ hiệu lực. Tước quyền sử dụng Thẻ giám định viên về quyền tác giả, quyền liên quan.
Cty Xuất bản Văn hóa sáng tạo Trí Việt - First News thắng vụ kiện xuất bản đầu tiên tại Hà Nội. Ảnh: Sách và CD có bản quyền của First News bị in lậu |
Nhiều ý kiến cho rằng, những vi phạm về quyền tác giả và quyền liên quan trên các lĩnh vực đang là vấn đề gây bức xúc dư luận và cần thiết phải chấn chỉnh mạnh tay bằng những mức xử phạt nghiêm. Dự thảo Nghị định đưa ra mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân vi phạm là 250 triệu đồng; đối với tổ chức vi phạm là 500 triệu đồng.
Lãnh đạo Cục Bản quyền tác giả cho biết, từ trước đến nay việc xử phạt những vi phạm trong lĩnh vực này hầu như rất khiêm tốn, chưa đủ sức răn đe. Theo ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Cục trưởng Cục NTBD, quy định tại khoản 1, điều 18 về mức phạt từ 2 đến 4 triệu đồng đối với hành vi sử dụng tác phẩm để biểu diễn trực tiếp mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả, đồng chủ sở hữu quyền tác giả hoặc tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả là quá thấp, chưa tương xứng. Ông Thắng cũng góp ý, một số điều khoản tại dự thảo Nghị định còn trùng lặp, cần nghiên cứu và chỉnh sửa lại cho phù hợp.
NSƯT Lê Chức, Phó Chủ tịch thường trực Hội NSSK Việt Nam góp ý, một số thuật ngữ trong dự thảo Nghị định chưa rõ nghĩa, cần được chú giải. Ví dụ như các thuật ngữ, khái niệm “tác phẩm phái sinh”, hoặc “hình tượng biểu diễn”... Ông cũng nêu bức xúc trước thực trạng có nhiều tác phẩm âm nhạc hiện nay bị thay đổi lời hát, thậm chí cả nhạc chế cũng được chấp nhận. Tác hại từ những kiểu chế đó sẽ bị phạt thế nào, nhất là khi tác phẩm chế xuất hiện trên truyền hình, ở nơi công cộng. “Bây giờ dường như các tác giả thường quan tâm và yêu cầu bồi thường những thiệt hại về mặt vật chất nhiều hơn là tính đến những tác hại, ảnh hưởng về giá trị tinh thần khi tác phẩm bị xâm hại. Vì vậy, cần quan tâm nhiều hơn đến những hậu quả xã hội của những hành vi vi phạm về quyền tác giả, quyền liên quan. Các hình thức và mức phạt cũng cần đủ nặng để có sức răn đe...”, NSƯT Lê Chức nói.
Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan gồm 4 chương, 51 điều. Các ý kiến đóng góp sẽ được Cục Bản quyền tác giả tổng hợp, tiếp thu và hoàn thiện để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, dự kiến trong tháng 3/2013.
Tổng hợp từ Báo Văn hóa